Tai nạn giao thông, tai nạn do đốt pháo trong ngày Tết vẫn gia tăng

12/02/2013 17:51
Nguyễn Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ nhưng trong những ngày Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013 ở nhiều địa phương trên cả nước, những “xác pháo” vẫn trải trên khắp các con đường. Nghiêm trọng hơn là những vụ tai nạn do pháo gây ra.

*Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, sau khi diễn ra lẻ tẻ từ tối 29 Tết, bắt đầu từ khoảng 23 giờ 30 phút đêm giao thừa Tết Quý Tỵ, tiếng pháo bắt đầu rộ lên và kéo dài cho đến tận sau giờ giao thừa. Qua phản ánh của phóng viên Báo Hải Dương, sáng sớm mùng 1 Tết, dọc theo quốc lộ 5 từ xã Cộng Hoà đến xã Kim Lương (huyện Kim Thành), có rất nhiều xác pháo đỏ ven đường trước cửa các hộ dân.

Cũng ở tỉnh Hải Dương, từ 22 giờ ngày 29 đến trưa mồng 1 Tết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 5 trường hợp bị tai nạn do pháo nổ, nghiêm trọng nhất là trường hợp anh Nguyễn Quang Chỉnh (29 tuổi, ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà) phải phẫu thuật do chấn thương ngực, tràn máu màng phổi, dập nát bàn tay trái phải cắt bỏ các ngón tay.

Anh Nguyễn Quang Chỉnh đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (ảnh: Báo Hải Dương).
Anh Nguyễn Quang Chỉnh đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (ảnh: Báo Hải Dương).

Ở 1 số thành phố lớn như Hải Phòng, Nam Định, theo ghi nhận của phóng viên các báo Hải Phòng, Tiền phong… thì người dân ở đây không chỉ đốt pháo sáng mà còn có cả các loại pháo nổ. Không khó để tìm hỏi mua pháo. Theo các tay chơi, chỉ cần bỏ ra vài trăm đến trên dưới một triệu đồng xuống các điểm pháo lậu đã có thể “tậu” về 4 – 5 quả pháo khác nhau. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên, giới trẻ trên địa bàn đi làm ăn xa, tìm cách “vận chuyển” pháo về quê.

Tại thành phố Hải Phòng, tai nạn do đốt pháo đã gây thương tích cho trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Đức Tiện, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiến An cho biết, trong số 9 ca phẫu thuật cấp cứu do các bác sĩ tiến hành đêm giao thừa, một ca do pháo nổ gây nát, gẫy ngón tay cái.

*Chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tối ngày mùng 3 Tết cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, trong ba ngày (từ 30 - 2 Tết), trên toàn quốc đã xảy ra 108 vụ tai nạn giao thông làm chết 91 người, bị thương 84 người. Mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông, đua xe trái phép không tái diễn, nhưng lỗi vi phạm như đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba, vượt đèn đỏ... xuất hiện khá nhiều nhiều nên tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, đây là những kết quả chưa thật sự đầy đủ, bởi theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn ở mức cao. Đặc biệt là trong ngày hôm nay (2 Tết), dù số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông không tăng, không giảm so với năm trước, nhưng cả số vụ tai nạn và số người bị thương đều gia tăng.

*Theo TTXVN, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản văn hóa trong lễ hội Xuân 2013 để hoạt động văn hóa này diễn ra trang trọng, thiết thực, đảm bảo an toàn và tiết kiệm.

Toàn thành phố có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa)... Để tránh những biến tướng trong nghi lễ mang màu sắc mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hàng quán lấn chiếm khu bảo tồn, hòm công đức đặt vô tổ chức... làm mờ bản sắc văn hóa, gây phản cảm trong xã hội, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực vào cuộc, loại bỏ những hiện tượng này.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thanh tra trên 20 lễ hội trong dịp này nhằm phát hiện, xử lý những hành vi lợi dụng lễ hội vi phạm các quy định của Nhà nước trong công tác tổ chức và hoạt động lễ hội. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào tính hợp pháp của nội dung kịch bản của lễ hội, công tác sắp xếp hàng quán, dịch vụ, trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và các loại hình dịch vụ trong lễ hội theo quy định của pháp luật, việc sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu nơi thờ tự...

Lễ hội Chùa Hương (Ảnh: internet).
Lễ hội Chùa Hương (Ảnh: internet).

*Nhiều người dân đầu trần đi chơi Tết, đó là thông tin được phản ánh trên báo Vnexpress. Vốn được đánh giá là thành phố nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tuy nhiên 2 ngày qua trên đường phố Đà Nẵng dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy chở ba hay bố mẹ chở con nhỏ không đội mũ bảo hiểm. Việc đội mũ bảo hiểm để chấp hành luật giao thông và đảm bảo an toàn cho bản thân không được nhiều bạn trẻ chú trọng. Thậm chí nhiều ông bố bà mẹ có con nhỏ cũng để đầu trần đi xe máy. Một vụ tai nạn giao thông do nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm lạng lách, đánh võng gây ra. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên bán mũ bảo hiểm giá rẻ với giá 50.000 đồng nhằm khuyến khích người dân chấp hành luật lệ giao thông.

Trong những ngày Tết Nguyên đán nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên vẫn đầu trần đi chơi Tết (ảnh:internet).
Trong những ngày Tết Nguyên đán nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên vẫn đầu trần đi chơi Tết (ảnh:internet).

*Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong hai ngày 9/2/2013 (29 Tết) và 10/2/2013 (1 Tết), phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đạt lần lượt là 248,1 triệu kWh và gần 223 triệu kWh, tăng tương ứng 12,5% và 13,03% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị trong EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân cả nước trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Cũng theo EVN, trong đợt 2 phục vụ bơm nước sản xuất vụ Đông Xuân 2012 - 2013 ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ, EVN đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định đối với các trạm bơm. Tổng lượng nước xả của 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong đợt 2 là 1,734 tỷ m 3 . Số liệu của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến 16h ngày 9/2, diện tích đã có nước đạt 530.515 ha, bằng 83,5% tổng diện tích cần lấy nước. Một số tỉnh đạt tỷ lệ diện tích đã có nước cao là Phú Thọ 107,8%; Ninh Bình 97,6%, Nam Định 97,5%, Hải Dương 95,2% và Thái Bình 94%.

Nguyễn Huệ (Tổng hợp)