Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Tái cơ cấu ngân hàng, cần chú ý lợi ích nhóm và nợ xấu"

01/11/2012 06:32
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá còn một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay”.
Đó là một trong những ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đoàn Đại biểu TP. Đà Nẵng) khi nói về tái cơ cấu ngân hàng tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013. Ông Thanh cho rằng: “Khi tái cơ cấu ngân hàng cần chú ý hai vấn đề rất lớn, một là lợi ích nhóm và hai là vấn đề nợ xấu. 
Tôi đề nghị ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu. Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao. 

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh - Đoàn Đại biểu TP. Đà Nẵng
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh - Đoàn Đại biểu TP. Đà Nẵng

Ngoài việc do thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá còn một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay”. Theo ông Thanh, có những nợ không phải là nợ xấu mà có những loại nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. 

"Hiệu quả hoạt động của ngân hàng thấp nhưng lương và thưởng không thấp" 

Bày tỏ việc chưa đồng tình với ý kiến giải thích của Thống đốc ngân hàng về nợ xấu, đại biểu Thân Văn Khoa (Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Giang) cho rằng: “Theo tôi trách nhiệm giải quyết nợ xấu trước hết trực tiếp vẫn phải là ngành ngân hàng trong đó ngân hàng nhà nước chiếm vị trí quan trọng”.

Ông Khoa nói: “Thực tế chúng ta có thể thấy trong khi nợ xấu ngày càng tăng cao hay nói các khác là hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thấp nhưng lương và thưởng của ngành ngân hàng không thể nói là thấp so với lương trong xã hội. Tôi cho rằng đây là những vấn đề đang là cản trở trong việc tái cơ cấu ngân hàng, vấn đề nợ xấu”.

Ngay sau đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có những phát biểu về việc xử lý nợ xấu: “Chúng tôi dưới góc độ nhiệm vụ của ngành ngân hàng sẽ quyết tâm phấn đấu hết mức, đặc biệt đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)

Hiện nay các ngân hàng đang tích cực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chúng tôi cũng cương quyết đến cuối năm nay, tất cả những ngân hàng nào không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chúng tôi không cho chia cổ tức, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ vấn đề xử lý nợ xấu. Chúng tôi cũng sẽ tích cực phấn đấu cùng với các Bộ, ngành để có những giải pháp tích cực trong vấn đề giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản". 

Còn theo đại biểu Phan Văn Quý (Đoàn Đại biểu tỉnh Nghệ An), “nên thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế, cơ quan này có thể gồm đại diện của các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế hàng đầu do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. 

Hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn bởi nợ xấu ngân hàng, do vậy cần sớm thành lập công ty mua bán nợ quốc gia và chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh của nhiều phía nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Chúng ta phải có hành động quyết liệt để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại càng nhanh càng tốt. Khai thông được nguồn vốn để tiếp ứng nguồn lực cho doanh nghiệp”.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản rất bất hợp lý

Liên quan đến thị trường bất động sản và việc giải quyết hàng tồn kho vật liệu xây dựng, ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết : “Thị trường bất động sản hiện nay được đánh giá rất khó khăn, thị trường đang bị đóng băng rất ít giao dịch. Các doanh nghiệp bất động sản khó khăn nhưng người dân nghèo một bộ phận lớn vẫn thiếu nhà ở đủ điều kiện”. 

Ông Dũng cũng đã chỉ ra các nguyên nhân gây ra khó khăn bất động sản. Cụ thể là thị trường bất động sản phát triển tự phát phong trào và thiếu quy hoạch, kế hoạch, do đó dẫn đến cung rất lớn so với cầu. 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp sáng 31/10. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp sáng 31/10. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít. Về cơ cấu sản phẩm bất động sản rất bất hợp lý như nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân rất thiếu.

Vốn cho các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng là chính và vốn đóng góp của người dân mua nhà. Nên khi hàng không bán được, thị trường đóng băng, nợ xấu bất động sản tăng cao và gây khó khăn.

Ông Dũng cũng đưa ra các giải pháp để khắc phục tồn kho như: “Tập trung để kiểm soát các dự án mới đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ; tháo gỡ khó khăn chung cho sản xuất kinh doanh và nhằm tăng tổng đầu tư xã hội, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng ; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó phát triển nhà ở xã hội chủ yếu dùng những vật liệu trong nước, không phải vật liệu cao cấp của nước ngoài nên sẽ sử dụng vật liệu trong nước và như vậy sẽ giảm tồn kho”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang