Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ huấn luyện gần quần đảo Hoàng Sa của VN

12/12/2013 09:35
Đông Bình
(GDVN) - Vùng biển huấn luyện tàu sân bay Liêu Ninh lần này cách bờ biển đông nam chưa đến 100 hải lý, nhưng gần quẩn đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động trái phép, có chủ đích của Trung Quốc trong bối cảnh khu vực Biển Đông đang có những diễn biến khó lường.
Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

 Tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 6 tháng 12 có bài viết cho rằng, hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh cùng biên đội của nó đã đến Biển Đông tiến hành huấn luyện và thử nghiệm. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh vươn tới một vùng biển khác để huấn luyện dài ngày kể từ sau khi bàn giao cho Hải quân Trung Quốc.

Thông qua hoạt động huấn luyện này, tiến hành kiểm tra trong tình hình chạy liên tục đối với tính năng các thiết bị có liên quan, tiến hành thử thách và tôi luyện trình độ huấn luyện tổng thể, tiến hành thử nghiệm tính năng của trang bị trong điều kiện khí tượng, thủy văn khác nhau.

Theo tiết lộ của các nguồn tin, hiện nay, nhiệm vụ huấn luyện và thử nghiệm của tàu Liêu Ninh và máy bay chiến đấu J-15 chính thức bước vào giai đoạn thứ hai, giai đoạn này sẽ chủ yếu tiến hành kiểm tra năng lực hiệp đồng và tác chiến thực tế giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến, kiểm tra năng lực tác chiến thực tế và khả năng tấn công của máy bay chiến đấu J-15.

Máy bay chiến đấu J-15 sẽ tiến hành cất/hạ cánh trên tàu sân bay trong 3-5 tháng tới, sau đó tiến hành huấn luyện tiếp dầu. Đây là kiểm nghiệm một trong những kỹ năng cơ bản tiến hành tác chiến tập kích tầm xa trong tình hình bảo đảm cho máy bay ở cách xa bờ biển.

Thứ hai, máy bay chiến đấu J-15 sẽ còn tiến hành thử nghiệm bay cất/hạ cánh trong điều kiện tốc độ gió cao, kiểm tra năng lực bay cất/hạ cánh bình thường của máy bay chiến đấu khi tốc độ gió cấp 2 và cấp 3, bảo đảm cho máy bay chiến đấu J-15 có thể tiến hành nhiệm vụ tác chiến bình thường khi tốc độ gió cao.

Cuối cùng, máy bay chiến đấu J-15 sẽ còn tiến hành thử nghiệm và huấn luyện bay trong đêm, bảo đảm cho máy bay J-15 và tàu Liêu Ninh có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.

Máy bay chiến đấu J-15
Máy bay chiến đấu J-15

Sau khi trải qua các hoạt động thử nghiệm trên, vào năm 2014, tàu Liêu Ninh và máy bay J-15 sẽ tiến hành kiểm tra bắn đạn thật ở Biển Đông, tiếp tục kiểm tra khả năng tiến hành nhiệm vụ tác chiến trên không và tác chiến chống hạm sau khi máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu Liêu Ninh, tập luyện năng lực tác chiến biên đội trong đó trung tâm là tàu Liêu Ninh;

kiểm tra hiệp đồng biên đội tàu chiến mặt nước, hệ thống chỉ huy tác chiến biên đội. Trong đợt huấn luyện lần này, có thể hoàn thành thử nghiệm hiệp đồng tác chiến lập thể trên mặt biển-trên mặt đất-trên không-trên vũ trụ-dưới mặt biển. Ngoài Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Nam Hải là hạm đội có khả năng cung cấp tàu ngầm hạt nhân phối hợp thử nghiệm với tàu Liêu Ninh.

Nguồn tin cho biết, trong vài tháng tới, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ triển khai huấn luyện hệ thống vũ khí lấy biên đội tàu sân bay làm trung tâm. Biên đội tàu sân bay có được sức chiến đấu cần có khả năng trên 3 phương diện – phòng không-phòng thủ tên lửa, chống hạm, chống tàu ngầm. Tăng cường năng lực trên 3 phương diện này cần tiến hành thử nghiệm các vũ khí tương ứng.

Về phòng không-phòng thủ tên lửa, tiến hành thử nghiệm đối với phạm vi khu vực radar dò tìm; về chống hạm, kiểm tra khả năng có thể phát hiện và quản lý, kiểm soát mục tiêu, tính toán thứ tự mục tiêu đạt được, kiểm tra uy lực của tên đối chống hạm; về chống tàu ngầm, tập trung vào vùng biển và loại hình mục tiêu tìm kiếm. Những điều này đều thuộc phạm trù huấn luyện của vũ khí cốt lõi.

Ngoài ra, chiến tranh tương lai là chiến tranh điện tử, về đối kháng thông tin và liên lạc thông tin, biên đội tàu sân bay cũng sẽ tiến hành kiểm tra tương ứng khi huấn luyện trên Biển Đông lần này.

Vùng biển cấm hàng hải của Trung Quốc - có thể là nơi huấn luyện tàu sân bay.
Vùng biển cấm hàng hải của Trung Quốc - có thể là nơi huấn luyện tàu sân bay.

Theo tiết lộ của nguồn tin, tàu sân bay Liêu Ninh lần này xuống Biển Đông đến quân cảng Cẩm Mẫu Giác, Tam Á, không chỉ tiến hành thử nghiệm đối với các công trình như bến tàu mới trong quân cảng vừa xây dựng xong, kiểm tra năng lực bảo đảm của căn cứ mới đối với tàu sân bay.

Sau đó, thông qua tiến hành thử nghiệm so sánh ở các khu vực và vùng biển khác nhau, có thể kiểm tra hiệu quả làm lạnh thiết bị và điều hòa môi trường trên tàu sân bay, đồng thời kiểm tra tính năng tác chiến của máy bay chiến đấu J-15 và tàu sân bay trong tình hình khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao.

Ngoài ra, do trước đây vùng biển Bột Hải vùng biển thử nghiệm của tàu Liêu Ninh là vùng biển kéo dài của thềm lục địa, nên không sâu lắm, trong khi đó Biển Đông là vùng biển tương đối sâu, phổ biến sâu từ trên 100 m đến vài trăm m.

Phía Trung Quốc cũng có thể tiến hành một số chương trình thử nghiệm nước sâu đặc biệt ở Biển Đông như thử  nghiệm săn ngầm, thử nghiệm thông tin trong biển, thử nghiệm đối kháng âm thanh nước, thử nghiệm thả neo nước sâu.

Liên quan đến vấn đề này, tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 11 tháng 12 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, trọng điểm huấn luyện giai đoạn mới của tàu sân bay Liêu Ninh là triển khai hợp tác giữa tàu chiến và máy bay.

Tào Vệ Đông nói, trước tiên là hợp tác giữa tàu chiến và máy bay. Khi gặp sóng gió trên biển, tàu sân bay sẽ rung cả hướng dọc và ngang, nghiêng ở mức độ nhất định, máy bay hạ cánh có thể gặp nguy hiểm, vì vậy, ở Biển Đông phải triển khai hoạt động thử nghiệm này, hợp tác giữa tàu chiến và máy bay là một mặt rất quan trọng.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Ngoài ra, Tào Vệ Đông cho rằng, nhiều tàu chiến tiến hành huấn luyện thử nghiệm ở một vùng biển, phải thực hiện được “tai thính mắt tinh” trong sử dụng vũ khí. “Tai thính” là chỉ có thể thu thập thông tin giữa mặt đất, trên không, trên mặt nước, dưới mặt nước.

“Mắt tinh” có nghĩa là việc sử dụng vũ khí trang bị phải nhận rõ tàu địch, tàu ta và tàu cá, bảo đảm cự ly quan sát, độ chính xác và loại bỏ gây nhiễu. Những hoạt động thử nghiệm này là khoa mục cần huấn luyện để hình thành sức chiến đấu cho biên đội tàu sân bay.

Tàu Liêu Ninh sẽ huấn luyện trái phép gần Hoàng Sa

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 11 tháng 12 dẫn Cục hàng hải Trung Quốc thông báo cho biết, từ ngày 3 tháng 12 năm 2013 đến ngày 3 tháng 1 năm 2014, Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động quân sự dài 1 tháng ở vùng biển có liên quan trên Biển Đông. Nhìn vào tọa độ vùng biển công bố, địa điểm huấn luyện ở hướng đông nam đảo Hải Nam, cách bờ biển gần nhất không hơn 100 hải lý.

Mặt khác, tàu sân bay Liêu Ninh và 4 tàu khu trục/hộ vệ Trung Quốc đã đến quân cảng Tam Á vào ngày 29 tháng 11, sau đó, không thấy có thông tin gì liên quan đến việc triển khai thử nghiệm, huấn luyện. Có nhà phân tích cho rằng, gần đây, khu vực cấm của Cục hàng hải Trung Quốc có liên quan đến huấn luyện của tàu sân bay Liêu Ninh.

Tàu khu trục tên lửa Thạch Gia Trang, Hạm đội Bắc Hải
Tàu khu trục tên lửa Thạch Gia Trang, Hạm đội Bắc Hải

Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, không loại từ khả năng liên quan đến huấn luyện của tàu sân bay Liêu Ninh. Ông cho rằng, tàu Liêu Ninh trước đây lần đầu tiên cập quân cảng Tam Á, đã tiến hành huấn luyện sử dụng quân cảng mới, kiểm tra các công trình bảo đảm trên bờ, khả năng cung cấp nhiên liệu, nước, điện trên bờ, sử dụng các trang bị như kho vũ khí.

Doãn Trác nói: "Nhìn vào tình hình hiện nay, hoạt động cọ xát đều đã hoàn thành, huấn luyện ở đây cũng cần có thời gian nhất định". Ông cho rằng, trong tương lai, tàu Liêu Ninh cần thường xuyên cập quân cảng này, đã cơ bản hình thành được thói quen, có thể ra khơi huấn luyện.

Đối với việc lựa chọn vùng biển huấn luyện tàu Liêu Ninh lần này, Doãn Trác cho rằng, tàu sân bay chạy tốc độ cao, đội hình thay đổi, sự phối hợp giữa các biên đội đều phải tiến hành ở vùng biển rộng. Vùng biển này có nước sâu lớn, cách bờ biển đông nam không đến 100 hải lý, cơ bản gần Hoàng Sa (quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam), tàu thuyền nước khác không nhiều, đồng thời cách xa các nước ASEAN ở xung quanh, thích hợp cho tiến hành hoạt động của biên đội lớn tàu sân bay, là sự lựa chọn thận trọng và thích hợp.

Có tin cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ triển khai huấn luyện hệ thống vũ khí cốt lõi. Đối với vấn đề này, chuyên gia Doãn Trác cho rằng, huấn luyện hệ thống vũ khí cốt lõi không nhất thiết được triển khai trong huấn luyện Biển Đông lần này.

Tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Hạm đội Bắc Hải
Tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Hạm đội Bắc Hải

Doãn Trác phân tích, thử nghiệm, huấn luyện hệ thống vũ khí cốt lõi TQ cần tiến hành ở “trường bắn” hiện đại, đảm bảo tốt thông tin, tiện cho việc bố trí rất nhiều “mục tiêu”, theo dõi đường đạn, ghi chép vô tuyến điện và quang học. Chỉ có tiến hành thu thập hoàn chỉnh về các số liệu này mới có thể phân tích kết quả huấn luyện, bảo đảm cho thử nghiệm đạt kết quả.

Doãn Trác tiếp tục chỉ ra, huấn luyện hệ thống vũ khí cốt lõi của máy bay chiến đấu J-15 tiến hành thích hợp hơn ở cảng chính Thanh Đảo phía bắc, còn Biển Đông cách bờ tương đối xa, không có lợi cho thử nghiệm thu thập số liệu, huấn luyện sử dụng vũ khí bị hạn chế nhất định.

Doãn Trác còn cho rằng, hệ thống vũ khí cốt lõi ngoài bắn đạn thật, còn có thể thông qua tiến hành mô phỏng. “Giao lưu giữa 5 tàu chiến, sử dụng liên kết dữ liệu đều thuộc nội dung huấn luyện”, ông nói, “sau khi thu thập tin tức, không nhất định tiến hành bắn đạn thật, có thể tiến hành mô phỏng, radar có thể không bức xạ, sử dụng ăng ten, không có nhiều bức xạ điện từ, ít bị tiết lộ bí mật”.

Theo Doãn Trác, Biển Đông có rất nhiều máy bay nước khác, biên đội tàu sân bay chỉ cần ra biển là sẽ bị theo dõi, vì vậy, huấn luyện hệ thống vũ khí cốt lõi ở vùng biển lạ sẽ tương đối thận trọng. Nhưng hoàn toàn có thể tiến hành trao đổi số liệu, trao đổi hệ thống chỉ huy, kiểm soát.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, Hạm đội Bắc Hải
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, Hạm đội Bắc Hải


Đông Bình