Thủ khoa khối A chia sẻ bí quyết giành điểm cao và vì sao không vào đại học?

07/06/2021 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu dễ thì giải luôn, câu hơi khó em cố gắng tìm hướng giải quyết, còn những câu quá khó sẽ tập giải sau cùng để tránh mất quá nhiều thời gian.

“Trước khi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông khoảng 2 tháng, ngày nào em cũng dành một khoảng thời gian cố định để ôn tập những phần kiến thức trọng tâm nhất của từng môn thi, không ôn tập lan man nhiều theo các bài tập trên mạng xã hội, mà chỉ tập trung vào những kiến thức trong sách giáo khoa.

Phải nắm chắc kiến thức trọng tâm trước rồi tự nâng cao dần dần lên, dựa thêm vào những kiến thức “mẹo” được nhiều giáo viên chia sẻ ở các phần ôn tập để giúp cho việc ôn và làm bài hiệu quả hơn. Ví dụ, mỗi bài Toán đều có phương pháp giải nhanh hoặc có thể sử dụng máy tính cầm tay để giải. Các câu hỏi đều là thi trắc nghiệm nên nếu nắm trắc phương pháp giải nhanh thì sẽ dễ dàng hoàn thành bài thi”, sinh viên Phạm Thị Hồng Anh, tỉnh Đồng Nai - Thủ khoa đầu vào khối A Trường Cao đẳng Viễn Đông (Thành phố Hồ Chí Minh) năm học 2020 - 2021 chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Em Phạm Thị Hồng Anh, tỉnh Đồng Nai - Thủ khoa đầu vào khối A Trường Cao đẳng Viễn Đông năm học 2020 - 2021. Ảnh: (NVCC).

Em Phạm Thị Hồng Anh, tỉnh Đồng Nai - Thủ khoa đầu vào khối A Trường Cao đẳng Viễn Đông năm học 2020 - 2021. Ảnh: (NVCC).

Hồng Anh cho biết: “Với môn Toán khi ôn tập, em sẽ học công thức trước và nắm thật chắc, rồi áp dụng để giải bài tập từ cơ bản đến nâng cao, chú trọng những bài cơ bản nhiều hơn và nâng cao dần lên. Với những bài tập khó quá em tạm bỏ qua và sẽ hỏi thầy cô cũng như trao đổi với các bạn để hiểu, bởi khi ôn tập mà trú tâm quá nhiều vào những bài khó thì đầu óc mình không thể suy nghĩ được việc gì khác.

Những câu dễ thì em giải luôn, những câu hơi khó em sẽ cố gắng tìm hướng giải quyết, còn những câu quá khó sẽ ôn và tập giải sau cùng, tránh mất quá nhiều thời gian.

Trong thời gian tự ôn tập, em chia ra thành các chủ đề như Đại số có từng cột và em sẽ ôn tập theo từng cột đó, phần này cũng có cách giải trên máy tính cầm tay.

Một điều nữa khi ôn tập ở nhà là tránh ôn lan man theo quá nhiều phương pháp trên mạng xã hội bởi có kiến thức đúng và có kiến thức chưa đúng. Ngay như có nhiều mẹo làm bài nhưng áp dụng với bài này thì đúng nhưng lại không có kết quả đối với bài khác, mặc dù cùng là môn Toán.

Vậy nên cần phải chọn lựa những kiến thức để ôn tập và cũng không nên quá lệ thuộc vào máy tính cầm tay bởi có một số bài khi dùng máy tính sẽ cho ra kết quả rất nhanh, và cũng có nhiều bài áp dụng máy tính lại không ra được kết quả.

Dùng máy tính cầm tay cũng nhanh nhưng nếu không biết các mẹo dùng thì dễ cho kết quả sai, đặc biệt phải lưu ý nhớ từng bước khi sử dụng loại máy tính này, vậy nên cần phải tham khảo, học cách sử dụng trên các diễn đàn Toán học, ở đó có hướng dẫn chi tiết để áp dụng cho từng bài”.

Theo Hồng Anh: “Trong phòng thi, khi nhận đề Toán em xem qua một lượt và chú trọng những câu đầu tiên hơn là những câu cuối bởi những câu cuối rất khó. Những câu đầu tiên em làm cẩn thận, đọc rõ từng chữ trong đề, điền đáp án một cách chắc chắn, làm câu nào chắc câu đó rồi mới chuyển sang câu kế tiếp.

Những câu đầu thường dễ hơn nhưng nếu không đọc đề cẩn thận sẽ dễ bị làm nhầm đáp án bởi câu chữ trong đề hay làm học sinh hiểu nhầm ý, vậy nên em làm chắc từng câu trong thời gian nhanh nhất.

Càng đến những câu cuối em dành thời gian “tăng tốc” để hoàn thành, những câu khó quá em bỏ qua luôn vì nếu có cố mình cũng không thể giải được và còn mất thời gian làm những câu khác trong đề.

Trong phòng thi không nên quá lo lắng, không đặt nặng vấn đề gì lên cao quá để tránh tạo áp lực cho bản thân. Phải thật cẩn thận và chú trọng những câu đầu tiên, điểm số các câu hỏi bằng nhau nên phải chắc chắn những câu đầu tiên được làm đúng.

Đặc biệt khi đã làm hết các câu hỏi cần phải có một khoảng thời gian để soát lại từng câu thêm một lần nữa để chắc chắn không có gì sai sót, tránh bị trừ điểm”.

Đối với môn Vật lý, Hồng Anh chia sẻ: “Em tập trung học lý thuyết và phần công thức từ dễ đến khó, với những kiến thức có được trong khi ôn tập em đều nhớ lại và tự vẽ thành sơ đồ tư duy, vẽ từng chương, học xong chương nào vẽ sơ đồ chương đó.

Với những phần kiến thức trọng tâm em nhấn đi nhấn lại, gạch chân bằng bút màu cho dễ nhận ra khi ôn. Kể cả những sơ đồ vẽ sai em cũng đều nốt lại và viết rõ tại sao sai, và sai chỗ nào để hàng ngày nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm. Sai hay đúng mình cũng đều phải nhớ, có như vậy khi làm bài thi mới tốt được.

Đặc điểm của môn Vật lý có khá nhiều lý thuyết nên em học theo sách, học rất kỹ phần lý thuyết kết hợp với làm bài mẫu từ cơ bản đến những bài khó. Phần này cơ bản là học thuộc lòng nhưng em tự rút gọn lại cho dễ nhớ, dễ vận dụng chứ hoàn toàn không phải học thuộc lòng như môn Văn.

Lý thuyết rất dài nhưng em đã tự rút gọn lại mà vẫn đảm bảo đủ ý, học theo từng chủ đề, từng chương và bài tập ở chương nào em cũng làm thử dưới các dạng trắc nghiệm từ dễ đến khó. Làm bài trắc nghiệm theo kiểu tự luận.

Khi làm bài em cũng dành thời gian đọc kỹ đề, đồng thời làm từ câu đầu trước rồi lần lượt đến câu cuối cùng, đặc biệt ở tất cả các môn thi thì những câu cuối cũng thường rất khó. Trước khi nộp bài bao giờ em cũng phải xem lại tất cả một lượt để tin rằng không có sai sót gì”.

Kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hồng Anh được 23,3 điểm và Bích thư là 23,6 điểm. Ảnh: (NVCC).

Kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hồng Anh được 23,3 điểm và Bích thư là 23,6 điểm. Ảnh: (NVCC).

Áp dụng phương pháp vừa ôn vừa ghi lại kiến thức

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về môn Hóa học, em Phạm Thị Bích Thư (là chị em sinh đôi với Hồng Anh) cũng là thủ khoa đầu vào khối A Trường Cao đẳng Viễn Đông (với điểm thi môn Hóa là 8,75) cho biết: “Trong khi tự ôn tập, em chú ý nhiều đến phần lý thuyết hơn bài tập bởi môn này rất nhiều lý thuyết.

Đồng thời áp dụng phương pháp vừa học vừa ghi lại, tất cả những kiến thức vừa được học thuộc em đều ghi lại ra vở dưới dạng sơ đồ, ghi và vẽ sơ đồ lại nhiều lần giúp cho mình nhớ lâu hơn, chắc chắn phần kiến thức đã nắm rồi mới chuyển qua ôn tập chương khác.

Đối với mấy công thức Hóa học, em đọc và ghi đi ghi lại nhiều lần trên giấy nót và dán lên tường, quanh bàn học để nhìn lúc nào cũng thấy, dễ nhớ nhập tâm. Có nhiều cách đọc tên các công thức hóa học cũng được em ghi lại cẩn thận.

Đối với đề thi mẫu tham khảo của Sở Giáo dục em có làm thử một lần, sau đó em tìm những bài tập tương tự có độ phân hóa về kiến thức để tập làm, chứ em không làm đi làm lại nhiều các đề mẫu của Sở.

Đặc biệt những ngày gần đến kỳ thi em sẽ không học nhiều nữa vì nếu học nhiều quá sẽ làm rối kiến thức, dễ hoang mang. Ví dụ trong quá trình ôn sẽ dẫn đến vấn đề nếu mình không hiểu chỗ này thì nó lại liên quan đến vấn đề khác, lại lần tìm như vậy rất dễ rối kiến thức, không có lợi.

Vậy nên trước thi 2- 3 ngày em chỉ nhìn và đọc sơ qua những sơ đồ tư duy đó chứ không đọc kỹ, nhìn bằng mắt tất cả các nhánh kiến thức và tuyệt nhiên không có ghi chép lại như những buổi ôn tập trước đó”.

Theo Bích Thư: “Khi làm bài thi quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh, đọc kỹ đề thi để nhận định đúng đề hỏi cái gì, nếu hiểu sai thì đương nhiên hướng làm bài cũng sẽ sai, mất điểm.

Chú ý nhiều đến những câu hỏi lý thuyết để làm trước bởi phần lý thuyết dễ lấy điểm hơn, còn phần bài tập rất khó để được điểm cao. Bài tập sẽ có từng dạng từ đơn giản đến khó, vậy nên dạng bài khó nếu khả năng không làm được em sẽ bỏ qua luôn, tập chung vào làm những bài mình có thể làm được để nắm chắc điểm 8.0.

Và cần nhất là sau khi hoàn thành phải dành thời gian soát lại thật kỹ một lần tất cả các câu trả lời để tránh bị mất điểm”.

Xác định học cao đẳng rồi liên thông lên đại học

Với kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hồng Anh được 23,3 điểm và Bích Thư là 23,6 điểm, với số điểm thi khối A như vậy thì cả 2 chị em đều đủ điều kiện vào đại học, nhưng hiện nay cả 2 em đang theo học ngành Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Viễn Đông, khi được hỏi về vấn đề này, 2 chị em cho biết: “Từ giữa năm lớp 12, cả 2 bọn em đều đã xác định sẽ vào trường cao đẳng rồi liên thông lên đại học.

Nếu cả 2 cùng vào đại học thì kinh tế của gia đình em không đủ, không thể cùng đáp ứng được, do thời gian học dài hơn. Chính vì thế bọn em chọn vào cao đẳng.

Bản thân chúng em rất thích ngành Điều dưỡng và quyết tâm theo học, dự định sau khi học xong em sẽ dành 1 năm đi làm tại bệnh viện để lấy chứng chỉ hành nghề rồi sau đó học liên thông lên đại học.

Chúng em rất mừng vì cả 2 chị em đều được hưởng học bổng toàn phần của nhà trường trong suốt 3 năm học cao đẳng, một số môn ngoại khóa cũng được giảm 50% học phí”.

Về hướng công việc sau khi học xong, Bích Thư cho biết: “Em mong muốn được vào làm tại bệnh viện công những xin được việc làm tại bệnh viện công là rất khó khăn, chính vì vậy chúng em cũng có hướng xin làm việc tại bệnh viện tư, vừa làm vừa nâng cao tay nghề. Hiện nay các bệnh viện tư cũng rất phát triển, đãi ngộ tốt, nếu mình thật sự chăm chỉ có năng lực tốt”.

Tùng Dương