Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

16/05/2011 05:59
(GDVN) - Vị Hiệu phó trường ĐH Khoa học Tự nhiên từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến chất lượng cuốn sách do chính ông làm đồng chủ biên.

(GDVN) - Vị Hiệu phó trường ĐH Khoa học Tự nhiên từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến chất lượng cuốn sách do chính ông làm đồng chủ biên.

{iarelatednews articleid='2380,2375,2323,2213,2128,2115'}

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao bàn luận về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” (Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008) do nhóm tác giả GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung chủ biên. Trong cuộc làm việc với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hồng Tung khẳng định, chính GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (hiện là Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) là người lựa chọn và đưa trường hợp doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đứng chung với các bậc anh hùng, tiêu biểu nhất của lịch sử dân tộc.

Để dư luận có được cái nhìn nhiều chiều về sự việc, trưa 16/5, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương. Trả lời câu hỏi của phóng viên về nhận định của GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội rằng việc chủ biên cuốn sách xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh các vĩ nhân là việc làm sai trái, ông Nguyễn Hoàng Lương cho rằng đó là ý kiến của GS Đào Trọng Thi, ông không có bình luận.

Trong 10 phút của cuộc làm việc, GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương từ chối các câu hỏi của phóng viên liên quan đến những vấn đề dư luận đặt ra về chất lượng của cuốn sách. “Tất cả những thông tin cần thiết, chúng tôi đã gửi phúc đáp đến báo Sài Gòn Giải phóng”_GS Lương cho biết.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nội dung của văn bản phúc đáp trên của nhóm chủ biên.

"Vừa qua báo Sài Gòn Giải phóng ngày 10 và 11/5/2011 có đăng các ý kiến đóng góp, phê bình cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của nhóm tác giả do GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung làm chủ biên. Thay mặt cho nhóm tác giả, tôi xin trao đổi lại đôi điều như sau:

GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương
GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương
Trước hết, chúng tôi chân thành cảm ơn báo Sài Gòn Giải phóng, các tác giả Minh An và Trần Thành Trung và một số độc giả khác đã có ý kiến góp ý, phê bình đối với công trình của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của quý vị và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng.

Đúng như ông Trần Thành Trung nhận xét, những gì chúng tôi trình bày liên quan đến tiểu sử và sự nghiệp của 14 trường hợp nghiên cứu được lựa chọn là không có gì mới. Trong sách, ở phần Lời mở đầu và Tổng luận, chúng tôi đã nói rõ rằng “chúng tôi cũng không đặt mục tiêu khảo sát toàn diện về con người, thân thế, sự nghiệp và đánh giá về những đóng góp của họ, mà chỉ tập trung làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào” (trang 308).

Điều các tác giả Minh An và Trần Thành Trung băn khoăn, chất vấn nhiều nhất là: dựa trên tiêu chí nào để chúng tôi chọn đưa vào công trình này 14 nhân tài để nghiên cứu, trong đó có ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Đây là điều chúng tôi cũng đã nói rõ trong phần Lời mở đầu và Tổng luận của cuốn sách. Để đạt được mục tiêu nói trên, chúng tôi không thể nghiên cứu về con đường hình thành và phát triển nhân cách tài năng của tất cả nhân tài trên thế giới và ở Việt Nam, vì vậy chúng tôi đã chọn một phương pháp nghiên cứu cụ thể là nghiên cứu trường hợp (case studies).

Ở đây chúng tôi chỉ lựa chọn nghiên cứu một số nhân tài thuộc 3 lĩnh vực riêng biệt: lãnh đạo quản lý, khoa học - công nghệ và kinh tế - kinh doanh. Mỗi lĩnh vực đó có ít nhất 1 người nước ngoài và ở Việt Nam thì mỗi lĩnh vực phải có đại diện cho các thời đại lịch sử khác nhau (trung đại, cận đại, hiện đại). Tài năng của con người rất đa dạng và ở những cấp độ với tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng khác nhau. Trong sách, chúng tôi cũng đã nói rõ rằng: “14 trường hợp nhân tài được lựa chọn để nghiên cứu ở đây không nhất thiết là những nhân tài xuất chúng tiêu biểu nhất của Việt Nam và thế giới” (trang 307).

Riêng về trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ, chúng tôi đã nói rõ lý do lựa chọn trường hợp này để nghiên cứu ở đây là: “Một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới” (trang 11).

Chúng tôi nghĩ cách đặt vấn đề như vậy là rõ ràng. Trong công trình của mình, chúng tôi không hề có có ý định so sánh các trường hợp nghiên cứu với nhau và càng không hề nhận định rằng 14 trường hợp đó là “các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử” của Việt Nam hay của thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng sự chênh lệch số trang viết như độc giả nêu ra là không nên, có thể gây ra những suy diễn, hiểu lầm không cần thiết. Điều này chúng tôi xin tiếp thu và rút kinh nghiệm.

Về việc tại sao riêng trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ, chúng tôi lại chọn cách để ông ta tự thuật về con đường thành đạt của mình, chúng tôi cho rằng việc làm này cũng có ý riêng của hai đồng chủ biên. Ở thời điểm chúng tôi tiến hành nghiên cứu, ông Vũ đang là một trong những doanh nhân tiêu biểu và thành đạt, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh và có không ít rủi ro, không ai có thể đảm bảo rằng sau đó ông Vũ và doanh nghiệp của ông vẫn tiếp tục thành đạt. Vì vậy, dù lựa chọn ông Vũ hay một doanh nhân tiêu biểu nào khác để nghiên cứu thì chúng tôi cũng sẽ chọn cách này (nếu nhân vật đồng ý) và để cho nhân vật tự thuật về những trải nghiệm của mình, qua đó chúng tôi và bạn đọc rút ra những nhận xét riêng của mình. Vì vậy, chúng tôi xin khẳng định rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng chỉ là một trường hợp nghiên cứu, và chúng tôi tuyệt đối không có ý định thông qua công trình này tôn vinh quá mức cá nhân ông Vũ hay quảng cáo, “đánh bóng” tên tuổi cho doanh nghiệp Café Trung Nguyên.  Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong phần Tổng luận của cuốn sách từ trang 316 đến trang 319.

Một lần nữa chúng tôi chân thành cảm tạ và tiếp thu những ý kiến góp ý, phê bình của các độc giả. Điều chúng tôi học được ở đây là: chúng tôi cần cẩn trọng hơn nữa trong cách trình bày, diễn đạt kết quả nghiên cứu của mình để tránh việc bạn đọc tiếp cận công trình từ những góc độ khác nhau có thể có những suy diễn, hiểu lầm đáng tiếc”.

Bùi Khương