Sự thật về các vận động viên Trung Quốc được lập trình để lấy "vàng"

01/08/2012 13:41
Nguyễn Hường (nguồn Daily Mail)
(GDVN) -  Tốc độ bơi vượt qua cả các kình ngư nam giành huy chương vàng ở cùng cự ly của cô gái 16 tuổi đã khiến nhiều chuyên gia không khỏi ngạc nhiên và nghi hoặc.
Nữ vận động viên bơi lội người Trung Quốc Diệp Thi Văn đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế những ngày qua sau khi phá vỡ kỷ lục thế giới và giành huy chương vàng Olympic môn bơi lội ở cự ly 400m.

Diệp Thi Văn và tấm huy chương vàng Olympic London.
Diệp Thi Văn và tấm huy chương vàng Olympic London.
  
Tốc độ bơi vượt qua cả các kình ngư nam giành huy chương vàng ở cùng cự ly của cô gái 16 tuổi đã khiến nhiều chuyên gia không khỏi ngạc nhiên và nghi hoặc do từng có nhiều vận động viên Trung Quốc bị phát hiện sử dụng doping.
Tuy nhiên, Diệp Thi Văn đã vượt qua bài kiểm tra doping và hành trình đầy khó khăn giúp cô đến với chiếc huy chương vàng cũng được hé lộ.
"Tôi đã được lập trình để giành huy chương vàng"
Petra Schneider - vận động viên bơi lội người Đông Đức cũng đã từng gây chấn động thế giới như Văn khi cô giành được Huy chương vàng ở cự ly 400m tại Olympic Moscow 1980 khi 18 tuổi.

Diệp Thi Văn được tuyển chọn làm vận động viên bơi lội từ khi còn nhỏ nhờ ngoại hình đầy nam tính.
Diệp Thi Văn được tuyển chọn làm vận động viên bơi lội từ khi còn nhỏ nhờ ngoại hình đầy nam tính.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở Chemnitz nhiều năm sau đó, Schneider mới tiết lộ về bí quyết dẫn tới thành công của cô.
Sau khi được xác định là một nhà vô địch tiềm năng từ khi còn bé, Schneider đã phải từ giã trường học và bước vào một trung tâm huấn luyện hà khắc, nơi cô được nhận dạng bằng con số - Vận động viên số 137 - chứ không phải tên gọi do cha mẹ đặt.

XEM THÊM ẢNH VẬN ĐỘNG VIÊN 4 TUỔI TẬP LUYỆN TẠI TRUNG QUỐC

Mỗi giờ sau khi thức dậy, cô đều được dạy cách để mang lại vinh quang cho môn bơi lội của nền thể thao nước nhà.
Để tăng khả năng hấp thụ ô-xy, Schneider buộc phải bơi hàng giờ trong một thiết bị đặc biệt, tuân theo chế độ ăn uống giàu protein và tất nhiên được tiêm steroid thường xuyên dù sau đó ở giữa tuổi 30, nó sẽ khiến cô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe.

Trẻ em Trung Quốc tại trung tâm huấn luyện thể thao.
Trẻ em Trung Quốc tại trung tâm huấn luyện thể thao.

Câu chuyện của Schneider đã khiến nhiều nhà phân tích liên tưởng rằng liệu có phải Diệp Thi Văn cũng đã được lập trình tương tự?

Trên thực tế, từ những năm 1980, Trung Quốc đã bắt đầu các chính sách tìm kiếm và đào tạo nhân tài cho nền thể thao quốc gia ngay từ khi còn rất nhỏ. Nước này cũng đã mô hình hóa phương pháp đào tạo vận động viên giống như quy trình đào tạo Schneider của Đông Đức.
Theo chính sách này, các giáo viên tại Trung Quốc ngoài nhiệm vụ giảng dạy văn hóa, họ còn được yêu cầu rà soát các học sinh của mình để tìm kiếm những trẻ có năng khiếu thể thao bẩm sinh và báo cáo lại cho các huấn luyện viên khu vực. Các huấn luyện viên này sau đó sẽ tuyển dụng trẻ em vào 1 trong 3.000 trung tâm huấn luyện trên khắp cả nước. 
Theo lời mẹ của Diệp Thi Văn nói với các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì "Thi Văn đã bày tỏ mong ước được trở thành vận động viên bơi lội ở tuổi lên 7".
Trẻ em Trung Quốc tập luyện tại Trường Thể thao Trần Kinh Luân.
Trẻ em Trung Quốc tập luyện tại Trường Thể thao Trần Kinh Luân.

Nhưng thực tế, Diệp Thi Văn đã được chọn do sở hữu một vóc dáng khá giống với nam giới. Từ lúc lên 5, 6 tuổi Diệp Thi Văn đã cao hơn các bạn đồng lứa một cái đầu, có đôi vai rộng, bàn tay và bàn chân rất dài và các huấn luyện viên nghĩ rằng nó rất hữu ích đối với một vận động viên điền kinh tiềm năng.
Năm 7 tuổi, Diệp Thi Văn rời nhà ở Hàng Châu và được đưa tới trường trung học thể thao Trần Kinh Luân. Tuy nhiên, tại đây, các giáo viên nhận ra rằng Diệp Thi Văn hợp với môn bơi lội hơn. Và năm 11 tuổi, cô đã giành được chiếc huy chương đầu tiên ở môn này.
Bơi lội, như hầu hết các môn thể thao khác trong Olympic, đều đòi hỏi phải có một chế độ luyện tập không ngừng nghỉ và vô cùng khắc nghiệt mà các chuyên gia thường nói đùa rằng nó giống như đi khổ sai trong những "nhà tù" thế kỷ 19.
Thay vì dành thời gian đọc truyện trinh thám, buôn chuyện cùng bạn bè hay son móng chân cho mẹ, sáu năm qua, Diệp Thi Văn chỉ sống trong ký túc xá Spartan lạnh lẽo, với những bài tập hà khắc và với niềm hy vọng giành được càng nhiều huy chương vàng càng tốt.
Mỗi năm, có khoảng 900 trẻ mẫu giáo ở Hàng Châu được tuyển vào các trường huấn luyện thể thao trên khắp cả nước Trung Quốc.
Mỗi năm, có khoảng 900 trẻ mẫu giáo ở Hàng Châu được tuyển vào các trường huấn luyện thể thao trên khắp cả nước Trung Quốc.

Ở tuổi lên 7, Diệp Thi Văn đã phải lên xà đơn 20 lần/hiệp, điều mà ngay cả những người trưởng thành cũng khó có thể làm nổi. Cô phải tập bơi hàng giờ mỗi ngày và chỉ được nghỉ khi hồ bơi cần được làm sạch, một trong những huấn luyện viên của Văn cho biết.
Nhưng trước các phương tiện thông tin đại chúng, Văn cũng như nhiều vận động viên thể thao khác của Trung Quốc không bao giờ hé răng tiết lộ về sứ mệnh mà họ vang trên vai. Tất cả đều được dạy cách hành xử thế nào là thích hợp khi tham gia các giải đấu lớn như luôn giữ nét mặt bình thường, hành xử không chê vào đâu được khi được phỏng vấn và không để lộ điểm yếu hay thể hiện mình đang bị đau. 
Thay vì được lớn lên bình thường và sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, Văn phải rời xa gia đình, tự lập từ rất nhỏ. Điều an ủi duy nhất trong tuổi niên thiếu của Văn có lẽ chính là chế độ ăn uống với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn rất nhiều so với các thiếu niên Trung Quốc bình thường.
Vận động viên Trung Quốc tố chương trình tập luyện hà khắc

Trừng phạt bằng đòn roi sẽ giúp trẻ dẻo dai hơn?
Trừng phạt bằng đòn roi sẽ giúp trẻ dẻo dai hơn?

Ủy ban Olympic Quốc tế đã từng hứa hẹn sẽ tiến hành điều tra làm rõ các cáo buộc liên quan tới việc các quan chức Trung Quốc đã hiện thực hóa giấc mộng vàng của mình bằng cách bắt trẻ em rời xa cha mẹ từ quá nhỏ và phải tham gia vào một chương trình tập luyện vô cùng hà khắc. Thậm chí, còn có nhiều cáo buộc cho rằng trẻ em đã bị đánh đập bởi các huấn luyện viên của họ.
Tuy nhiên, 7 năm qua, cơ quan này đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào có thể giúp thay đổi những điều trên. Cho đến cuối tháng 1 vừa qua, những hình ảnh đau lòng xuất hiện trên mạng internet cho thấy những em bé Trung Quốc khóc trong đau đớn khi phải tập luyện đã cho thấy cách họ được rèn giũa để gặt "vàng".
Trong trường hợp lũ trẻ quên mất lý do tại sao chúng lại có mặt ở đó, một chữ "Vàng" lớn được viết trên tường sẽ nhắc nhở chúng.
Tuyển dụng các tài năng thể thao từ tuổi đời còn rất nhỏ và dạy chúng học thuộc lòng rằng nhiệm vụ của chúng là đánh bại người Mỹ cũng như tất cả các quốc gia khác trong các trận đấu quốc tế là một phần trong dự án thể thao quốc gia của Trung Quốc.

Trẻ em phải tuân theo các bài tập hà khắc mỗi ngày kể từ khi bước vào trường. Trẻ em tại Trường Thể thao Trần Kinh Luân
Trẻ em phải tuân theo các bài tập hà khắc mỗi ngày kể từ khi bước vào trường. Trẻ em tại Trường Thể thao Trần Kinh Luân

Tuy nhiên, những đứa trẻ được lập trình để đưa ra những câu trả lời nhạt nhẽo trước báo chí và truyền hình, sau khi được tăng cường tiếp xúc với phương Tây thông qua các phương tiện truyền thông xã hội đã bắt đầu "nổi loạn", lên tiếng tố chương tình huấn luyện hà khắc ở đất nước của họ.
Trong tuần này, một người bạn trong đội bơi của Diệp Thi Văn là Lục Huỳnh (23 tuổi) được các nhà phân tích dự báo có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi trở lại Bắc Kinh khi cô lặp đi lặp lại thông điệp rằng cô thích các chương trình tập luyện tự do và thú vị ở Úc, nơi cô được đến tập huấn trước khi tham gia Olympic. Câu nói của Lục Huỳnh chẳng khác nào một cú đánh ngầm vào chương trình tập luyện của Trung Quốc.
Gần đây, nhiều cựu vận động viên thể thao Trung Quốc khác cũng phá vớ im lặng kể về các chương trình tập luyện mà họ bị ép phải tuân theo tại các trung tâm huấn luyện, nhưng không được bảo đảm về cuộc sống sau này khi sự nghiệp kết thúc hay họ không gặt hái được thành công hoặc gặp rủi ro trong nghề nghiệp.
Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích với mục đích nâng cao thành tích thực. 
Cái giá của vinh quang

Lý Triết Tư, 16 tuổi, bị đuổi khỏi đội tuyển Trung Quốc do phát hiện sử dụng EPO.
Lý Triết Tư, 16 tuổi, bị đuổi khỏi đội tuyển Trung Quốc do phát hiện sử dụng EPO.

Năm 1994, Trung Quốc giành được 14 trong 16 tấm huy chương vàng bơi lội tại Rome. Nhưng không lâu sau đó, tại một giải đấu của khu vực châu Á, 11 vận động viên nước này đã bị phát hiện dương tính với chất kích thích cấm sử dụng testosterone và Trung Quốc bị tước 9 trong tổng số 23 chiếc huy chương vàng.

XEM THÊM ẢNH VẬN ĐỘNG VIÊN 4 TUỔI TẬP LUYỆN TẠI TRUNG QUỐC

Nhiều vụ bê bối tương tự khác cũng xảy ra trong suốt những năm 1990 và những năm 2000 trong đó có trường hợp năm 1998, người ta tìm thấy 13 lọ hormone tăng trưởng dành cho người (đủ để dùng cả đội) trong túi đựng dụng cụ của một nữ vận động viên bơi lội người Trung Quốc tại sân bay Sydney.
Chỉ 6 tuần trước, vận động viên bơi lội Lý Triết Tư (16 tuổi) của Trung Quốc bị đuổi khỏi đội sau khi bị bắt quả tang dùng một chất kích thích gọi là EPO để làm tăng tế bào hồng cầu nhằm cải thiện khả năng hấp thụ khí ô-xy.
Những cái giá này, Trung Quốc đều có thể nhìn thấy trước nếu họ nhớ tới quãng đời sau đó của Schneider, người vô tình bị huấn luyện viên của mình biến thành con nghiện.

Petra Schneider nói rằng cô muốn đổi tấm huy chương vàng để lấy lại vẻ nữ tính.
 Petra Schneider nói rằng cô muốn đổi tấm huy chương vàng để lấy lại vẻ nữ tính.

Schneider bị cứng cơ bắp, buộc phải sinh đứa con duy nhất bằng cách mổ lấy thai. Nhịp tim của cô cũng trở nên bất thường, cholestorol cao bất thường và bị đau lưng liên tục. 
Sau khi được khuyến khích phát triển như một Adam để có thể hình lý tưởng, Schneider cũng dần bị tước mất sự nữ tính của mình. Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất với phóng viên tờ Daily Mail tại nhà riêng, Schneider thổ lộ rằng cô sẵn sàng đổi chiếc huy chương vàng để lấy lại vẻ nữ tính.
Kết cục của Schneider là một bài học đáng giá cho nhiều vận động viên thể thao khác khi muốn giành vinh quang một cách quá vội vã. Và hy vọng rằng cô gái vàng Diệp Thi Văn sẽ không phải rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Nguyễn Hường (nguồn Daily Mail)