Bài đăng trên trang tin của Tân Hoa Xã, Trung Quốc:

Tân Hoa Xã: Việt Nam chọn giải pháp mua tàu ngầm của Nga

18/07/2013 07:31
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đang thử xem mình có thể bành trướng ra bên ngoài với tốc độ như thế nào; Nhật Bản muốn biết khi họ đáp trả lại Trung Quốc thì có thể dựa vào Mỹ hay không; Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước khác buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa cân bằng với nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ; Ấn Độ đang xây dựng lại quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Đông Á mà từ lâu bị xem nhẹ...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương xây dựng đổi tên Lực lượng Phòng vệ thành Quân đội
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương xây dựng đổi tên Lực lượng Phòng vệ thành Quân đội

Tân Hoa xã TQ mới đây đã đăng tải bài viết nói rằng, ngày 16 tháng 7, tờ "Thời báo Tài chính" Anh đăng bài viết "Sứ mệnh nguy hiểm của Mỹ ở châu Á". Bài viết cho rằng, châu Á tồn tại một vấn đề to lớn.

Ở Tokyo, Bắc Kinh, New Delhi, Seoul cùng với phần lớn các thành phố khác, bạn đều có thể nghe được vấn đề này. "Trọng tâm chiến lược chuyển tới châu Á" của Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn được cho là "không tồi", nhưng về lâu dài, Mỹ thực sự có thể kiên trì chính sách này hay không? Đối với vấn đề này, không ai có thể đưa ra đáp án xác định, nhưng điều này không ngăn cản mọi người đưa ra các suy đoán.

Do thiếu tính xác định, quan điểm cũng quan trọng như chứng cứ xác thực. Một số phỏng đoán Mỹ sẽ ở lại bao lâu tại khu vực này với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương đang tác động sâu sắc tới hành vi của hầu như mỗi quốc gia ở khu vực này. Ở Tokyo, mọi người tranh luận xoay quanh về vai trò ảnh hưởng của Mỹ trong mấy chục năm tới sôi nổi hơn bất cứ nơi đâu.

Trung Quốc đang thử xem mình có thể bành trướng ra bên ngoài với tốc độ như thế nào và có thể bành trướng tới mức độ nào; Nhật Bản muốn biết khi họ đáp trả lại Trung Quốc thì có thể dựa vào Mỹ hay không; Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước khác buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa cân bằng với nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ; Ấn Độ đang xây dựng lại quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Đông Á mà từ lâu bị xem nhẹ. Điều làm cho cục diện trở nên phức tạp hơn là, câu trả lời cho câu hỏi Mỹ ở lại châu Á lâu dài vẫn còn thay đổi theo sự biến chuyển của thời gian.

Mùa Đông năm 2012, Mỹ giống như một siêu cường đi đứng loạng choạng, kinh tế "mềm nhũn", nợ công và thâm hụt ngân sách không thể tiếp tục, rơi vào bế tắc về chính trị, những điều này đều khiến mọi người nảy sinh nghi ngờ về năng lực phục hồi của Mỹ. Vì vậy, có người giàu trí tưởng tượng ở TQ đã dự đoán, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn quyết định chính trị của Mỹ lại bị Iraq và Afghanistan gây thương tổn nguyên khí lớn.

Tháng 5 năm 2013, cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đã khuấy đục biển Đông - diễn tập liên hợp răn đe vũ lực.
Tháng 5 năm 2013, cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đã khuấy đục biển Đông - diễn tập liên hợp răn đe vũ lực.

Khi nói về nhóm đảo Senkaku và sự đối đầu ở biển Hoa Đông, một quan chức của chính quyền Shinzo Abe cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe quan tâm tới việc Mỹ chưa thực sự ủng hộ mạnh mẽ Philippines trong tranh chấp biển Đông giữa Phiippines với Trung Quốc.

Chính phủ Philippines bị rơi vào tình trạng không được viện trợ. Nhật Bản không muốn phạm sai lầm tương tự. Nhật Bản sẽ sử dụng vũ trang trên biển của mình để đánh lui các cuộc xâm lược của Trung Quốc. Ông Shinzo Abe sẽ còn thúc đẩy nới lỏng hạn chế của Hiến pháp đối với ngân sách quân sự của Nhật Bản.

Hoàn toàn không chỉ có Nhật Bản tiến hành chuẩn bị "kép" như vậy. Cách đây vài ngày, Diễn đàn Trung Quốc-Stockholm (Stockholm China forum) là hội nghị thường niên do Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund) tổ chức, đã có sự tham dự của các đại diện đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Một chủ nhà Thụy Điển đã dẫn dắt tới chủ đề biển Baltic.

Ông cho biết, chính ở những vùng biển như vậy, Hải quân Việt Nam đang thử nghiệm một loại tàu ngầm mới do Nga chế tạo. Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, đồng thời trang bị tên lửa hành trình. Những tàu ngầm này không lâu nữa sẽ hoạt động trong lòng Biển Đông, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng, trong địa-chính trị, 6 tháng là một khoảng thời gian rất dài. Đến nay, kinh tế Mỹ đang chuyển biến tốt. Kinh tế đã tăng trưởng trở lại. Thông qua cắt giảm chi tiêu theo từng giai đoạn (sequestration), tình trạng bế tắc về chính trị của Mỹ hầu như đã có biện pháp giải quyết một phần vấn đề thâm hụt.

Cùng với triển vọng kinh tế chuyển theo hướng lạc quan, các nhà bình luận đã tiếp tục phát hiện ra ưu thế tự nhiên to lớn của Mỹ - từ vị trí địa lý và cơ cấu dân số có lợi, đến ưu thế công nghệ và tài nguyên dầu khí nham thạch khổng lồ.

Mỹ cam kết chuyển 60% lực lượng hải quân tới khu vực Thái Bình Dương, 60% lực lượng không quân và lục chiến ở nước ngoài tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ưu tiên triển khai vũ khí trang bị tiên tiến tại khu vực. Tàu sân bay Mỹ cũng liên tiếp hiện diện trên biển Đông.
Mỹ cam kết chuyển 60% lực lượng hải quân tới khu vực Thái Bình Dương, 60% lực lượng không quân và lục chiến ở nước ngoài tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ưu tiên triển khai vũ khí trang bị tiên tiến tại khu vực. Tàu sân bay Mỹ cũng liên tiếp hiện diện trên biển Đông.

Trong thế giới hiện thực, sự chuyển biến to lớn mang tính chu kỳ này khó mà tránh khỏi. Năm 2012, những dự đoán rằng sự suy thoái của Mỹ không có thuốc chữa căn bản không đáng tin cậy.

Những người cho rằng Trung Quốc sẽ thống trị thế giới đừng quên rằng, lịch sử hoàn toàn không phải phát triển theo con đường thẳng tắp. Hiện nay, mức độ lo ngại của Obama đối với các vấn đề của Mỹ rất có thể không lớn bằng mức độ lo ngại của Tập Cận Bình đối với các vấn đề nội tại và bên ngoài của Trung Quốc.

Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là tiếp xúc và ngăn chặn: Tức là tiếp xúc với Trung Quốc để ngăn chặn cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi diễn biến thành đối đầu, đồng thời thông qua duy trì thực lực của mình và tăng cường đồng minh của Mỹ để ngăn chặn sự cứng rắn của Trung Quốc.

Đại đa số các nước láng giềng của Trung Quốc đã áp dụng cách làm tương tự. Họ một mặt hòa nhập với Trung Quốc về kinh tế, một mặt phát triển quan hệ với Mỹ về chính trị (có khi là về quân sự). Tân Hoa xã thì bình luận rằng "Việt Nam thì mua sắm tàu ngầm của Nga".

Ở đây tồn tại một vấn đề nan giải. Chỉ khi nào các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn tin rằng Mỹ sẽ ở lại lâu dài khu vực này, thì chiến lược tái cân bằng mới phát huy tác dụng; nhưng, Chính phủ Mỹ trình bày ý đồ của mình càng có sức thuyết phục thì các nước đồng minh như Nhật Bản càng có thể giả định họ được Mỹ hỗ trợ vô hạn khi đối đầu với Trung Quốc.

Theo bình luận của báo chí TQ, "Có vẻ Mỹ cảm thấy bất an với xu hướng cứng rắn của ông Shinzo Abe. Trái lại, hành động áp dụng đối với Nhật Bản của Trung Quốc vừa là cố ý thăm dò quyết tâm của Nhật Bản, vừa là cố ý thăm dò quyết tâm của Mỹ".

Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga để bảo vệ chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Trong hình là tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo của Việt Nam tại cảng biển Nga.
Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga để bảo vệ chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Trong hình là tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo của Việt Nam tại cảng biển Nga.

Kết quả chính là một sự cân bằng không ổn định, rất dễ bị phá vỡ do phán đoán nhầm. Trong mấy chục năm tới, Mỹ vẫn có đủ thực lực kinh tế và quân sự để duy trì một lực lượng thường trực ở châu Á. Nếu tính toán rút đi thì sẽ đe dọa tới quá nhiều lợi ích chiến lược.

Trung Quốc lại đang phát triển sức mạnh quân sự để tìm cách có thể thiết lập quy tắc của Bắc Kinh tại khu vực. Tập Cận Bình thậm chí đề xuất, Thái Bình Dương đủ không gian để chứa cả hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ.

Quản lý cục diện này không có biện pháp gì bí mật. Mỹ nếu rời khỏi châu Á sẽ gây ra tình trạng bất ổn, tồi tệ; nếu ở lại khu vực này, sẽ gây ra sự bất mãn mạnh mẽ của Trung Quốc. Vì vậy, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này sẽ trở thành một sứ mệnh mang lại nhiều nguy cơ xung khắc: Nó vừa là một sự bảo đảm ổn định then chốt, vừa rất có thể trở thành một nguồn gốc cho sự đối đầu.

Người châu Âu biết rõ điều này sẽ dẫn đến hậu quả gì. Anh từng đóng vai trò cân bằng sức mạnh trước sự trỗi dậy của nước Đức. Cục diện đối đầu Anh-Đức bị phá vỡ là cuộc chiến tranh gây thương vong vô số trong giai đoạn 1914-1918, năm 2014 sẽ chào đón kỷ niệm 100 năm cuộc chiến tranh này. Nó rõ ràng là một tiền lệ gây lo ngại.

Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ đã đến chốt tại cửa ra vào eo biển Malacca, canh chừng tuyến đường hàng hải nối biển Đông-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Con tàu này vừa tham gia một loạt cuộc diễn tập Carat tại khu vực Đông Nam Á và biển Đông.
Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ đã đến chốt tại cửa ra vào eo biển Malacca, canh chừng tuyến đường hàng hải nối biển Đông-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Con tàu này vừa tham gia một loạt cuộc diễn tập Carat tại khu vực Đông Nam Á và biển Đông.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng