Thượng tướng Võ Trọng Việt: "Sửa luật đừng có sai nữa, sai nữa là phản cảm"

03/10/2016 14:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nói thẳng như vậy khi thảo luận về dự án sửa đổi Luật hình sự ngày 3/10.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, có một số nội dung rất cần chú ý khi sửa đổi Luật hình sự.

Thứ nhất, giảm tử hình là vấn đề dư luận đồng tình và là tư tưởng xuyên suốt trong dự án luật.

Thứ hai là tính nhân đạo của luật, chính sách ban hành cần phải chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

“Chúng ta biết rằng ở khóa XIII ta đã đề cập giảm án tử hình cho đối tượng 75 tuổi, nhưng sau bàn thì nhiều người nói 75 tuổi còn đẻ được thì sao lại miễn tử hình? Cho nên chính sách phải chặt chẽ.

Tôi đồng ý sửa cái gì sai, cái gì bất cập ảnh hưởng tới tình hình chung và trái với các luật khác. Cần phải làm thận trọng vì nhiều cơ quan tư pháp đánh giá khác nhau và hiểu khác nhau”, Tướng Việt nói.

Thượng tướng Võ Trọng Việt: "Sửa luật đừng có sai nữa, sai nữa là phản cảm". ảnh: vov.
Thượng tướng Võ Trọng Việt: "Sửa luật đừng có sai nữa, sai nữa là phản cảm". ảnh: vov.

Đối với vấn đề tàng trữ sử dụng vũ khí, Thượng tướng Võ Trọng Việt đặt ra vấn đề: "Đối với các vùng dân tộc thiểu số, các gia đình đều có súng, vậy thì quản lý thế nào? Nếu không đưa vào luật thì không thể được, nhưng đưa vào luật rồi thì quản lý, xử thế nào?".

Cho ý kiến về nội dung này, ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ nên sửa 141 điều có sai sót, không nên mở rộng bởi vì có thể vi phạm Hiến pháp hoặc mâu thuẫn với các luật khác.

Ông Hiển nói: “Có những chỗ đưa hẳn một cụm từ vào như vậy là khác hẳn đi rồi. Thí dụ, tại khoản 1 Điều 203 bổ sung cụm từ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Như vậy là nếu rơi vào khung này sẽ bị xem xét về mặt hình sự. Vậy đấy là sửa nội dung, kỹ thuật, hay mở rộng?

Bên cạnh đó cũng cần chú ý quy định an toàn thực phẩm hay tàng chữ vũ khí. Không cẩn thận thì con dao, cái cuốc cũng là vũ khí. Như vậy thì rất nguy hiểm và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong thực tiễn.

Về vấn đề pháp nhân hình sự thương mại cũng cần rà soát lại xem có sai gì với hiến pháp không? Có ảnh hưởng tới quyền kinh doanh của người dân không?

Tiếp tục tranh luận về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Trong số 141 điều sửa đổi, đáng chú ý có tuổi chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 - khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật).

Theo bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ.

Thượng tướng Võ Trọng Việt: "Sửa luật đừng có sai nữa, sai nữa là phản cảm" ảnh 2

“Chất lượng làm luật ngay từ đầu đã có vấn đề”

Theo đó, không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

Những trường hợp này sẽ được xử lý bằng các biện pháp giáo dục khác, giúp các em phát triển lành mạnh và tạo điều kiện cho tương lai của các em.

Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ luật hình sự từ trước đến nay của Nhà nước ta.

Đồng thời, loại ý kiến này tán thành với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như đã được liệt kê tại khoản 2 Điều 12.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng… nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm nhất định như Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa phù hợp và không công bằng vì khi họ phạm các tội theo quy định của Bộ luật hình sự là cùng xâm hại một nhóm khách thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và mức hình phạt quy định trong luật là tương đương nhau nhưng có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có người lại không.

Thí dụ, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…); dẫn đến không xử lý được hành vi đồng phạm, che dấu tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Do đó, ý kiến này đề nghị giữ như quy định của Bộ luật hình sự  năm 1999 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu vẫn giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì Chính phủ phải giải thích rõ hơn lý do chỉ giới hạn ở một số tội danh như tại khoản 2 Điều 12.

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giam, giữ người trái pháp luật (Điều 377 Bộ luật hình sự năm 2015 - điểm u khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật), theo bà Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 và “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn” tại điểm đ khoản 1 Điều Điều 377 BLHS năm 2015 vì quy định này quá rộng, khó đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Do đó, đề nghị cần sửa đổi theo hướng bổ sung thêm một số điều kiện như đã bị xử lý kỷ luật hoặc gây những hậu quả nhất định… mới phải xử lý bằng biện pháp hình sự.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp thì quy định trên là phù hợp, tránh việc lạm dụng các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ủy ban Tư pháp cho rằng cần tiếp tục rà soát, xem xét kỹ lại quy định này để vừa tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự nhưng vừa phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Ngọc Quang