Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: "Tôi không thể hứa gì về xử lý nợ xấu"

30/10/2012 17:43
Hồng Chính Quang
(GDVN) -“Với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này vì như tôi đã nói ở trên, đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có phần trình bày trước Quốc hội về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng và vấn đề nợ xấu, xử lý nợ xấu.

“Các tổ chức tín dụng thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng”

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu: “Thứ nhất là vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã có đề án theo quyết định số 254 thông qua đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đề án này cũng đã được xin ý kiến của Bộ Chính trị và hiện ngay NHNN đang chỉ đạo để thực hiện quyết liệt chương trình tái cấu trúc này.

Theo đề án 254, chúng tôi có vạch ra lộ trình cho 10 năm (từ nay đến 2020) và đặc biệt hiện nay cho đến năm 2015 trong đó quy định rõ nội dung cần phải làm từng năm một và hiện nay chúng tôi đang bám sát nội dung quy định đó để triển khai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)

Trong thời gian vừa qua bằng các cách cải thiện thanh khoản, kiên quyết trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro thì tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại đã được lành mạnh hơn. Và NHNN cũng sắp sửa ban hành một loạt các quy phạm pháp luật mới cho đáp ứng được các yêu cầu của giai đoạn mới”.

Liên quan trực tiếp đến việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, ông Nguyễn Văn Bình nói: “Đối với việc xử lý của từng ngân hàng thương mại, chúng tôi có Ban chỉ đạo đối với ngân hàng đó, có đại diện của NHNN, Bộ Công an, Chính quyền địa phương các cấp và Bộ Thông tin và Truyền thông. Do vậy có thể nói rằng là quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không phải chỉ riêng ý kiến của NHNN mà rất công khai minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các Bộ, ban, ngành. 

Trong các Luật về NHNN và Luật về các tổ chức tín dụng cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về hoạt động ngân hàng thì đã có đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá thế nào là các ngân hàng thuộc diện phải xử lý. Chúng tôi bám sát quy định đó để xử lý.

Quá trình xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém là một quá trình hết sức phức tạp và có thể gây ra rất nhiều vấn đề tranh chấp. Chúng tôi tiến hành đồng thời cả hai việc. Một mặt là tiến hành thanh tra tại chỗ để có được “bức tranh” đầy đủ chi tiết và chính xác về hoạt động của ngân hàng đó.

Đồng thời chúng tôi cũng mời kiểm toán độc lập Quốc tế vào tiến hành kiểm toán để có cơ sở chính xác cho việc quyết định. Do vậy quả kết quả thanh tra cũng như kiểm toán độc lập vừa qua, chúng ta thấy rằng tất cả các tổ chức tín dụng thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng và rất phù hợp với quy định của pháp luật. Các kết quả này sẽ chính thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Dự kiến đến năm 2015, mức nợ xấu đạt chuẩn

Về vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu, Thống đốc Bình khẳng định: “Thứ nhất, nợ xấu không phải là một con số cố định mà là một con số biến động theo thời gian. Mặc dù tiêu chí để xác định nợ xấu của Việt Nam được đánh giá là rất phù hợp với các tiêu chí Quốc tế nhưng ngay cả ở Việt Nam và Quốc tế thì cũng không có một bộ quy định thống nhất nào về việc quy định nợ xấu. Do vậy con số nợ xấu trong việc xác định nợ xấu bên cạnh các yếu tố định lượng có rất nhiều yếu tố định tính. Do vậy, con số nợ xấu có thể là khác nhau giữa các tổ chức đánh giá. 

Và chúng ta cũng đã thống nhất, thế giới cũng đã ghi nhận là con số đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó thường là con số tham khảo có giá trị nhất. Do vậy con số xác định nợ xấu do NHNN đưa ra được cho là có cơ sở nhất. Về con số này, từ đầu năm đến nay, diễn biến nợ xấu của ngân hàng cũng phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô. Cụ thể là đầu năm, tỷ lệ hàng tồn đọng rất lớn và sau đó tỷ lệ này cũng dần giảm và chúng ta theo dõi cũng thấy rất rõ tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 trở lại đây thì tỷ lệ nợ xấu có tốc độ tăng chậm hẳn lại”. 

Về xử lý nợ xấu, ông Bình cho biết: “Chúng tôi cũng xin báo cáo, đây là việc mà chúng ta phải khẳng định rằng nó không chỉ phụ thuộc vào ý chí của hệ thống ngân hàng là đủ mà chúng ta cũng phải coi đây là một nội dung của cả một nền kinh tế. Phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, các lĩnh vực thì chúng ta mới có thể xử lý được nợ xấu.

Chúng ta cũng thấy rằng hàng tồn kho của chúng ta lớn thì đó cũng là nợ xấu. Cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng thế chấp hàng tồn kho đó để lại được vay mới của hệ thống ngân hàng thì tôi cũng xin báo cáo rằng ngay hàng tồn kho đó đã là hàng thế chấp đối với khoản vay đó rồi. Do vậy vấn đề xử lý hàng tồn kho cũng là đóng góp rất quan trọng cho vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng". 

Nợ xấu theo báo cáo của một số ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến 30/6/2012.
Nợ xấu theo báo cáo của một số ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến 30/6/2012.

Vị Thống đốc Ngân hàng nhấn mạnh, để xử lý được nợ xấu ngân hàng thì phải có quyết tâm và một ý chí chính trị thống nhất trong cả hệ thống chính trị của chúng ta. "Về phía NHNN, chúng tôi đã xây dựng xong Đề án xử lý nợ xấu trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ nhưng cũng có những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan khác. Chúng tôi hy vọng rằng với đề án này trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, Trung ương cũng như địa phương, chúng ta có cơ sở vũng chắc để xử lý nợ xấu. 

Với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này vì như tôi đã nói ở trên, đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy chúng ta không thể đơn phương, tuy nhiên theo đề án 254 mà chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015, chúng ta sẽ cố gắng đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. 

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang