Tập Cận Bình thực hiện "Trung Quốc mộng" qua BRICS, AIIB

15/07/2016 14:20
Ngọc Việt
(GDVN) - Phát hành trái phiếu xanh – làm xanh đồng CNY mới là mục đích quan trọng nhất khi Tập Cận Bình cho thành lập AIIB.

Bnews đưa tin ngày 12/7, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do các thành viên khối BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) thành lập, đã thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu xanh bằng đồng nhân dân tệ (CNY).

Mục đích của động thái này được giải thích là nhằm tăng nguồn ngân quỹ cho các dự án cơ sở hạng tầng và năng lượng sạch. Dự kiến, ngày 18/7 NDB sẽ phát hành lượng trái phiếu giá trị 3 tỷ CNY với thời hạn 5 năm.

Theo kế hoạch thì Ngân hàng Trung Quốc (BOC) được uỷ thác giữ vai trò điều hành việc phát hành trái phiếu, còn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC), HSBC và Standard Chartered nằm trong nhóm bao tiêu.

Tháng 4/2016, ban lãnh đạo NDB đã từng chấp thuận cho vay để lập quỹ cho 4 dự án năng lượng xanh với trị giá lên tới 811 triệu USD.

Cũng xin nhắc lại rằng, trái phiếu là một loại chứng khoán trong đó quy định nghĩa vụ của tổ chức phát hành (doanh nghiệp, kho bạc hay chính quyền) phải trả cho tổ chức hay cá nhân nắm giữ trái phiếu một khoản tiền xác định (tương tự như lãi vay) trong những khoảng thời gian cụ thể.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tiếp có những chiến lược thâm sâu nhằm hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ảnh: Internet.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tiếp có những chiến lược thâm sâu nhằm hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ảnh: Internet.

Khi đáo hạn trái phiếu thì đơn vị phát hành trái phiếu phải trả giá trị gốc cho người nắm giữ trái phiếu. Như vậy, phát hành trái phiếu là vay vốn và trái phiếu giống như giấy xác nhận vay. 

Có thể thấy rằng, việc phát hành trái phiếu là một hoạt động huy động vốn bình thường khi mục đích của việc phát hành được xác định, chức năng của đơn vị phát hành được quy định và số lượng trái phiếu phát hành được ấn định.

Và trước khi việc phát hành trái phiếu được quyết định thì phải tiến hành một công việc gần như mang tính mặc định, đó là xác định đồng tiền đảm bảo giá trị của trái phiếu.

Tên gọi hay việc phân loại trái phiếu thường thể hiện chức năng của tổ chức phát hành hay mục đích sử dụng vốn có được từ việc phát hành trái phiếu. 

Và trái phiếu xanh hay còn gọi là trái phiếu khí hậu, hoặc trái phiếu môi trường, được phát hành để tạo nguồn vốn cho các dự án xanh. Trái phiếu xanh được hiểu là công cụ ghi nợ có mục đích sử dụng là cấp vốn cho các dự án “xanh” hoặc dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Như vậy, tính chất "xanh” của trái phiếu phụ thuộc vào “tiêu chuẩn xanh” của dự án được tài trợ vốn từ kênh huy động này. 

Như vậy, việc phát hành trái phiếu là một nghiệp vụ kinh tế phát sinh bình thường của các tổ chức hay định chế kinh tế - tài chính và phát hành trái phiếu xanh được xem là nghiệp vụ kinh tế có tính ưu việt, vì mục đích của nó là hướng tới việc bảo vệ môi trường sống của con người.

Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì việc phát hành trái phiếu xanh của NDB lần này lại không hoàn toàn như vậy, mà nó có thể được nhận diện là bước khởi đầu của một chiến lược kinh tế quan trọng của chính phủ Trung Quốc. Tại sao lại nhận định như vậy?

Tầm nhìn Tập Cận Bình trong việc hoán đổi vai trò “hộ bị - chủ công” giữa tiền tệ và hàng hoá Trung Quốc

Cho đến lúc này có thể nhận định rằng, Tập Cận Bình đã quá chuẩn xác trong việc “bắt bệnh và bốc thuốc” cho nền kinh tế Trung Quốc.

Khi nhận thấy tình trạng “thùng rỗng kêu to” được tạo ra bởi phát triển nóng do cải cách của Đặng Tiểu Bình, có thể đưa kinh tế Trung Quốc tới chỗ sụp đổ vì sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc là do nợ vay mang lại, Tập Cận Bình đã chọn điều chỉnh phát triển kinh tế Trung Quốc theo hướng “mạnh hơn chứ không chỉ to ra”.

Chính sách “tái cơ cấu” được xem là chương trình kinh tế thế kỷ của Bắc Kinh, nó có thể làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, thậm chí quy mô nền kinh tế có thể co lại nhưng sức mạnh thực sự của nền kinh tế này có thể thẩm định được và được khẳng định.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở chỗ, khi “tái cơ cấu” được triển khai thì lại hạn chế ngay khả năng hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ôm ấp từ lâu.

Có thể thấy rằng, “giấc mộng Trung Hoa” là ý đồ thống trị thế giới của Bắc Kinh chỉ có thể thành hiện thực khi kinh tế Trung Quốc đủ tầm thực hiện những chiến dịch tấn công quyến rũ với công cụ chính là các lợi ích kinh tế dành cho đối tác bị thu phục.

Khi “tái cơ cấu” làm chậm lại nhịp độ phát triển, thậm chí làm co lại quy mô nền kinh tế, nghĩa làm giảm tầm cỡ của kinh tế Trung Quốc, điều đó khiến cho giấc mộng bá chủ của Bắc Kinh trở nên xa vời.

Tập Cận Bình  thực hiện "Trung Quốc mộng" qua BRICS, AIIB ảnh 2

Chiến lược "mình ong xác ve" nguy hiểm của Trung Nam Hải

(GDVN) - Việc biến các doanh nghiệp mục tiêu nước ngoài thành “mình ong xác ve’ là một chiến lược đầy nguy hại của Bắc Kinh đối với kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, Tập Cận Bình đã phát hiện ra công cụ quan trọng nhất có thể biến “tái cơ cấu” từ rào cản của “giấc mộng Trung Hoa” trở thành chiến lược quan trọng, quyết định sự thành bại của nó.

Công cụ đó chính là đồng nội tệ - đồng nhân dân tệ (CNY). Bởi lẽ, khi đồng tiền của một quốc gia hay một định chế có sức mạnh thì sẽ là yếu tố quan trọng nhất khẳng định sức mạnh nền tảng kinh tế của nó. 

Có thể thấy rằng, trong hơn 1/4 thế kỷ của phát triển nóng, Bắc Kinh đã vận dụng phương châm số lượng áp đảo trong việc hiện thực hoá ý đồ thống trị kinh tế thế giới của mình.

Trung Quốc tập trung sản xuất hàng hoá và sử dụng hàng hoá giá rẻ để khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Nghĩa là hàng hoá được Bắc Kinh xác định là công cụ đóng vai trò “chủ công” trong tổng chiến lược của mình.

Mặc dù vậy, kinh tế Trung Quốc có thể gia tăng nhanh chóng về quy mô nhưng sức mạnh thì không được thẩm định nên luôn dính đòn “gậy ông đập lưng ông” trong nhiều hoạt động.

Vì hàng hoá Trung Quốc được mua bán, trao đổi vẫn phải thông qua những ngoại tệ khác nên kinh tế Trung Quốc có thể thay đổi chỉ trong “tích tắc” nếu những ngoại tệ đảm bảo giao dịch đó thay đổi.

Như vậy, hàng hoá không thể đóng vai trò “chủ công”, mà phải là tiền tệ. 

Đó có thể lý giải nguyên nhân của việc Bắc Kinh điều tiết đồng CNY theo cơ chế riêng tạo ra sân chơi riêng nhằm khẳng định sức mạnh cho nó. Tuy nhiên, khi một mình một ngựa thì đồng CNY có thể đưa kinh tế Trung Quốc tới nguy cơ sụp đổ, chứ không thể khẳng định sức mạnh cho nó được.

Bởi lẽ, đồng CNY không được điều tiết theo quy luật thị trường thì lấy cơ sở nào để so sánh, để thẩm định sức mạnh của nó? Đây là sai lầm của Bắc Kinh.

Có lẽ Tập Cận Bình nhận thấy điều đó và đã chuẩn bị những công cụ hữu hiệu để đồng CNY thể hiện sức mạnh trong nền kinh tế toàn cầu. Sức mạnh của một đồng tiền chỉ được khẳng định khi nó len lỏi vào nhiều ngóc ngách của nhiều thực thể kinh tế.

Nó phải thẩm thấu sự ảnh hưởng vào nhiều chính sách kinh tế và tạo nên hiệu ứng ưa thích sử dụng của các thực thể, định chế và cá nhân trong những hoạt động kinh tế - tài chính thường ngày, từ chi tiêu đến đầu tư, hợp tác.

Ngặt một nỗi là trong giá trị của hàng hoá và cả tiền tệ của Trung Quốc thì tỷ trọng giá trị vô hình chiếm rất nhỏ khiến cho việc quốc tế hoá đồng CNY quá khó khăn, trong khi quốc tế hoá là tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định sức mạnh đồng tiền.

Không những vậy, việc quốc tế hoá đồng CNY còn bị hai gọng kìm tai hại bó lại, đó là triết lý kinh doanh “hại người lợi mình” và việc “quốc tế hoá chân lý Trung Hoa” trong quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh.

Quả là nan giải với Bắc Kinh bởi “hai gọng kìm tai hại” đã dần trở thành yếu tố hình thành nên bản chất “Đại Trung Hoa”, do đó không dễ dàng thay đổi.

Điều đó lý giải cho tình trạng, bất cứ một công cụ tài chính nào được Bắc Kinh đưa ra thì ngay lập tức công hiệu của nó bị “phong toả” hoặc giảm nhiều công lực.

Tuy nhiên, Trung Nam Hải sẽ tìm mọi cách để đồng CNY có được chỗ đứng trong hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu.

Có thể thấy rằng, nghị quyết của Hội đồng Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/11/2015 đưa đồng CNY vào rổ tiền tệ phổ biến trong hệ thống thanh toán quốc tế, là một trong những bước đột phá trong việc quốc tế hoá đồng CNY.

Bắc Kinh phải thực hiện nhiều cam kết mới có được nghị quyết ấy. Tuy nhiên, với 0,5% dân số và các thực thể kinh tế thế giới sử dụng đồng CNY thì nguy cơ việc quốc tế hoá chỉ có trong nghị quyết của IMF mà thôi.
 

Việc Bắc Kinh xác định tiền tệ đóng vai trò chủ công thay cho hàng hoá sẽ giúp đồng CNY khẳng định sức mạnh cho kinh tế Trung Quốc như vai trò của đồng USD đối với kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa: Internet.
Việc Bắc Kinh xác định tiền tệ đóng vai trò chủ công thay cho hàng hoá sẽ giúp đồng CNY khẳng định sức mạnh cho kinh tế Trung Quốc như vai trò của đồng USD đối với kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa: Internet.

Rõ ràng, việc “buộc” người dân và các thực thể kinh tế thế giới sử dụng đồng CNY là yêu cầu đặt ra cho việc quốc tế hoá đồng CNY và các công cụ kinh tế - tài chính được tạo ra phải làm sao có khả năng hiện thực hoá việc ấy.

Điều đó cho thấy tầm nhìn và độ thâm sâu của Tập Cận Bình khi cho thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạng tầng Châu Á (AIIB) – hai định chế tài chính quan trọng giúp cho việc quốc tế đồng CNY nhanh hơn.

Với mục đích hướng tới nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của những quốc gia sử dụng vốn. cả NDB và AIIB đều có thể “biến trắng thành đen”, khiến cho đồng vốn và người sử dụng đồng vốn đều trong sạch, khi mục đích sử dụng vốn là các dự án xanh – sạch.

Điều đó khiến cho những dự án được tài trợ bởi NDB và AIIB sẽ nhận được thiện cảm của người dân thế giới vì nó hướng tới bảo vệ môi trường sống cho con người.

Chiến lược “dùng mục đích làm đổi thay công cụ” đầy công hiệu của Tập Cận Bình

Có thể thấy rằng, trái phiếu xanh của NDB là một công cụ tài chính có công hiệu cao vì nó hướng tới những dự án xanh. Và khi nó gắn với đồng CNY thì nó sẽ “làm xanh” đồng CNY.

Đó là nó sẽ tạo ra sự thiện cảm của người dân thế giới với đồng CNY và việc quốc tế hoá đồng CNY có được nền tảng vững chắc trước khi nghị quyết của IMF có giá trị.

Như vậy là mục đích của trái phiếu xanh đã làm thay đổi vị thế cho đồng CNY.

Việc tạo ra một cú hích cho quốc tế hoá đồng CNY trước khi nghị quyết của IMF có giá trị, được nhận diện là cực kỳ quan trọng và cần thiết, song chỉ riêng đồng Rúp của Nga đi tiên phong là chưa đủ công lực.

Bởi lẽ, kinh tế Nga đang ốm yếu, dự trữ ngoại tệ của Nga không còn nhiều mà lại chỉ có khoảng 0,1% là đồng CNY nên việc quốc tế hoá qua ngả này không thực tế lắm, cho dù Moscow đã “cầm đèn chạy trước ô tô” để lấy điểm với Bắc Kinh.

Trong khi đó MSCI lại chưa đưa cổ phiếu nội địa Trung Quốc vào hệ thống chỉ số MSCI quốc tế khiến cho việc quốc tế hoá đồng CNY qua ngả cổ phiếu cũng bị ngăn lại.

Như vậy, việc phát hành trái phiếu của những định chế tài chính đa phương mà Trung Quốc đóng vai trò chi phối được xem là giải pháp có tính khả thi cao nhất trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo cả trong hai ngân hàng đa phương NDB và AIIB nên Bắc Kinh đã triển khai giải pháp quan trọng này.

Có thể thấy rằng, cùng với chiến lược “mình ong xác ve” thì chiến lược “dùng mục đích làm đổi thay công cụ” là những giải pháp giúp cho đồng CNY – yếu tố Trung Quốc, chất Trung Quốc thẩm thấu nhanh nhất vào nền kinh tế toàn cầu.

Hơn 1/4 thế kỷ của phát triển nóng, hàng hoá Trung Quốc dù có ngập ngụa trên toàn cầu nhưng khả năng thẩm thấu thì rất hạn chế, khả năng bám rễ của nó trong kinh tế toàn cầu rất yếu.  

Có thể nhận diện điều đó một cách chân thực nhất khi Trung Quốc còn nhiều hàng hoá thì còn tác oai tác quái kinh tế thế giới. Song khi hàng hoá Trung Quốc giảm đi vì quy mô thu hẹp thì khả năng “hại người” sẽ giảm đi và cùng với đó là thành quả “lợi mình” cũng bị sụt giảm.

Tập Cận Bình  thực hiện "Trung Quốc mộng" qua BRICS, AIIB ảnh 4

Kế sách thâm sâu của Tập Cận Bình

(GDVN) - Thế mạnh trong cạnh tranh không nằm ở trình độ kỹ thuật mà được quyết định bởi trình độ quản lý và Tập Cận Bình đã chọn nâng cao trình độ quản lý cho các DNNN.

Điều đó cho thấy, nếu bám theo hàng hoá thì Trung Quốc lúc nào cũng phải căng mình ra sản xuất hàng hoá và phát triển nóng với nhiều hậu quả sẽ không thể ngăn chặn được.  

Trong khi đó, thống trị hàng giá rẻ không phải làm nên sức mạnh cho kinh tế Trung Quốc, bởi những gì người Trung Quốc “cướp” của thế giới rất nhỏ so với những gì người Trung Quốc mất vì hàng gía rẻ.

Người viết đã phân tích chi tiết vấn đề này qua bài “Tại sao Mỹ lo nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ”. Như vậy, việc chuyển tiền tệ từ “vai hộ bị” sang “vai chủ công” là một nước đi đầy uy lực của Tập Cận Bình trong quá trình hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa”.  

Người dân và các thực thể kinh tế của Brazil, Ấn Độ, Nga hay Nam Phi có thể không thích dùng đồng CNY, nhưng chắc chắn họ sẽ không từ chối hay ngăn cản những dự án xanh được triển khai trên quê hương mình.

Nếu trường hợp dự án bị chậm trễ thì chắc chắn họ sẽ thấp thỏm lo âu, mong ngóng chờ đợi và đương nhiên họ sẽ vỡ oà niềm vui khi một dự án nào đó bị đình trệ được tài trợ vốn để hoàn tất.

Như vậy đồng CNY đã nghiễm nhiên trở thành “cứu cánh an sinh”.

Điều đó cho thấy trái phiếu xanh của NDB đã khiến cho người dân và các thực thể kinh tế của các nước còn lại trong BRICS vui vẻ sử dụng đồng CNY mà có thể không còn tẩy chay bởi tâm lý thù ghét người Trung Quốc.

Chỉ cần như vậy thôi là việc quốc tế hoá đồng CNY đã thành công ngoài mong đợi của Trung Nam Hải.

Trong khi Bắc Kinh còn chi phối AIIB nên việc phát hành trái phiếu xanh của định chế tài chính khổng lồ này sẽ được Bắc Kinh tận dụng triệt để.

Người viết cho rằng, phát hành trái phiếu xanh – làm xanh đồng CNY mới là mục đích quan trọng nhất khi Tập Cận Bình cho thành lập AIIB.

Bởi lẽ khi diễn ra dịch vụ vay và cho vay mà đồng CNY vẫn không có người tiêu xài thì định chế tài chính đa phương này còn đưa kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn hơn vào những ngoại tệ khác.

Như thế thì sự bền vũng và sức mạnh thực sự của kinh tế Trung Quốc vẫn luôn là một nghi vấn được bỏ ngỏ.

Tóm lại, việc ngân hàng Phát triển mới (NDB) phát hành trái phiếu xanh được xem là bước khởi đầu cho một chiến lược kinh tế quan trọng của Tập Cận Bình, đó là “dùng mục đích làm đổi thay công cụ”.

Và khi công cụ đã dược đổi thay theo mong muốn của Bắc Kinh thì nó sẽ trở thành công cụ cực kỳ nguy hại cho những mục đích thâm sâu của Trung Nam Hải đối với thế giới trong quá trình hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa”.

Bởi lẽ, đồng CNY có thể xanh theo dự án, nhưng dự án có xanh hay không thì chưa thể khẳng định được vì hiện nay tiêu chí xanh của các dự án chưa được quốc tế hoá và đó là “điểm chết người” mà Bắc Kinh có thể nhắm tới khi đã có được đồng CNY xanh.

Ngọc Việt