Tàu chiến Trung Quốc vẫn "lởn vởn" ở Trường Sa

28/03/2013 07:10
Hồng Thủy (Nguồn: People Daily, Inquirer)
(GDVN) - Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, chỉ huy cuộc tập trận hôm qua cũng có buổi làm việc với chỉ huy tàu Ngư chính 45.001 đang hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa.
Tàu Ngư chính 45.001 và tàu hộ vệ 563 Trung Quốc neo đậu trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam ngày hôm qua 27/3
Tàu Ngư chính 45.001 và tàu hộ vệ 563 Trung Quốc neo đậu trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam ngày hôm qua 27/3
Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 28/3 đưa tin, hôm qua 27/3 biên đội 4 tàu chiến hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang tổ chức tập trận và tuần tra (trái phép) trên Biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) đã kéo tới khu vực Đá Vành Khăn, Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và đồn trú trái phép. Trước đó, tờ Manila Standard Today xuất bản tại Philippines ngày 26/3 đưa tin, tàu chiến Trung Quốc đã rút khỏi Trường Sa hôm 25/3 kéo ra Tây Thái Bình Dương tập trận, dọc đường cơ động qua eo biển Bashi giữa Philippines và Đài Loan, vừa đi vừa giễu võ dương oai gây sức ép với Manila, nhưng sau đó bài báo đã bị gỡ bỏ. Bản tin trên tờ Nhân Dân nhật báo hôm nay cho hay, cho tới hôm qua, thứ Tư 27/3 biên đội tàu chiến hạm đội Trung Quốc vẫn lởn vởn ở Trường Sa và thực hiện cái gọi là "tuần tra" trái phép xung quanh Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép, xây dựng nhà nổi kiên cố và kéo "ngư dân" ra nuôi trồng thủy sản (trái phép) tại khu vực này. Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, chỉ huy cuộc tập trận hôm qua cũng có buổi làm việc với chỉ huy tàu Ngư chính 45.001 đang hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa. 4 tàu chiến hạm đội Nam Hải gồm tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu khu trục Lan Châu, 2 tàu hộ vệ Ngọc Lâm và Hành Thủy rời cảng Tam Á, Hải Nam hôm 19/3 kéo ra Biển Đông, Trường Sa và Tây Thái Bình Dương tập trận. Trong một động thái khác có liên quan, biên đội tàu chiến Trung Quốc trước đó cũng đã kéo đến khu vực bãi ngầm James cách bờ biển phía Nam Malaysia 80 km mà Bắc Kinh luôn rêu rao là "điểm cực Nam của Trung Quốc" với tham vọng bá chiếm Biển Đông bằng đường "lưỡi bò" phi pháp. Bắc Kinh đã thả trái phép cái gọi là "bia chủ quyền" của mình năm 2010 tại bãi ngầm James mà họ tự đặt tên là bãi ngầm Tăng Mẫu. Động thái của Trung Quốc tập trận (trái phép) ở Trường Sa và kéo tàu chiến ra bãi ngầm James được một số học giả cho rằng là sự thể hiện quan điểm cứng rắn của Tập Cận Bình và chuyển tải thông điệp này tới ASEAN trong năm Brunei đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên.

Hồng Thủy (Nguồn: People Daily, Inquirer)