Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh: “Tôi chưa bao giờ sợ chất vấn!”

25/05/2021 14:20
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Có mục tiêu và tâm nguyện tốt thì khi phát biểu tại nghị trường, đại biểu không có gì mà phải e ngại”, Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh nhận định.

Ngày 23/5 vừa qua, nhân dân cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những lá phiếu là biểu tượng của niềm tin, hi vọng mà cử tri trao gửi cho các đại biểu đại diện quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.

Những nhân sự được lựa chọn phải đủ cả đức và tài, xứng đáng đại diện tiếng nói của nhân dân, cử tri, sẵn sàng có những ý kiến thẳng thắn, đề xuất giải pháp đi thẳng vào thực tế, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triến, đất nước phồn thịnh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Là đại biểu Quốc hội 4 khóa liên tiếp (từ khóa XI đến khóa XIV), Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng, vì vậy mà mỗi đại biểu đều ý thức cao trách nhiệm của mình.

“Tôi nhận thấy, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội là một trong hai đoàn có số lượng đại biểu Quốc hội đông nhất cả nước. Đại biểu được nhân dân, cử tri Thủ đô tín nhiệm, lựa chọn là những người thực sự rất tiêu biểu, đầy uy tín từ các cơ quan trung ương và thành phố, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri Thủ đô và cả nước.

Với truyền thống phát huy dân chủ, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội luôn tạo thuận lợi để các vị đại biểu phát biểu, phản ánh, đề xuất, kiến nghị vì lợi ích của cử tri, Thủ đô và đất nước”, bà Khánh chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh gửi gắm niềm tin vào các đại biểu Quốc hội khóa XV với mong muốn mỗi đại biểu đều trở thành cầu nối giữa nhân dân và Quốc hội, thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại Quốc hội.

Là đại biểu được người dân tín nhiệm, với quan niệm ngay thẳng, trung thực, chân thành, thẳng thắn mà không ít lần đại biểu Trần Thị Quốc Khánh làm “nóng” nghị trường bằng những phát biểu, chất vấn thẳng thắn.

Trong một phiên họp của Quốc hội vào tháng 11/2017, bà Trần Thị Quốc Khánh cho rằng thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiến bộ là cần thiết, nhưng tuyệt đối tránh các trường hợp như nêu trên, vì đó không phải bình đẳng giới mà có động cơ khác. Nhưng việc quy hoạch “hot girl” như ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, thực hiện không đúng quy trình để bổ nhiệm siêu tốc vào vị trí lãnh đạo cần được xử lý nghiêm minh, nếu không sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm. Đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn coi thường phụ nữ. Từ đó, sẽ tạo ra lối sống thiếu lành mạnh trong cán bộ quản lý, gây tâm lý bất an cho nữ cán bộ trẻ.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chất vấn Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng Quốc lộ 1A cũ: “Đến bao giờ Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Hà Nội để triển khai mở rộng Quốc lộ 1A cũ; Xây dựng tuyến đường giao thông trên tuyến đê Hữu Hồng và xây dựng tuyến đường gom khi mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vì Quốc lộ 1A cũ đã quy hoạch treo suốt 25 năm qua, hiện rất chật hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn tắc và xảy ra tai nan giao thông, cử tri và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị rất nhiều năm.

Trường hợp các dự án này vượt quá khả năng về vốn của Hà Nội thì với trách nhiệm của Bộ trưởng có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về bố trí vốn xây dựng hạ tầng giao thông theo quy định của Luật Thủ đô hay không?”.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về đề nghị tách luật Giao thông đường bộ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, trong câu chuyện này, cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có tình trạng nể nang, né tránh, không thể hiện hết quyền lực của mình trong vấn đề trình ra Quốc hội một dự thảo như thế. Đế khi trình ra Quốc hội thì có quá nhiều ý kiến băn khoăn và bức xúc.

Từ đó, bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm trong việc làm mất thời gian của Quốc hội và chỉ rõ "nói như vậy có thể có nhiều người không đồng tình và phê bình", nhưng vẫn phải nói. Kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội sau đó cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách luật cũng như chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an.

Bà Khánh nêu thí dụ: “Thực tế, chúng tôi đã đến nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Tân Rai, Nhân Cơ… Những nơi mà tôi tin rằng nhiều đại biểu Quốc hội chưa có điều kiện tiếp cận trực tiếp, đặc biệt là vấn đề tro xỉ gây ô nhiễm môi trường ở các địa phương.

Qua giám sát và tái giám sát, chúng tôi thấy được Chính phủ và các bộ ngành đã phối hợp chặt chẽ với nhau, các nhà máy đã thực hiện nghiêm những kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề ra”.

Chính vì thực hiện vấn đề cụ thể, giám sát quy trình thực hiện thực tế, Đại biểu Khánh cho biết, hiện nay, vấn đề tro xỉ gây ô nhiễm môi trường đã được khắc phục, các nhà máy đã ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường, người dân không còn bức xúc như trước đó.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, các vấn đề dân sinh… đều cần được Đại biểu Quốc hội lắng nghe, đi sâu sát vào thực tế để có cái nhìn khách quan, đúng đắn, kiến nghị trình lên Quốc hội, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đưa đời sống nhân dân phát triển đi lên.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về đề nghị tách luật Giao thông đường bộ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, trong câu chuyện này, cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có tình trạng nể nang, né tránh, không thể hiện hết quyền lực của mình trong vấn đề trình ra Quốc hội một dự thảo như thế. Đế khi trình ra Quốc hội thì có quá nhiều ý kiến băn khoăn và bức xúc.

Từ đó, bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm trong việc làm mất thời gian của Quốc hội và chỉ rõ "nói như vậy có thể có nhiều người không đồng tình và phê bình", nhưng vẫn phải nói. Kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội sau đó cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách luật cũng như chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang một đơn vị khác.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh, bên cạnh những phát biểu chân thật, thẳng thắn ở các phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại nghị trường hay nhóm họp tại các tổ, chất vấn là một trong những quyền của Đại biểu Quốc hội và để làm tốt nhiệm vụ nhân dân giao phó, trên nghị trường luôn có những phiên chất vấn đến cùng đối với các Bộ trưởng, tư lệnh ngành.

Là đại biểu trải qua nhiều khóa Quốc hội, bà Trần Thị Quốc Khánh khẳng định: “Tôi chưa bao giờ sợ chất vấn!”.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm hoạt động tại nghị trường, bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết, ngay từ khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XI, trong thời gian đầu bà luôn chú ý quan sát, học hỏi từ các đại biểu đã tham gia từ các khóa trước để dồn được sự tập trung khi phát biểu ý kiến, chất vấn theo đuổi một vấn đề hay nhóm vấn đề, nhằm đồng hành cùng Quốc hội, cùng Chính phủ và các ngành giải quyết dứt điểm - điều đó thể hiện trách nhiệm của đại biểu.

Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ, sau nhiều khóa tham gia hoạt động tại Quốc hội, các phát biểu và chất vấn của bà đều đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ, tư lệnh ngành... đề nghị làm rõ trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước còn để nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

Nếu như sau phát biểu ấy mà ý kiến được các bộ, ngành ghi nhận và nghiên cứu, rồi trao đổi với đại biểu tìm giải pháp thì rất hoanh nghênh, nhưng nếu không có chuyển biến thì đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn tại nghị trường, gửi phiếu chất vấn tới tư lệnh ngành, thậm chí gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ. Sự quyết liệt, kiên trì của mỗi đại biểu Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương nói riêng.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn ngày 6/11, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã đặt vấn đề, cuộc cách mạnh lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đầy phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đó là một phần nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.

“Rất mừng là các vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không cảm thấy khó chịu khi tôi chất vấn, vì các ý kiến và câu hỏi nêu ra đều đã được đánh giá là rất tâm huyết, chất vấn chính xác. Những ý kiến phát biểu và chất vấn ấy sau đó đã nhận được văn bản trả lời của Chính phủ, của các tư lệnh ngành với các giải pháp, biện pháp để chấn chỉnh lực lượng trong ngành, tập trung khắc phục ngay các vấn đề đã nêu ra”, bà Khánh chia sẻ.

Cao Kim Anh