Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Nhiều cán bộ tham lam, mờ mắt vì tiền"

20/07/2021 14:16
Kiến Văn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ sự ủng hộ sự quyết liệt đối với công tác cán bộ thời gian qua, nhằm ngăn chặn những kẻ cơ hội gây nguy hại cho dân, cho nước.

Sáng nay (20/7), Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này trong số nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận có vấn đề “thực hành tiết kiệm chống lãng phí” và “giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV) nhận định, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và giảm nghèo bền vững là vấn đề rất quan trọng mà Quốc hội đã tiến hành thảo luận nhiều năm nay, đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại cần phải tiếp tục chấn chỉnh.

Để đạt được những mục tiêu lớn, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, một trong những vấn đề then chống phải quan tâm tới công tác cán bộ, đây là nút thắt rất quan trọng.

“Nếu như chúng ta chọn được cá bộ có năng lực thực sự, tâm huyết thực sự thì chắc chắn sẽ tạo nên nhiều kỳ tích. Nếu để lọt những cán bộ yếu kém, chỉ giỏi xu nịnh thì lãng phí và tham nhũng vẫn còn xảy ra. Nguy hiểm hơn nữa là những cán bộ có chủ ý tham nhũng liên kết với nhau, vẽ ra việc này việc khác để tiêu tiền ngân sách, để bòn rút và hợp thức hóa, che đậy sai phạm nhiều năm mới bị phát hiện. Trong khi đó ở nhiều vùng sâu vùng xa, dân còn nghèo lắm”, ông Hồng cảnh báo.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Đừng vì chức tước, quyền lực trong tay mà để bị sa ngã, tới lúc giật mình nghĩ lại thì đã quá muộn". Ảnh: quochoi.vn

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Đừng vì chức tước, quyền lực trong tay mà để bị sa ngã, tới lúc giật mình nghĩ lại thì đã quá muộn". Ảnh: quochoi.vn

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nêu thí dụ gần nhất là tại kỳ họp thứ 3 Trung ương khóa XIII vừa kết thúc, trong số những việc mà Trung ương thảo luận và công bố có hai nội dung mà nhiều người quan tâm đó là cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 – 2025 đối với ông Trần Văn Nam – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không chỉ là người chịu trách chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Trần Văn Nam còn là người vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Việc kỷ luật ông Trần Văn Nam cho thấy sự nghiêm khắc của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, không có ngoại lệ và vùng cấm trong xử lý cán bộ dù đương chức hay đã nghỉ hưu.

Đồng thời cũng có nhiều ý kiến đặt ra mong muốn sẽ làm rõ vì sao sai phạm lớn như vậy mà ông Nam và nhiều thuộc cấp lại che giấu được suốt nhiều năm? Trách nhiệm của tổ chức Đảng tại Bình Dương thời kỳ đó ra sao? Vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị khác như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ: “Không chỉ riêng ở Bình Dương mà trước đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hòa… nhiều cán bộ chủ chốt cũng đã chịu kỷ luật, nhiều người đã bị khởi tố điều tra. Điểm giống nhau trong nhiều vụ việc xảy ra ở những địa phương này là những lãnh đạo đứng đầu lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự ý quyết định nhiều vấn đề dẫn tới thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhìn lại những vụ đại án xảy ra trong mấy năm qua, ngân sách nhà nước bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó thì Quốc hội, Chính phủ ra sức hô hào tiết kiệm để có thêm tiền lo cho nhân dân. Ở nhiều địa phương, người dân còn nghèo khó, trẻ con đi bộ nửa ngày trời mới tới được trường học. Đấy là một thực tế mặc dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải đặt ra để làm tốt hơn, xử lý và ngăn chặn hiệu quả hơn đối với những hành vi, động cơ cố ý làm trái của một số cán bộ, không chỉ gây thiệt hại với tài sản nhà nước và còn làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng”.

Như vậy, có một câu hỏi cần được đặt ra: Đang tồn tại những cán bộ yếu kém năng lực nhưng lại khéo che đậy và qua mặt các cơ quan thanh tra, kiểm tra một thời gian dài hay đã xảy ra chuyện bao che, khiến những cán bộ mắc sai phạm không bị lộ mà lại còn được lên chức, tiếp tục sai phạm thêm nhiều năm nữa? Cụ thể là với những sai phạm của cán bộ đứng đầu địa phương như Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh thì còn những ai khác sẽ phải bị xem xét, xử lý kỷ luật?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng phân tích: “Đảng ta trong quá trình hoạt động luôn chú trọng công tác cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết chính là “chạy chức, chạy quyền”. Những kẻ cơ hội, dù không đủ tiêu chuẩn đã chui sâu, leo cao vào các vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cách thức chạy chức, chạy quyền tinh vi khác nhau nhưng gây ra hậu quả giống nhau là làm cho bộ máy Nhà nước kém hiệu quả, người có năng lực phẩm chất không được trọng dụng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng đề nghị, trong nhiệm kỳ mới các Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, thực sự có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng chính sách pháp luật, có những ý kiến cần thiết về hoạt động điều hành của ngành, của địa phương… qua đó cũng góp phần ghi nhận, nêu bật năng lực của cán bộ giỏi, đồng thời chỉ ra những yếu kém tồn tại.

Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng là một vấn đề hết sức quan trọng cần có sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội, góp ý kiến với Bộ Chính trị, Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… từng bước hoàn thiện cơ chế “không thể tham nhũng”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói: “Tôi mong rằng những đồng chí đã được nhân dân tin tưởng lựa chọn thì hãy cống hiến hết mình với sự tin tưởng ấy. Đừng vì chức tước, quyền lực trong tay mà để bị sa ngã, tới lúc giật mình nghĩ lại thì đã quá muộn. Tôi nói như vậy là đúng với thực tế vì có nhiều cán bộ tham lam, mờ mắt vì tiền để rồi bị kỷ luật, thậm chí tù tội.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ai cũng thích của, thích tiền, nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Nếu không rèn luyện tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ".

Kiến Văn