Thiếu chủ động biện pháp khắc phục với sự cố nhiễm bẩn nguồn nước

21/10/2019 13:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn gây nguy hại sức khỏe người dân.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - ông Trần Thanh Mẫn trình bày sáng 21/10 nêu rõ, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm. Việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm.

Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. 

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa.

Tuy vậy, còn tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, sự chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục. 

Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước?
Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, còn hiện tượng xả thải vào nguồn nước; ô nhiễm không khí, bụi mịn tại một số thành phố lớn.

Đề nghị làm rõ về mức độ hoàn thành và hiệu quả thực tiễn của các nhóm giải pháp, việc huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần đánh giá hiệu quả của các giải pháp đối với tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sự cố nước sinh hoạt lẫn dầu thải từ Nhà máy nước mặt Sông Đà xảy ra từ 9/10 khiến cho hàng vạn người dân ở khu vực phía Tây Hà Nội rơi vào cảnh thiếu nước.

Đến ngày hôm nay (21/10), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các kết quả xét nghiệm mẫu nước trong những ngày qua tại các vị trí, từ đầu nguồn cấp, nhà máy, các bể chứa tăng áp, đến hộ dân đều đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.

Mặc dù vậy sau khi xảy ra sự cố này, điều mà dư luận hết sức quan tâm là quy trình khai thác nước của các nhà máy ra sao, có thật sự đảm bảo an toàn không? Ngoài Nhà máy nước sông Đà, các nhà máy khác đang áp dụng công nghệ gì, quy trình xử lý nước ra sao? Ai kiểm tra, giám sát?

Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. ảnh: QĐ.
Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. ảnh: QĐ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nói: “Lâu nay ở chỗ này chỗ khác người dân đã kêu quá nhiều về nước bẩn, nhưng xong rồi lại lắng xuống và người dân vẫn tiếp tục trả tiền để sử dụng nước trong sự ấm ức.

Vụ việc nước nhiễm dầu thải lần này là một bài học đắt giá, các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết căn cơ vấn đề này trên cả nước.

Theo tôi, phải tiến hành rà soát và đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên các con sông được khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho dân. Vấn đề này phải được xem xét làm ngay, nhưng để làm được thì phải ở tầm Quốc hội, Chính phủ. Ở nhiều quốc gia, họ coi đây là vấn đề hết sức hệ trọng và có các biện pháp bảo vệ rất rõ ràng.

Vụ nước nhiễm dầu lần này cho thấy quy trình lọc của nhà máy có vấn đề và các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ, bởi vì nếu có kẻ nào đổ chất độc còn nặng hơn cả dầu thải thì nhà máy có phát hiện được không? 

Đây cũng là vấn đề phải đặt ra cho tất cả các nhà máy nước. Phải xem thế giới áp dụng công nghệ gì và Việt Nam đang dùng công nghệ gì?

Phải có quy chuẩn đồng bộ và cập nhật theo định kỳ chung với những nước văn minh, chứ không thể để tình trạng dùng công nghệ lạc hậu, hút nước bán cho dân kiếm lời".

Sự cố nước nhiễm dầu cũng đặt ra vấn đề cần phải xem lại về mạng lưới đường ống cấp nước, chuẩn bị trước những tình huống, sự cố có thể xảy ra để đảm bảo người dân vẫn có nước sinh hoạt.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, vụ việc nguồn nước bị nhiễm dầu thải vừa qua theo luật thì đó là một sự cố môi trường.

“Nhưng có vẻ các cơ quan ban ngành chấp hành Luật Bảo vệ môi trường chưa thấu đáo, nhận thức về sự cố môi trường không đến nơi đến chốn cho nên sự phối kết hợp từ Trung ương đến địa phương và giữa các tỉnh có lưu vực sông là Hà Nội và Hòa Bình lỏng lẻo. Cuối cùng là người dân phải gánh chịu sự bất an”, Đại biểu Quốc Khánh nói và nhấn mạnh: “Các Bộ phải vào cuộc ngay chứ không thể để một mình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xử lý sự cố môi trường này”.

Đỗ Thơm