Thủ tướng chỉ đạo rất trúng và đúng, quan trọng Bộ Giáo dục sẵn sàng đến đâu

08/05/2021 06:50
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục nhiều năm qua đã có nhiều vấn đề tồn đọng, nếu gỡ rối không cẩn thận thì càng gỡ, càng rối không khác gì kéo tre đằng ngọn.

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Đáng chú ý, tại cuộc làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến rất nhiều nội dung, yêu cầu cấp bách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện gồm:

- Yêu cầu học thật, thi thật, nhân tài thật

- Chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm.

- Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên; Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền.

- Tăng cường công khai, minh bạch để người dân hiểu, chia sẻ, thông cảm và đóng góp ý kiến cho ngành.

- Trao đổi, phân loại, làm rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung nào thuộc thẩm quyền Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để đề xuất giải pháp...

Ông Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14. Ảnh: Quốc hội.vn

Ông Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14. Ảnh: Quốc hội.vn

Những vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại cuộc họp nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao về các chỉ đạo rất cụ thể, cấp bách với giáo dục hiện nay.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14 cho rằng đây là những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Thủ tướng chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Thưởng: “Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng mới nên cũng chờ Bộ trưởng phản ứng như thế nào.

Điều quan trọng là những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết đã được đề cập trong buổi làm việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị ra sao.

Thực lực, nguồn lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đáp ứng được hay không hay phải lần từng khâu, từng bước để mà gỡ rối”.

“Giáo dục nhiều năm qua đã có rất nhiều vấn đề, bản thân tôi cũng đã phát biểu rất nhiều trên diễn đàn Quốc hội. Giáo dục không cẩn thận thì càng gỡ, càng rối giống như là kéo tre đằng ngọn. Để làm thay đổi giáo dục ngay lập tức là rất khó.

Nói về quan điểm về “học thật, thi thật, nhân tài thật”, ông Thưởng cho rằng đây là ý kiến rất quan trọng và là cốt lõi của giáo dục, quyết định đến chất lượng giáo dục. Ông Thưởng cho rằng chuyện học, thi của giáo dục vẫn được đề cập nhiều năm nay rồi, có nhiều bất cập nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao nhiêu.

“Vấn đề vẫn là học để làm gì, các em vẫn học để thi cho nên thi cử vẫn là gánh nặng. Vấn đề cải cách thi cử cần phải bắt đầu từ nhiều vấn đề khác nhau. Đó là vấn đề đội ngũ, đó là vấn đề sách giáo khoa vẫn đang bộn bề như vậy…", ông Thưởng nêu.

"Để có học thật, dạy thật, thi thật, trước hết, cần thay đổi quan niệm của toàn xã hội về vấn đề này

Việc học thật, dạy thật và thi thật là ba khâu quan trọng có liên quan mật thiết với nhau và quyết định đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội. Khi tổ chức thi thực chất, buộc các thầy giáo, cô giáo phải dạy thực chất và học sinh phải học thực chất.

Về đội ngũ, nói là chắp vá thì cũng không đúng lắm nhưng chưa thật chuẩn mực. Còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo cho nên để đạt một cái đích nào đó thì cần phải làm dứt khoát từng bước một.

Về tuyển dụng, đề bạt cán bộ, cần lấy tiêu chí đầu tiên là kiến thức thật, không phải là bằng cấp, bởi lẽ, học thật mới có năng lực thật để làm thật, làm thật mới có sự nghiệp thật", ông Thưởng cho biết.

Vấn đề sách giáo khoa vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết. Ảnh: LC

Vấn đề sách giáo khoa vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết. Ảnh: LC

"Sách giáo khoa như hiện nay rất bất ổn. Một chương trình nhiều sách giáo khoa như hiện nay nên đang bị lạm dụng. Gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Phụ huynh học sinh không biết đằng nào mà lần.

Vấn đề đặt ra trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì và phải làm gì để xử lý vấn đề này?

Nhiều phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn vì sách giáo khoa là tài liệu dạy và học của quốc gia, phải thống nhất toàn quốc.

Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không thể lường hết được”, ông Thưởng nêu quan điểm.

Lại Cường