Thưa Bộ trưởng: Tôi sẽ gửi xe ở đâu?

10/10/2011 07:51
(GDVN) - Cấm xe nội đô? Thưa bộ trưởng, chúng tôi biết gửi xe ở đâu? Hay đi xe bus? Liệu phương tiện này có thể đáp ứng đủ nhu cầu của cả xã hội không?
Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi được biết đến chủ trương hạn chế xe cá nhân vào nội đô nhằm đẩy lùi vấn nạn ùn tắc giao thông.

Tôi rất tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng về vấn đề này nhưng vấn đề là cách thức tiến hành ở đây đã hợp lý chưa, áp dụng đúng thời điểm chưa? 

Bộ trưởng lấy ví dụ về ý thức người dân sử dụng các phương tiện công cộng ở các nước tiên tiến, nhưng lại chưa nhắc tới sự phát triển các phương tiện công cộng ở đó.

Nếu so sánh các phương tiện công cộng của VN hiện nay chỉ cần với Thái Lan bên cạnh chứ chưa nói đâu xa xôi đã thấy một khoảng cách lớn. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao của họ phát triển, ở đây không cần phải cấm mà người dân tự nhận thấy sử dụng các phương tiện đó nhanh, tiện và rẻ hơn...

Tất nhiên, với sự phát triển đô thị như hiện nay, việc cấm xe máy tại các TP lớn sẽ là tất yếu. Nhưng câu hỏi đặt ra là thực hiện vào thời điểm này liệu có khả thi hay không?
Mục tiêu cuối cùng của chủ trương Cấm xe cá nhân vào nội đô nhằm giải quyết nạn ách tắc giao thông là rất đúng đắn
Mục tiêu cuối cùng của chủ trương Cấm xe cá nhân vào nội đô nhằm giải quyết nạn ách tắc giao thông là rất đúng đắn
Giả thiết chủ trương cấm phương tiện cá nhân vào nội đô được thực hiện, thì người tham gia giao thông sẽ phải gửi xe máy khi gần đến phố cấm để đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Gửi xe máy? thưa bộ trưởng, nếu như vậy, chúng tôi biết gửi ở đâu? Tiến độ các bãi gửi xe tập trung của thành phố hiện như thế nào? Hay đi xe bus? Liệu phương tiện này có thể đáp ứng đủ nhu cầu của cả xã hội hay không?

Người ta không ai muốn đi khoảng 20 km với những xe cứ đi 500m lại dừng. Ở cự ly xa hơn nếu đi hàng ngày cũng không ai muốn đi xe buýt. Vì thực tế này nên xe buýt hiện chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách là điều dễ hiểu (chưa kể nạn tắc đường, chất lượng phục vụ kém).

Thực sự với tình trạng xe buýt như thế này, khi việc cấm các phương tiện cá nhân lưu thông trong nội thành được áp dụng thì xe buýt sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu của người dân tham gia giao thông.

Bản thân tôi đi làm bằng xe buýt, có những hôm đứng bắt xe ở điểm trung chuyển Cầu Giấy từ 17h30 mà đến 18h45 mới lên được xe 27. Leo được lên xe, phụ xe yêu cầu di chuyển lùi vào phía trong để cho những người khác còn được lên. Thế mà co một chân lên còn không chỗ để đặt xuống, cứ phải đứng một chân như thế cho đến khi đến điểm dừng là ký túc xá ĐH Giao thông. Với tình trạng xe buýt như thế thì có mấy ai can đảm để cất xe máy ở nhà, di chuyển bằng xe buýt, thưa bộ trưởng?

Trong khi đó, các dự án đường sắt đô thị (metro) triển khai ì ạch, nhanh nhất cũng phải tới năm 2016 mới có thể đi vào hoạt động. Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ cuối năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng sau 4 năm, dự án một lần nữa lại được khởi công, với kinh phí đã đội lên khoảng 1,5 lần. Các dự án đường sắt đô thị khác thì cũng đang trong giai đoạn rục rịch chuẩn bị, chẳng biết tới bao giờ, người dân chúng tôi mới có thể sử dụng những lợi ích công cộng trên.

Muốn cấm phương tiện cá nhân thì bắt buộc hệ thống giao thông công cộng phải rất thuận tiện và đồng bộ, loại nọ hỗ trợ loại kia (xe bus hạy các đoạn ngắn, metro chạy các đường dài…), qui hoạch bến xe/ nhà ga hợp lý để đón/ trả và chuyển khách giữa các loại phương tiện… để đa số người dân sẽ sử dụng giao thông công cộng, để đến một ngày, có thể bãi bỏ lệnh cấm xe máy mà vẫn chỉ có số ít thanh niên yêu xe máy sử dụng chúng mà thôi (như ở các nước phát triển hiện nay).

Thưa bộ trưởng, còn một vấn đề nữa, trong Hiến pháp nước ta đã quy định rõ: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước”, nghĩa là quyền tự do đi lại của người dân được pháp luật bảo vệ, nếu như cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại trong nội đô mà chưa có giải pháp thay thế thích hợp thì tôi sợ chưa hợp lòng dân, đúng pháp lý.

Rõ ràng, với những điều kể trên, còn quá nhiều bất cập xung quanh việc thực hiện chủ trương này, đây là một bài toán khó mà nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng sẽ phải đối mặt với nhiều những khó khăn nan giải khác.

Điển hình như việc cấm lưu hành xe tự chế, điều mà các cơ quan chức năng không tính hết được chính là việc hàng ngàn con người kiếm sống bằng phương tiện này loay hoay tìm hướng mưu sinh mới, rồi họ lại luẩn quẩn trở về với xe tự chế một cách lén lút.

Độc giả HH (Hai Bà Trưng, Hà Nội)