Thâm nhập thế giới bí ẩn les teen: "Tôi là les" (kỳ 2)

16/05/2011 00:10
(GDVN) - Trước khi chính thức bước chân “vào giới”, bất cứ ai là les đều phải trải qua những cung bậc cảm xúc giằng co dữ dội, thậm chí phải tìm tới cái chết.

(GDVN) – Không phải ai đứng trước “ngã ba đường” cuộc đời đều có thể đủ bản lĩnh, đủ dũng cảm, đủ tự tin để có thể thừa nhận giới tính của mình. Trước khi chính thức bước chân “vào giới”, bất cứ ai là les đều phải trải qua những cung bậc cảm xúc giằng co dữ dội, thậm chí nhiều người đã tìm đến con đường chết để giải tỏa nỗi lòng mình…

Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên) đã từng chia sẻ về số phận đồng tính nữ rằng, có những bà mẹ trở nên hốt hoảng, bàng hoàng khi phát hiện ra con gái mình là người đồng tính nữ. Bà tự trách mình không nghiêm khắc, không biết giáo dục con nên để con “sa chân vào chốn hư hỏng” theo cách nói của bà.

Có những ông bố “sốc” khi được tin cô con gái yêu tốt nghiệp với bằng thạc sỹ đang cặp kè với một cô gái khác. Quá ích kỷ, ông đã tự tay pha thuốc ngủ vào cốc nước chanh cho con uống rồi để người con trai theo đuổi cô 3 năm “thích làm gì thì làm”. Ông hy vọng khi “gạo đã nấu thành cơm” thì “sẽ tách được cô ra khỏi con bé kia”. Hậu quả, sau khi biết bố mẹ tạo điều kiện cho mình ăn nằm với người đàn ông khác, cô như phát điên, phát dại. Và kể từ đó cô sống như một người câm.

Dương, một les SB xót xa kể về cuộc đời mình: “Tại sao mọi người lại không chấp nhận tôi là người đồng tính. Nếu đến mẹ mà còn không thể chấp nhận được thì xã hội coi tôi như một thành phần cần tẩy não là đúng lắm thôi! Thật là cay đắng”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, 5% dân số là người đồng tính gồm đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới. Từ năm 1990, Tổ chức y tế Thế giới loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh nhưng vẫn không xóa được nạn kỳ thị, trong đó có cả sự kỳ thị của cả người thân với con cái là người đồng tính.

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường, các cuộc khảo sát của Viện cho thấy, người đồng tính nam, đồng tính nữ, người lưỡng tính và chuyển giới bị chính gia đình và bạn bè kỳ thị. 

Gia đình hay tình yêu?

“Tôi từ nhỏ là một đứa con ngoan, rồi khi lớn lên tôi yêu bằng chính con người thật của mình - 1 đứa Les. Tình yêu của tôi có thể nói không lâu như những cặp tình nhân mà tôi biết, nhưng chúng tôi đã có những kỉ niệm đẹp bên nhau. Song gia đình tôi không bao giờ chấp nhận một tình yêu như vậy. Nỗi đau trỗi dậy trong tôi khi đứng giữa “ngã ba” cuộc đời, phải lựa chọn: Hoặc gia đình, hoặc tình yêu. Tôi quyết định ra đi vì tình yêu sau hàng loạt những mâu thuẫn trong đầu:

- Mẹ sẽ đau như thế nào khi “mất” 1 đứa con?
- Cha sẽ hụt hẫng như thế nào khi vắng bóng đứa con mà cha thương yêu nhất trong gia đình?
- Chị sẽ chia sẻ vui buồn cùng ai như bao đêm đã qua?
- Người ấy sẽ mang hạnh phúc thật sự cho mình? và mình sẽ như thế nào nếu 1 ngày cả 2 không thể bên nhau nữa?
...
Tim tôi đau thắt lại mỗi khi nghĩ đến mẹ, nước mắt tôi rơi từng đêm, đã có lúc tôi đã tự hứa với lòng mình, sẽ hi sinh cái gọi là “tình yêu” của bản thân, để tiếp tục “đeo chiếc mặt nạ” mà tôi luôn nguyền rủa rằng: Đó là điều giả dối. Nhưng tôi phải làm sao khi đã quá yêu một người và muốn sống thật với chính mình? Tôi không biết quyết định ra đi này là hạnh phúc, nước mắt hay cả hai? Ôi! Nỗi đau!”.

Những dòng blog cào cấu tim gan, đầy nước mắt xúc động của một lesbian mang nick name heolun cứ trở đi, trở lại ám ảnh tôi. Đứng trước rào cản của xã hội và sự cấm đoán của gia đình, nhiều đồng tình nữ đã không thể vượt qua cái ranh giới mong manh ấy để trở thành một lesiban đích thực.

alt
Những dòng blog cào cấu tim gan của les trên diễn đàn hihi***.com

“Bố mẹ tôi đã rất sốc khi biết tin tôi là les. Bố phản ứng gay gắt, cắt, đốt hết quần áo của tôi và bắt tôi phải bỏ học vì sợ tôi a dua theo bạn bè. Còn mẹ chỉ tức tưởi bưng mặt khóc. Nhiều lúc bố mẹ tạo áp lực, quát mắng tôi coi như “đồ bỏ đi”, tôi đã vứt bỏ tất cả để đi lang bạt, trở thành một kẻ lang thang dạt nhà, đi bụi đời, thậm chí đã có lúc muốn tìm tới cái chết vì chỉ cái chết mới giúp tôi được sống một cách yên ổn và thoải mái…

Bố mẹ đâu hiểu rằng: Bản thân mình cũng đâu muốn như thế, cũng đã từng lăn lội, vật vã để đấu tranh chống lại cái tôi của mình nhưng tình cảm dành cho Femme (les mang tính nữ - pv) lại quá mãnh liệt khiến tôi lại không thể trở về với “vai diễn” mà tôi đã đóng từ trước tới nay của mình”– Linh, một SB 9x quê ở Nam Định không giấu nổi sự buồn bã tâm sự.

Linh kể: Hồi học cấp III, Linh chưa nhận thức được giới tính của mình, Linh cũng quen nhiều chàng trai và cũng đã đi chơi, ngỏ lời yêu đương nhưng không để lại trong Linh một chút cảm xúc nào. “Chẳng hiểu sao, lúc đó, mình luôn cảm thấy sợ hãi, thậm chí ghê tởm khi nghĩ tới chuyện phải lấy một người đàn ông”.

a
Để được sống thật với giới tính của mình, Linh đã từng bị bố mẹ đốt,
cắt quần áo, bắt bỏ học, phải bỏ nhà, đi lang thang.
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
 


Đồng thời, cũng trong thời gian đó, Linh thân với một cô bạn cùng lớp, hai đứa thường hay viết nhật ký để trao tay nhau đọc hằng ngày, hôm nào không gặp, Linh đều cảm thấy “rất nhớ”. Một hôm, Linh cùng cô bạn đó đứng trên cầu, lấy hết dũng khí của mình, Linh đã nhắm mắt lại và trao cho cô bạn thân một nụ hôn nhẹ nhàng. “Lần đầu tiên trong đời, mình hôn một người con gái. Cảm giác lúc đó rất khác, một khát khao thầm kín trỗi dậy” – Và sau cái hôn vụng trộm lần đầu tiên ấy, Linh nhận ra rằng: Mình thích con gái nhiều hơn, có cảm xúc tha thiết, nồng nàn và có những ham muốn vượt trội với con gái hơn. Đó là một khoảnh khắc bước ngoặt lớn nhất trong đời, để sau này, với những trải nghiệm tình cảm của mình, Linh đã quyết tâm đấu tranh để được sống là chính mình.

Tại Hà Nội, trong nhóm bạn của Linh, có không ít người không đủ dũng cảm để đối mặt với những bàn tán, soi mói của hàng xóm, láng giềng và không thể chứng kiến sự bàng hoàng, đau khổ của bố mẹ khi biết tin, nên đã cố gắng giấu kín giới tính của mình. “Tôi có nguyên tắc: Không kể với bất cứ ai về lai lịch bố mẹ và địa chỉ nhà của mình, tôi sợ nhỡ may ai đó tiết lộ ra bí mật của bản thân tôi. Mỗi lần về quê, tôi giấu giếm, lén lút mỗi lần nghe điện thoại của nhóm bạn. Tôi thấy thực sự: Mình quá bất hạnh và đau khổ”.

Vùng vẫy để đánh lừa cảm xúc của bản thân

“Ban đầu, mình cũng cố gắng vùng vẫy. Không tin vào những cảm nhận của cá nhân lúc đó. Mình lao vào yêu con trai, đã thử hết chàng trai này tới chàng trai khác, thậm chí đã cố gắng có những va chạm xác thịt nhưng… đành bất lực. Trái tim và cảm xúc đóng băng… Tiếp tục làm một đứa con gái ư?... mình không thể. Mình cảm thấy rất khó chịu, trống trải vô cùng... cô đơn lắm vì không ai hiểu mình, cũng không thể tâm sự với ai” – Kít, hiện là nhân viên trang điểm của một tiệm make up tại Hà Nội, một lesbian bức xúc bày tỏ.

Để đánh lừa cảm xúc của bản thân, Kít (femme, bên phải ảnh) đã từng thử lên giường với một người con trai (Ảnh: Tiểu Phương)

Để đánh lừa cảm xúc của bản thân, Kít (femme, bên phải ảnh) đã
từng thử yêu một người con trai (Ảnh: Tiểu Phương)
.

 
Mỗi khi về đêm, đối mặt với lòng mình, với trái tim khát khao yêu và tìm kiếm sự đồng cảm, les gần như rơi vào tuyệt vọng. Những trang nhật kí của les dằn vặt, khắc khoải giữa đôi bờ: sống và tồn tại, giữa sự còn và mất. “Sống là phải biết đối mặt…Nhưng bất lực quá...Có lẽ là sẽ bình yên…nhưng bình yên mà sao buồn thế… Chạy trốn… nhưng có được không? Không đủ dũng cảm mạnh mẽ… chỉ còn biết cười và trốn tránh tất cả thôi… Sẽ có lối thoát không... Hay chỉ là tự tạo một cảm giác an toàn…Hay lại giả dối đánh lừa cảm nhận của bản thân…”.

Trong những lúc buồn tủi, les thường lên mạng tìm kiếm một tình yêu “ảo”. Trong thế giới của les teen, hầu hết ai cũng có cho mình một người “vợ” hoặc “chồng” ảo. Tuy không gặp gỡ, chỉ qua những dòng tin nhắn nhưng đó có thể coi là động lực, là chỗ bấu víu duy nhất và cuối cùng đối với những người đang chập chững trên con đường thừa nhận giới tính thứ 3 của mình.

“Đã có lúc mình nghĩ: Tất cả chỉ là do mình thôi… Con đường mà mình đang đi, muốn mình như thế nào đó đều là do mình cả…Nhưng không phải vậy, mình chỉ có thể giả dối được một lần, một lúc, một thời gian, chứ mình không thể sống với “cái mặt nạ” này mãi mãi. Bây giờ, mình cảm thấy đuối sức  quá, muốn buông tay, muốn đến đâu thì đến…” – Huyền, một femme, quê ở Hải Dương, đang là sinh viên của trường Đại học Văn hóa nói.

“Nhiều người cứ bảo rằng: Đó là bệnh và cần phải chạy chữa. Tôi nghe nói ở nước ngoài có liệu pháp điều trị tâm lý cho những người les và nếu kiên trì có thể khỏi bệnh. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn đau đáu tin rằng: Một lúc nào đó, sau một thời gian “chán chê mê mải” với thế giới toàn đàn bà này, con gái mình lại trở về như xưa. Nhưng bản thân những người là les như chúng tôi thì biết một sự thật mười mươi rằng: Chúng tôi không thể thay đổi được” – Tim, một femme khẳng định. “Có chăng đó là cách sống 2 mặt của một con người. Họ là les, nhưng với việc đấu tranh tâm lý rất giỏi, họ vẫn tỏ ra bề ngoài như một người phụ nữ bình thường và đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ giống như bao người phụ nữ khác” – Tim nói thêm.
alt

Tim: “Mẹ tớ biết tớ là les, nhưng vẫn muốn tớ kết hôn
với một người đàn ông". (Ảnh: Tiểu Phương).


“Mẹ tớ biết tớ là les, nhưng lúc nào cũng khuyên rằng: Thôi, con ạ! Cố gắng kết hôn với một người đàn ông, sinh lấy một đứa con rồi sau đó, nếu không thể tiếp tục thì đến lúc đó chia tay cũng được”.

Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đơn giản. “Nếu chưa từng bước chân vào giới, chưa từng đón nhận những cử chỉ yêu thương và chăm sóc từ người cùng giới thì les có xu hướng vẫn có thể sống như một người bình thường. Nhưng nếu đã một lần thử yêu một les khác thì rất khó quay trở về với đời sống thực như người thường” – Tim quả quyết.

Trong khi đó, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ: Các bạn les nên công khai thừa nhận mình, bởi: “Giới thứ 3 cũng là một giới cần đáng được trân trọng và thừa nhận. Các em cần được sống và yêu như những người bình thường. Việc ép họ sống trái với tự nhiên, không được sống theo cảm xúc của mình, thực chất là đẩy họ vào bất hạnh, dẫn đến những căng thẳng rối loạn trong tâm lý”.

Ở người đồng giới, xu hướng tình dục đồng giới mới là xu hướng tự nhiên của họ. Việc ép họ chuyển đổi sang một một xu hướng khác thực chất là biến họ trở nên bất thường, trái tự nhiên. Và một cô gái đồng tính không phải là người bệnh hoạn.

Vừa qua, diễn đàn "Hiểu về con" (http://www.hieuvecon.vn) chính thức được Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường giới thiệu cùng cộng đồng mạng với mong muốn giúp gia đình và bạn bè người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, hiểu hơn về họ.

Hoạt động trên tiêu chí phi lợi nhuận, diễn đàn đã nhận được sự tài trợ của nhiều mạnh thường quân như Quỹ Ford, cơ quan hỗ trợ quốc tế Thụy Điển, Nhóm Kết nối và chia sẻ thông tin cùng các đại sứ tinh thần như hoa hậu Thùy Dung (hoa hậu Việt Nam 2008), diễn viên Chi Bảo...
"Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn, bố mẹ, người thân và bạn bè của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, người lưỡng tính và chuyển giới hiểu hơn về họ", ông Huỳnh Minh Thảo, đại diện truyền thông của diễn đàn nói.
Cũng theo ông Thảo, chỉ cần đăng ký thành viên tại diễn đàn, bố mẹ của những người đồng tính có thể tham luận với chính con mình. Nội dung diễn đàn do Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường giám sát, định hướng chuyên môn.

 



Tiểu Phương

(Còn tiếp)