Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hạ Long - Hải phòng

13/09/2014 19:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu thi công thực hiện đúng các quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng; đảm bảo tiến độ, chất lượng, toàn toàn, hiệu quả của công trình.

Sáng 13/9/2014, tại Thành phố Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ khởi công dự án đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Hải Phòng). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tham dự buổi lễ.

Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có điểm đầu tại tại Km 102+300 QL18, thuộc phường Đại Yên, Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, điểm cuối tại Km 25+214 giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Theo thiết kế, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 25 km, gồm 4 làn xe, vận tốc 100km/h; bao gồm phần đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng dài 19,5 km và phần cầu Bạch Đằng dài 5,45 km.

Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác với tổng kinh phí trên 6.400 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào năm 2016. Riêng Dự án cầu Bạch Đằng có tổng vốn đầu tư là 7.200 tỷ đồng, do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Dự kiến, cầu sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2015 và hoàn thành vào năm 2017.

Việc hoàn thiện tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng xuống còn 25km, thay vì khoảng 70km như hiện nay và khi kết nối vào tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội sẽ rút ngắn được khoảng 60 km từ Hạ Long đi Hà Nội và thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút thay vì 4 giờ hiện nay khi sử dụng Quốc lộ 18.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững đất nước, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cả nước đã huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn với các hình thức đầu tư thích hợp đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình đã góp phần thay đổi bộ mặt của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Vào chiều 13/9/2014, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Việc xây dựng và công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh về kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng tỉnh, du lịch, môi trường, sử dụng đất, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng, định hình khuôn khổ cho một giai đoạn phát triển mới, dài hạn của tỉnh Quảng Ninh. Các quy hoạch được xây dựng đã thể hiện cách thức tiếp cận mới trong việc chuyển đổi phương thức phát triển, bảo đảm được tính hiện đại, hài hòa, liên tục và kế thừa; đồng thời các quy hoạch này cũng mang tính chất liên vùng, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng của đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế… và cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là tiềm năng du lịch, dịch vụ, thương mại, kinh tế đối ngoại, công nghiệp, nông nghiệp…

“Quảng Ninh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu chung nhất là phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Bên cạnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Ninh quan tâm chăm lo phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao. “Xét cho cùng mọi chiến lược, mọi quy hoạch, mọi mong muốn muốn để trở thành hiện thực thì yếu tố con người là quyết định” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và cho rằng việc xây dựng và chuẩn bị nguồn nhân lực trước hết chính là nhân lực lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, những con người xây dựng nên cơ chế, chính sách và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống. “Để phát huy được nhân tố con người, để thành công thì phải bảo đảm và phát huy dân chủ, pháp quyền, đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu, là đòi hỏi của người dân”.

Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, nhất là về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cảnh quan, truyền thống văn hóa, lịch sử, con người... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang đứng trước những mâu thuẫn giữa tiềm năng thế mạnh, không gian phát triển rộng lớn với thể chế còn hạn hẹp; giữa các lựa chọn về định hướng phát triển mũi nhọn trên địa bàn… Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng các quy hoạch chiến lược của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, các quy hoạch này sẽ định dạng khuôn khổ cho một giai đoạn phát triển mới, dài hạn. Đây là lần đầu tiên, một địa phương đã sử dụng các tập đoàn tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh tiến hành xây dựng quy hoạch và đã hoàn thành, công bố 7 quy hoạch chiến lược

7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được công bố tại Hội nghị là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Quy hoạch môi trường; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Ngoài 7 quy hoạch nêu trên, các quy hoạch khác của tỉnh cũng đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ hoàn thành trong quý IV/2014; qua đó tạo hệ thống đồng bộ các quy hoạch chiến lược, đảm bảo thống nhất trong quá trình điều hành, quản lý, làm cơ sở kiến tạo phát triển bền vững của địa phương.

Ngọc Quang