Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Thông tin mới nhất về tập đoàn Vinashin

29/10/2012 06:52
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Tập đoàn Vinashin dự kiến sẽ được giao về Bộ GTVT quản lý và sẽ có đề án tái cơ cấu riêng.
Tập đoàn Vinashin dự kiến sẽ được giao về Bộ GTVT
Chiều 28/10, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo một số kết quả phát triển tình hình kinh tế trong tháng 10/2012.
Tại đây, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết một trong những nội dung họp lần này là Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Nhật Minh)
Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Nhật Minh)

Theo đó, Chính phủ sẽ kết thúc quá trình thí điểm thành lập Tập đoàn và sẽ giảm số lượng Tập đoàn và Tổng công ty mà Thủ tướng có trách nhiệm quản lý xuống dưới 10. Các Tập đoàn và Tổng công ty này sẽ chỉ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Tập đoàn Vinashin dự kiến sẽ được giao về Bộ GTVT quản lý và sẽ có đề án tái cơ cấu riêng.

Về kết quả kiểm điểm ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Vũ Đức Đam cho biết: “Ông Đào Văn Hưng sẽ thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV. Chính phủ sẽ thành lập hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng. Tháng 11 tới đây sẽ có kết luận cuối cùng”. 

Đối với việc tăng lương tối thiểu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Chính phủ rất chia sẻ khó khăn của người làm công ăn lương nhưng do khó khăn hiện tại chưa thể tăng lương từ ngày 1/5/2013 theo lộ trình. Do vậy, trước mắt Chính phủ sẽ cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi. Việc giảm chi này sẽ không nhắm vào vào nguồn vốn đầu tư phát triển, mà chủ yếu thông qua tiết kiệm chi thường xuyên trong đó có việc đi công tác nước ngoài sẽ phải chặt chẽ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương nhằm cân đối nguồn thu để tăng lương”…

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012 vào sáng 28/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: “Tiếp tục triển khai các biện pháp để xử lý nợ xấu. Bây giờ đề án xử lý nợ xấu tổng thể đã có, không phải chờ đề án. Chúng ta đã, đang làm và có một số kết quả. Thứ nhất là ngân hàng rà soát lại nợ cho khách hàng. Thứ hai là xử lý dự phòng rủi ro.

Còn việc nợ xấu của doanh nghiệp mà cũng là của ngân hàng là doanh nghiệp xây dựng. Cái này chúng ta thấy từ đầu năm, nợ xấu của doanh nghiệp xây dựng không trả được ngân hàng chính là ngân sách. Các Bộ phải xử lý dứt khoát cái này, không có tùy tiện để chúng ta khắc phục dàn trải, khắc phục nợ xấu này”.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo trong 2 tháng cuối năm từ việc giữ ổn định tỷ giá đến kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, từ kiểm soát tổng cầu cho đến đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá, quản lý giá cả thị trường để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 8%. Tạo tiền đề cho việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm tới.

"Phấn đấu kiểm soát lạm phát năm này khoảng 8%"
"Phấn đấu kiểm soát lạm phát năm này khoảng 8%"

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, tăng thu và giảm chi nhất là giảm các khoản chi chưa cấp thiết: chi hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài…

Thủ tướng chỉ đạo tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhất là các Tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước gắn với việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp này. Thủ tướng cũng yêu cầu có các giải pháp để giải quyết hàng tồn kho nhất là bất động sản trong đó có thể chuyển một phần các dự án hiện nay sang nhà ở xã hội, có chính sách hỗ trợ cho vay vốn đối với người thu nhập thấp để mua nhà.

Thủ tướng cũng yêu cầu sớm báo cáo về đánh giá an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 và vấn đề tác động môi trường của Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để có quyết định cuối cùng. Đồng thời kiểm tra, rà soát lại các dự án hồ, đập thủy điện nếu không an toàn không cho vận hành. Đồng thời ban hành quy định các công trình hồ, đập thủy điện nếu không đảm bảo các yếu tố về an toàn, có dự án tái định cư, có quy trình vận hành hồ chứa và trồng bù lại rừng sẽ kiên quyết không phê duyệt dự án…
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang