Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Sự thật vụ nam sinh tự tử vì bị chuyển chỗ ngồi

07/11/2012 14:39
Theo Người đưa tin
Ở cái làng quê yên bình này, những người nông dân hiền lành chất phác không thể tin nổi cậu bé ngoan hiền ấy lại tìm đến cái chết chỉ vì một lý do hết sức trẻ con. Buồn vì tình yêu học trò không thể nói thành lời, cậu học sinh đã treo cổ tự tử.

Đó là cái chết thương tâm của Nguyễn Viết Phương (SN 1995, ngụ xã Công Lý, Lý Nhân, Hà Nam) xảy ra ngày 30/10. Cậu bé dại dột ra đi mà không để lại một lời trăng trối nào nên có nhiều bàn tán về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng.

Buổi chiều định mệnh

Chúng tôi tìm đến nơi vừa xảy ra cái chết thương tâm của cậu học lớp 11 để tìm hiểu rõ về nguyên nhân sự việc. Có lẽ, đây là lần đầu tiên người dân nơi đây chứng kiến câu chuyện đau lòng đến vậy. Miền quê yên bình bao năm bỗng dưng xôn xao, bàn tán về cậu bé dại dột. Mọi người đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót vì cái chết của Phương quá đỗi bất ngờ. Thậm chí, có người khi nghe tin Phương đã qua đời còn tưởng mình nghe nhầm. Những ngày này, người dân làng trên xóm dưới đâu đâu cũng mang chuyện cậu bé tự treo cổ mình bằng một chiếc thắt lưng và một chiếc dây thừng ra để giải thoát những bế tắc trong chuyện tình cảm.

Su that vu nam sinh tu tu vi bi chuyen cho ngoi

Phương đã dùng chiếc dây thừng cột với thắt lưng treo lên trần nhà để tự kết liễu đời mình.

Khoảng 7h tối 31/10 (một ngày sau khi sự việc xảy ra), chúng tôi đã có mặt tại địa bàn xã Công Lý. Lúc này, xã Công Lý đang chìm trong bóng tối do mất điện sau cơn bão. Mò mẫm gần 20km trong bóng đêm từ đầu huyện Duy Tiên vào đến xóm 5 xã Công Lý khiến chúng tôi cảm thấy lòng se thắt lại. Có lẽ, đó là cảm giác xót xa cho một kiếp người ngắn ngủi...

Việc định vị đường đi khó khăn hơn với những người khách lạ. Phải lòng vòng quanh xã gần một tiếng đồng hồ, ngôi nhà của nạn nhân mới hiện ra mờ mờ ảo ảo theo cái chỉ tay của một người qua đường. Từ trong ánh sáng của ngọn nến lay lắt, người đàn bà chừng hơn 70 tuổi lò dò bước ra hỏi chúng tôi với vẻ dò xét. Và rồi, câu chuyện thương tâm bắt đầu bằng những giọt nước mắt xót xa của chị Nguyễn Thị Dịu (SN 1974, mẹ của Phương). Chị Dịu đưa tay ngang trán như muốn cố che đi gương mặt gầy sọp, hốc hác của mình.

Giọng mếu máo, chị kể: "Tôi đang làm việc ở công ty thì nghe người ta báo con trai đã qua đời. Lúc ấy, tôi cứ tưởng mình đang gặp ác mộng. Bỗng nhiên thấy người run lẩy bẩy, tôi tưởng trời đất sụp đổ dưới chân. Lúc được người quen đưa về đến nhà, tôi lao vào phòng thì đã thấy cháu nằm bất động, vô cảm. Tôi cứ lay mãi, gọi mãi mà chẳng thấy con trai trả lời".

Tiếng nấc xé lòng của chị Dịu khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi phải dừng lại. Đỡ lời cô con dâu, bà nội của Phương chậm rãi kể từng tiếng như sợ những giọt nước mắt của người đầu bạc khiến linh hồn cậu bé không siêu thoát được. "Bình thường, hai vợ chồng nó (bố mẹ Phương - PV) đều đi vắng cả, chỉ có bà cháu tôi ở nhà. Mọi khi, tôi thấy Phương hay đi học thêm vào khoảng 3h - 5h chiều. Nhưng hôm đó, thấy nó ăn cơm trưa xong vào phòng đóng chặt cửa, tôi tưởng cháu nó ngủ như mọi khi. Đến gần 4h chiều, không thấy Phương lấy xe đi học, tôi tưởng nó ngủ quên nên vào gọi. Khi mở cửa ra, tôi chết đứng khi thấy cháu mình đang lơ lửng giữa nhà. Lúc đầu, tôi nghĩ  nó chơi mấy trò xiếc nguy hiểm bắt chước trên tivi nên quát lớn nhưng không thấy nó trả lời. Nhìn kỹ mới thấy mặt cháu mình đã xám lại, chân tay buông thõng. Tôi vội hô hào hàng xóm đến cứu cháu. Nhưng khi đưa được thằng bé xuống thì mọi chuyện đã quá muộn?".

Su that vu nam sinh tu tu vi bi chuyen cho ngoi

Người dân đến rất đông ngay sau khi nghe tin về cái chết của Phương.

Buồn chán chỉ vì bị chuyển chỗ ngồi?

Ngay sau khi Phương tự tử, người dân trong làng đã đặt ra rất nhiều giả thuyết về cái chết đau lòng đó. Ông Nguyễn Văn Huấn, bí thư xóm 5 cho biết, mọi người trong gia đình Phương rất hiền lành, chất phác. Xưa nay, họ không va chạm, to tiếng với bất cứ ai trong làng. Bản thân Phương cũng là một học sinh ngoan ngoãn, sống trầm tính và ít khi tiếp xúc với người ngoài xóm. Đã từ lâu, bố cậu đi làm thợ sơn nhà, còn mẹ là công nhân cho nhà máy gần địa bàn xã. Chính vì thế, ban ngày Phương ở với bà nội và cậu em nhỏ, buổi tối gia đình mới sum họp.

Trong đám thanh niên cùng tuổi ở xóm, cậu bé này được cho là thuộc diện không ăn chơi, đua đòi. "Sự việc cháu Phương qua đời đột ngột, bản thân chúng tôi cũng thấy khó hiểu. Nhà tuy không giàu có nhưng bố mẹ cháu cũng đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết, thậm chí mua cả điện thoại di động cho Phương dùng. Theo tôi, nghi vấn cậu bé bị bạo hành hoàn toàn không có. Bởi bố mẹ cháu cũng hiền lành và cưng chiều con cái. Tôi chưa thấy anh chị ấy to tiếng với cậu bé bao giờ", ông Huấn tỏ ra tiếc nuối.

Anh Nguyễn Viết Tuân (SN 1972, bố đẻ của Phương) chia sẻ: "Con dại cái mang. Là người làm cha làm mẹ, chúng tôi thấy mình cũng có lỗi vì đã không phát hiện ra cháu có biểu hiện lạ trước khi xảy ra sự việc đau lòng. Tuy nhiên, cái chết của cháu khiến chúng tôi thấy có nhiều điều rất lạ. Bình thường, chúng tôi đi làm bận rộn cả ngày nhưng cũng không để cháu phải thua bạn kém bè. Con trai đòi hỏi điều gì chúng tôi đều đáp ứng đầy đủ. Duy chỉ có một điều gần đây, tôi thấy cháu hay gọi điện và nhắn tin cho một người bạn gái. Tôi có hỏi và khuyên rằng, ở tuổi này phải chú tâm vào học thì thấy cháu hậm hực nói lại: "Bố tưởng con trai bố ai cũng thích chắc". Thấy nó nói vậy nên tôi cũng yên tâm".

Su that vu nam sinh tu tu vi bi chuyen cho ngoi

Góc học tập của Phương vẫn như mọi ngày, không có điều gì thay đổi đáng nghi vấn.

Nói đến đây, giọng anh Tuân nghẹn lại. Cố giấu những giọt nước mắt, anh kể tiếp: "Cách  đây mấy hôm, tôi cũng thấy bạn cháu đến nhà chơi. Hôm đó, tôi cảm thấy mệt nên ở nhà nghỉ. Sau khi chuyện trò được một lúc, mấy cháu nhỏ cười đùa, nói rằng: "Thằng Phương nhà chú yêu cái Th. cùng lớp cháu nhưng bị nó đá rồi. Giờ nó đang thất tình đấy chú ạ". Từ lâu, mẹ cháu bận làm công ty nên tôi là người quan tâm đến con cái nhiều hơn. Sau đó, tôi có dò hỏi các bạn cháu thì được biết, Phương có thích một cô bạn cùng lớp tên Th. Tuy nhiên, đó là tình cảm bạn bè. Chúng chỉ là quý mến hơn tình bạn học trò. Hai đứa cũng có nhắn tin điện thoại qua lại nhưng bị bố mẹ cháu Th. phát hiện. Th. đã bị cấm không được dùng điện thoại. Nhưng vì vẫn học cùng lớp lại ngồi cạnh nhau nên bọn trẻ vẫn thường xuyên nói chuyện.

"Thằng Phương nhà tôi xưa nay sống khép kín và rất tình cảm. Nó đã quý ai thì cứ quý mãi. Mới đây cô giáo chuyển chỗ ngồi trên lớp, chúng nó không ngồi gần nhau nữa. Thằng Phương tỏ ra buồn lòng nên bị bạn bè trêu là kẻ thất tình", anh Tuân tâm sự.  

Tự tử vì nghĩ rằng bạn gái lạnh nhạt?

Sau cái chết của Phương, anh Tuân có gặng hỏi cháu Lệ (bạn thân và cũng ngồi cùng bàn với Th.) thì được biết, trước ngày tự tử, Phương có nhắn tin cho Th. mấy tin nhắn tỏ ý trách móc là tại sao từ khi chuyển chỗ không thấy quan tâm nhắn tin hỏi han. Cô bé trả lời rằng tình cảm bạn bè vẫn bình thường như trước nhưng Phương lại nghĩ rằng bị bạn hắt hủi. "Càng nghĩ tôi càng thấy đau lòng. Sao con trai tôi nó dại dột đến như vậy. Mặc dù thương con nhưng bây giờ không biết khuyên nhủ giải thích với ai?", anh Tuân đau buồn nói.

Theo Người đưa tin