Tiêm kích J-31 "made in China" sẽ chỉ bán được cho Pakistan?

16/11/2012 07:21
Việt Dũng
(GDVN) - Chiến đấu cơ J-31 xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải TQ được cho là chào hàng và Pakistan là khách hàng tiềm năng.
Mô hỉnh máy bay chiến đấu tàng hình J-31 xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc năm 2012
Mô hỉnh máy bay chiến đấu tàng hình J-31 xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc năm 2012

Tờ “Business Standard” Ấn Độ ngày 13/11 có bài viết cho rằng, sau khi máy bay chiến đấu J-31 kiểu mới của Trung Quốc bay thử thành công lần đầu tiên vào ngày 31/10, đến ngày 12/11 mô hình loại máy bay chiến đấu này đã lần đầu tiên tiến hành trưng bày công khai tại Triển lãm Hàng không Chu Hải (Trung Quốc) lần thứ 9.

Báo chí chính quyền Trung Quốc đưa tin cho biết, Không quân Pakistan có thể sẽ trở thành một trong những nhóm khách hàng nước ngoài đầu tiên của máy bay chiến đấu J-31. Theo tiết lộ, Không quân Pakistan ít nhất sẽ xây dựng 2 phi đội máy bay chiến đấu J-31.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” tiếng Anh dẫn lời biên tập viên nguyệt san “Thế giới Hàng không” (Aviation World) "tự tung" cho rằng, hiện nay máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất trên thế giới có thể xuất khẩu ra nước ngoài là máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ nghiên cứu chế tạo. Máy bay chiến đấu J-31 sẽ cung cấp một sự lựa chọn khác cho những nước không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Trung Quốc tiết lộ những hình ảnh bay thử lần đầu tiên của máy bay chiến đấu J-31 trên thực tế là hành động đã được tính toán rất kỹ càng, đã gợi mở với dư luận là, "Không quân Trung Quốc chế tạo máy bay chiến đấu J-31 là để cung cấp cho thị trường quốc tế, tiến hành cạnh tranh với máy bay tấn công liên hợp F-35 của hãng Lockheed Martin"!. Theo thống kê của các chuyên gia hàng không,  J-31 cần 7-10 năm nữa may ra mới có thể đưa vào hoạt động.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc

Các nhà phân tích Ấn Độ, trong đó có học giả Pushpindar Singh của “Hiệp hội nghiên cứu hàng không vũ trụ” Ấn Độ chỉ ra, Không quân Pakistan thường ưa dùng máy bay chiến đấu của Trung Quốc hơn, vì vậy một khi  J-31 thực sự đi vào hoạt động, họ sẽ mua sắm loại này.

Pushpindar Singh nói, lực lượng trụ cột hiện nay của Không quân Pakistan chính là lực lượng được hợp thành bởi các loại máy bay chiến đấu do Trung Quốc chế tạo gồm JF-17 Thunder (hay FC-1 Kiêu Long), J-10 và F-7. Hầu như có thể khẳng định, Không quân Pakistan ít nhất sẽ trang bị 2 phi đội máy bay chiến đấu J-31, bởi vì Mỹ không thể cho phép họ tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng, đến năm 2020, Không quân Pakistan sẽ sở hữu 23 phi đội, trong đó lực lượng xương sống được xây dựng bởi 12-13 phi đội máy bay chiến đấu JF-17.

Tuy nhiên, nhìn ở bề ngoài, máy bay chiến đấu JF-17 là loại máy bay do phía Pakistan và Công ty Công nghiệp Máy bay Thành Đô Trung Quốc hợp tác nghiên cứu chế tạo. Nhưng các nhà phân tích tin rằng, phần lớn công tác nghiên cứu phát triển loại máy bay này do Công ty Công nghiệp Máy bay Thành Đô hoàn thành.

Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Không quân Pakistan
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Không quân Pakistan

Không quân Pakistan đã trang bị 4 phi đội máy bay chiến đấu JF-17, trong đó Pakistan và Trung Quốc mỗi bên chịu trách nhiệm một phần công tác chế tạo.

Đến năm 2020, Không quân Pakistan cũng sẽ sở hữu 4 phi đội máy bay chiến đấu F-16 (do hãng Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo), 2 phi đội máy bay chiến đấu J-10 (do Công ty Máy bay Thành Đô nghiên cứu chế tạo) và 3 phi đội máy bay chiến đấu kiểu cũ F-7TG.

Quan hệ chặt chẽ giữa Không quân Trung Quốc và Không quân Pakistan thực sự đã được thể hiện rất rõ, 3 máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan xuất hiện ở Triển lãm Hàng không Chu Hải – những máy bay này sẽ bay biểu diễn trong thời gian triển lãm – đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, cũng có nguồn tin phỏng đoán cho rằng, một trong những mục đích để cho 3 chiếc máy bay JF-17 của Không quân Pakistan xuất hiện và biểu diễn ở Triển lãm Hàng không Trung Quốc lần này rõ ràng cũng là để quảng bá cho loại máy bay này, thúc đẩy tiêu thụ chúng ở thị trường quốc tế. Rõ ràng, Trung Quốc mong muốn thông qua động thái này để tìm kiếm lợi nhuận từ vũ khí.

Mô hỉnh máy bay chiến đấu tàng hình J-31 lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc năm 2012
Mô hỉnh máy bay chiến đấu tàng hình J-31 lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc năm 2012

Bài báo còn cho biết, đồng thời, hiện nay, số lượng phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ đã giảm xuống còn 34, Ấn Độ phải tận dụng những máy bay chiến đấu này để bảo vệ biên giới của Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc. Đến năm 2017, 14 phi đội máy bay chiến đấu MiG-21 và MiG-27 của Không quân Ấn Độ cũng sẽ bị đào thải, được thay thế bằng 4 phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKI mới.

Singh cho biết thêm: “Cùng với việc trì hoãn chương trình mua sắm máy bay chiến đấu Rafale của Công ty Dassault Pháp, đến năm 2017, tình hình của Không quân Ấn Độ sẽ trở nên khó khăn”.

Trong triển lãm hàng không lần này, Trung Quốc cũng sẽ lần đầu tiên trưng bày máy bay trực thăng vũ trang WA-10 kiểu mới, loại máy bay trực thăng này có thể dùng để thực hiện nhiệm vụ chống tăng và phòng không, có thể trang bị đạn tên lửa, tên lửa và pháo bắn nhanh.

Cũng giống với các máy bay chiến đấu khác do Trung Quốc chế tạo, loại máy bay trực thăng lớp 5 tấn này cũng sẽ sử dụng động cơ do nước ngoài chế tạo. Ngoài ra, tên lửa đất đối không tầm xa mới FD-2000 của Trung Quốc cũng sẽ trưng bày tại triển lãm hàng không lần này.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc vừa tiến hành bay thử, được cho là giống F-35 của Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc vừa tiến hành bay thử, được cho là giống F-35 của Mỹ
Việt Dũng