Tại sao Trung Quốc phớt lờ đơn xin gia nhập AIIB của Đài Loan?

01/04/2015 13:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Nội các Đài Loan tuyên bố, hòn đảo này đã đệ đơn xin góp vốn tham gia sáng lập AIIB với tên gọi Trung Quốc - Đài Bắc.
Ông Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven bên lề Diễn đàn Bác Ngao. Thụy Điển là một trong số các quốc gia xin gia nhập AIIB vào phút chót. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven bên lề Diễn đàn Bác Ngao. Thụy Điển là một trong số các quốc gia xin gia nhập AIIB vào phút chót. Ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 1/4 đưa tin, ít nhất 47 quốc gia và vùng lãnh thổ từ 5 châu lục đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức tài chính Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng với vai trò thành viên đồng sáng lập. Thụy Điển và Kyrgyzstan là 2 nước cuối cùng nộp hồ sơ trước hạn chót 31/3, góp phần tăng thêm sức nặng cho tổ chức tài chính đã có ảnh hưởng gia tăng ngay trước khi chính thức bắt đầu hoạt động.

Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng 30 quốc gia đã được phê duyệt làm thành viên sáng lập tương lai, nhưng con số này sẽ chưa chốt cho đến ngày 15/4 này. "Một số quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn còn đang trải qua quá trình xem xét đa chiều", bà Oánh giải thích lịch Bắc Kinh chốt sổ. Hồng Kông sẽ tham gia định chế tài chính này như một phần của đoàn Trung Quốc.

Nội các Đài Loan tuyên bố, hòn đảo này đã đệ đơn xin góp vốn tham gia sáng lập AIIB với tên gọi Trung Quốc - Đài Bắc, một tên gọi vẫn được sử dụng tham gia một số tổ chức quốc tế như Ủy ban Olympic quốc tế. Tuy nhiên Bắc Kinh không nói họ đã nhận được đơn của Đài Loan hay chưa. 

Còn theo hãng thông tấn AP, trong cuộc họp báo hôm qua Hoa Xuân Oánh nói rằng: "Đối với việc Đài Loan muốn gia nhập AIIB, chúng tôi vẫn cho rằng chúng ta nên tránh tình trạng 'hai Trung Quốc' hay 'một Trung Quốc và một Đài Loan'", một cách  khước từ yêu cầu của Đài Bắc. 

Nhật Bản cho biết sẽ không tham gia ngân hàng này, ít nhất là chưa tham gia. Sau một cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nói rằng Nhật Bản đã "không có sự lựa chọn, nhưng phải rất thận trọng với việc tham gia AIIB". Tokyo quan tâm đến vấn đề quản trị của ngân hàng, tính bên vững và các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.

Sự phổ biến của AIIB là một thắng lợi ngoại giao đối với Trung Quốc và trở thành trở ngại đối với Hoa Kỳ. Ngay cả ở Mỹ một số chuyên gia đang chỉ trích Washington "xử lý sai" vấn đề này. Giáo sư Yu Siong từ đại học Northumbria ở Anh cho rằng, các đồng minh của Mỹ quyết định tham gia AIIB là bằng chứng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh đang gia tăng, đánh dấu thời điểm lịch sử ảnh hưởng của Trung Quốc vượt Mỹ.

Bất ngờ nhất đối với Hoa Kỳ là đồng minh thân thiết nhất của họ, Vương quốc Anh tuyên bố giữa tháng trước rằng London sẽ gia nhập AIIB khiến các nước châu Âu khác làm theo. Với nhiều quốc gia ký biên bản ghi nhớ ý định gia nhập AIIB, một trật tự tài chính toàn cầu mới được thiết lập là một "cái gì đó" khiến Mỹ phải suy ngẫm.

Hồng Thủy