Tăng mức đóng, hỗ trợ đóng BHXHTN, người dân nỗ lực duy trì để an nhàn về già

16/05/2022 09:15
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo hiểm xã hội tăng mức đóng, mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng ít nhất 176.000 đồng/tháng so với mức đóng năm 2021 do mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định 07 của Chính phủ.

Mức đóng tăng tương ứng mức hỗ trợ cũng tăng theo và mức hưởng chế độ hưu trí cao hơn trước.

Tăng mức đóng, nâng mức hỗ trợ

Nắm bắt được thông tin tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vợ chồng anh N. Q. Đ trú ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) cảm thấy vừa mừng vừa lo.

Anh Đ. cho hay: “Lo là bởi theo tính toán của tôi, mặc dù mức hỗ trợ của nhà nước tăng theo mức đóng nhưng mức đóng chênh lệch khá lớn.

Gia đình tôi thuộc hộ nghèo trong xã nên chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp nhất, sau khi trừ tỷ lệ được ngân sách trung ương hỗ trợ đóng 30%, ngân sách thành phố hỗ trợ đóng 30%, tôi chỉ phải đóng 61.600 đồng/tháng/người.

Theo quy định mới, tôi phải đóng 132.000 đồng/tháng/người nên với mức thu nhập eo hẹp như hiện nay, để duy trì tham gia bảo hiểm tự nguyện cho cả 2 vợ chồng đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu quả thực rất khó khăn.

Lo là vậy nhưng tôi cũng mừng bởi việc đóng – hưởng rất công bằng, đóng cao thì sau này hưởng lương hưu cao.

Vợ chồng tôi sẽ cố gắng duy trì tham gia đều đặn để được an nhàn khi về già và không trở thành gánh nặng cho người thân, xã hội”.

Bên cạnh mối băn khoăn về việc mức đóng tăng, việc duy trì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khó khăn, một số người tham gia quan tâm đến các khoản đóng chênh lệch.

Trường hợp chị N. T. H, ở phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), đầu tháng 12/2021, chị H. vừa đóng tiếp 5 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chị H. đang băn khoăn khi điều chỉnh tăng mức đóng thì chị có phải đóng thêm mức chênh lệch hay không.

Cán bộ, nhân viên bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng tập trung tuyên truyền BHXH tự nguyện cho các tiểu thương (Ảnh: Hoàng Xuân)

Cán bộ, nhân viên bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng tập trung tuyên truyền BHXH tự nguyện cho các tiểu thương (Ảnh: Hoàng Xuân)

Về vấn đề này, Phó giám đốc bảo hiểm xã hội quận Ngô Quyền Trịnh Thị Thanh Huyền cho biết, quy định này chính thức triển khai từ ngày 1/1/2022, cho nên những người đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Việc điều chỉnh tăng sẽ áp dụng trong lần đóng tiếp theo. Như vậy người đóng được hưởng lợi một thời gian đóng và mức hưởng thì được tính theo mức đóng mới.

Hiện nay, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Theo đó, từ 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là: 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm 2021; mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng/tháng.

Tiếp tục đề xuất tăng mức hỗ trợ

Năm 2021, thành phố nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với một số trường hợp, cụ thể: đối với hộ nghèo, theo quy định trung ương hỗ trợ 30%, ngân sách thành phố hỗ trợ thêm 30%, tổng mức hỗ trợ 60% mức đóng; đối với hộ cận nghèo, trung ương hỗ trợ 25%, ngân sách thành phố hỗ trợ thêm 25%, tổng mức hỗ trợ 50% mức đóng.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ thiết thực của thành phố, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất ít.

Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân buôn bán nhỏ tại các chợ dân sinh (Ảnh: Hoàng Xuân)

Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân buôn bán nhỏ tại các chợ dân sinh (Ảnh: Hoàng Xuân)

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, năm 2021, toàn thành phố có 113 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chiếm 0,5%) số người tham gia. Đây thực sự là “bài toán” khó đối với ngành bảo hiểm xã hội.

Để khai thác thêm các nhóm tiềm năng khác, tăng nhanh số người tham gia, bảo hiểm xã hội thành phố đề nghị thành phố hỗ trợ thêm 10% mức đóng (ngoài 10% mức ngân sách trung ương hỗ trợ) đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), nâng tổng mức hỗ trợ 20%.

Năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện toàn thành phố là hơn 23.200 người, đạt tỷ lệ 70,65% so với chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.

Mặc dù chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng gần 2.000 người so với năm 2020.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tuyên truyền, truyền thông bị hạn chế.

Bảo hiểm xã hội huyện Kiến Thuỵ trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân (Ảnh: Hoàng Xuân)

Bảo hiểm xã hội huyện Kiến Thuỵ trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân (Ảnh: Hoàng Xuân)

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Văn Thạnh cho biết, năm 2022, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng xác định công tác vận động, phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như mô hình nhóm nhỏ, livestream trên mạng xã hội, trên hệ thống loa phát thanh….

Qua đó, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, cách thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị rà soát, phân loại các trường hợp theo độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập….

Trong đó, tập trung vào nhóm có tiềm năng lớn như: người hoạt động không chuyên trách ở nông thôn, tổ dân phố; các hộ kinh doanh tư nhân, tiểu thương, người buôn bán nhỏ; người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đã chấm dứt hợp đồng lao động,…để có biện pháp vận động tham gia kịp thời.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý thu, giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đại lý và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc đại lý nâng cao trách nhiệm trong công việc.

Tích cực nâng cao chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn, cung cấp các dịch vụ liên quan đến đóng, nộp bảo hiểm xã hội trên cổng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia.

LÃ TIẾN