Tàu ngầm hạt nhân 094 TQ phóng thử tên lửa JL-2 có liên quan biển Đông

24/08/2012 07:03
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)
(GDVN) - “Trung Quốc vừa liên tục phóng 2 loại tên lửa hạt nhân thế hệ mới trang bị đầu đạn MIRV được cho là có liên quan tới tranh chấp biển Đông”.
Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Ngày 15/8, trên trang mạng freebeacon.com Mỹ, chuyên gia Bill Gertz có bài viết đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với tên lửa đạn đạo phóng trên đất liền kiểu mới DF-41 và tên lửa đạn đạo phóng ngầm kiểu mới JL-2 được tuyên truyền liên tục gần đây. Nội dung chính của bài viết như sau:

Bài viết cho rằng, được biết, sau một tháng phóng thử tên lửa đạn đạo kiểu mới, cơ động đường bộ, nhiều đầu đạn, Quân đội Trung Quốc lại phóng thử một quả tên lửa đạn đạo phóng ngầm kiểu mới vào tuần trước.

Quan chức Mỹ cho biết, sáng ngày 16/8, một chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Tấn đã phóng thử một quả tên lửa JL-2. Người phát ngôn Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) từ chối đưa ra bình luận về cuộc phóng thử này.

Báo Mỹ cho rằng, ngày 24/7, Trung Quốc đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động trên đất liền kiểu mới mang tên DF-41, dư luận đánh giá tên lửa này đã mang theo đầu đạn MIRV (phương tiện chứa nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập), có tầm phóng xa hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31.

Tên lửa DF-41 từng bị đánh giá thấp như DF-31A, nhưng 2 năm trước, Lầu Năm Góc bắt đầu xác định một loại tên lửa xuyên lục địa cơ động đường bộ kiểu mới có tầm phóng xa hơn, đó chính là DF-41 được gọi như hiện nay.

Những thông tin công khai của Trung Quốc ủng hộ báo cáo của Chính phủ Mỹ về việc phóng thử tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 (SLBM). Ngày 8-9.8.2012, Đài truyền hình Thâm Quyến Trung Quốc loan tin, một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn trang bị tên lửa JL-2 đã ra khơi tuần tra, nhưng không đề cập đến kế hoạch phóng thử tên lửa.

Đài truyền hình này dẫn lời một nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng: “Lầu Năm Góc cho biết, Quân đội Trung Quốc luôn không có khả năng phóng tên lửa đạn đạo dưới nước”. Tiếp theo, ngày 13/8, Cục Hải sự tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc đã công bố “cảnh báo hàng hải”, cảnh báo tàu thuyền tránh đi vào vùng biển này.

Tên lửa hạt nhân JL-2 trang bị đầu đạn MIRV.
Tên lửa hạt nhân JL-2 trang bị đầu đạn MIRV.

Một bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc (Báo cáo sức mạnh quân sự của Trung Quốc) cho biết, Quân đội Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo động lực hạt nhân kiểu mới, đặt tên là lớp Tấn hay Type 094.

Tàu ngầm hạt nhân này trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm phóng 7.400 km. Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn và tên lửa đạn đạo JL-2 “sẽ lần đầu tiên làm cho Hải quân Trung Quốc có khả năng tấn công hạt nhân trên biển đáng tin cậy”.

Căn cứ vào báo cáo, chương trình tên lửa JL-2 đã bị trì hoãn nhiều lần, dự kiến có khả năng tác chiến ban đầu trong 2 năm tới.

Trung Quốc đã triển khai 2 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược 094, có tin cho biết, cuối cùng sẽ có 8 tàu 094 được biên chế. Tên lửa đạn đạo cơ động đường bộ DF-41 và tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 sẽ tăng cường khả năng sống sót cho lực lượng hạt nhân Trung Quốc.

Là tổng chỉ huy phụ trách lực lượng tấn công hạt nhân Mỹ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Thượng tướng không quân C. Robert Kehler hoàn toàn không đồng ý với luận điệu “kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có ưu thế hơn so với Mỹ” mà Quân đội Mỹ đưa ra vào đầu tháng này.

Ngày 8/8, tại Omaha, bang Nebraska, Robert Kehler trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: “Tôi không tin quan điểm của cơ quan tình báo về việc Trung Quốc sở hữu hàng trăm ngàn vũ khí hạt nhân”.

Tính bảo mật của Quân đội Trung Quốc khiến cho bên ngoài khó đánh giá được lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Nhưng, một bức điện tháng 11/2007 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Trung Quốc đang mua hệ thống dẫn đường tên lửa trang bị cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo từ Ukraina.

Ngoài tên lửa JL-2, một phiên bản cải tiến của tên lửa cơ động DF-31, vũ khí chiến lược mới còn có 3 loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động đường bộ gồm tên lửa DF-31, DF-31A và DF-41 cùng với một số tên lửa tầm trung và hàng trăm tên lửa tầm ngắn có thể mang theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với máy bay ném bom chiến lược do Nga thiết kế. Tháng 5/2012, Cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga có bài viết cho rằng, trong kho hạt  nhân của Trung Quốc có thể có tới hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân – vượt xa 300-400 đầu đạn hạt nhân như phỏng đoán của cơ quan tình báo Mỹ.

Thượng tướng nghỉ hưu Nga Viktor Yesin cho rằng, Trung Quốc dự trữ lên tới 70 tấn uranium và plutonium (dành cho sản xuất vũ khí), “kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể có 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân”. Tên lửa tầm xa DF-5A, DF-31A và tên lửa phóng ngầm JL-2 sẽ lắp nhiều đầu đạn.

Đầu tháng 8, Thượng tướng không quân C. Robert Kehler, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho rằng, ông không đồng ý với quan điểm kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện khổng lồ hơn cả Mỹ dự đoán. Ông cho rằng: “Tôi không tin vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhiều đến vài trăm hoặc vài nghìn quả so với báo cáo của cơ quan tình báo”.

Richard Fisher, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc cho rằng, việc phóng thử tên lửa JL-2 của Trung Quốc hầu như có liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường tính tấn công trên biển Đông. Ông nói: “Cùng với việc tàu ngầm hạt nhân tên lửa 094 rời khỏi căn cứ mới ở vịnh Á Long, đảo Hải Nam, tiến hành tuần tra, đe dọa, Quân đội Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát quân sự ở mức độ cao hơn đối với biển Đông để đảm bảo cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của họ có một vùng biển tuần tra an toàn”.

“Trong vòng một tháng, Trung Quốc đã phóng thử 2 loại tên lửa hạt nhân thế hệ tiếp theo, 2 loại tên lửa này đều có thể trang bị đầu đạn MIRV”.

Tên lửa chiến lược DF-5 Trung Quốc
Tên lửa chiến lược DF-5 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)