Tiến sĩ văng tục: FSP biến giảng đường thành nơi "đầu đường xó chợ"?

15/03/2012 06:00
Độc giả Tuấn Anh (Tp. Hồ Chí Minh)
(GDVN) - Nếu phương pháp giảng dạy của ông Dương với sự ủng hộ của bà Phương FSP (FPT) được nhân rộng thì giảng đường của chúng ta sẽ giống "đầu đường xó chợ"?.
Xung quanh các video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp Hồ Chí Minh, văng tục trên bục giảng trường đại học đang làm xôn xao dư luận mấy ngày qua và gây ra sự tranh luận trong phương pháp giảng dạy ở môi trường sư phạm.  Tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc cả nước với những ý kiến trái chiều khác nhau. Dưới đây là một bức thư với những ý kiến cá nhân của độc giả Tuấn Anh từ TP. Hồ Chí Minh gửi về tòa soạn. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Tôi cũng đã là giảng viên gần 20 năm trên bục giảng cấp 3, đại học, và tham gia giảng dạy cho nhiều công ty, cho các chuyên viên giống như ông Lê Thẩm Dương thực hiện tại Viện Quản Trị Kinh doanh FSP (ĐH FPT). Có lẽ tôi cũng không viết bức thư này gửi đến báo Giáo dục Việt Nam nếu như không đọc các phản biện của cô Phương Lan đại diện cho quan điển của Viện Quản trị Kinh doanh FSP - ĐH FPT. 
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ĐH FPT) tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ĐH FPT) tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)

Hãy khoan xét việc đúng sai của ông Dương chúng ta hãy xem xét bài phát biểu của đại diện Viện Quản trị kinh doanh FSP (Đại học FPT). Trong bài phát biểu tôi trông chờ một từ xin lỗi độc giả nhưng hoàn toàn không có từ đó xuất hiện? Trong bài báo trả lời phỏng vấn chỉ chứa đựng những sự chống chế, thanh minh và giải thích việc chửi bậy như vậy là hợp lý, phù hợp với đối tượng người nghe.
Và rằng FSP sẽ không chấp nhận việc quay video và gửi ra ngoài nữa. Suy luận một cách logic rằng việc văng tục sẽ còn tiếp diễn trong giờ học và không học viên nào được quay và công bố vì cách thức văng tục đó đầy ấn tượng và có hiệu quả cho người học?. 
Tôi không dám tranh luận đúng và sai chỉ đưa ra các thông tin cho bạn đọc tự suy ngẫm và rút ra kết luận của mình.
Một cá nhân khi phải văng tục trước đám đông cho dù là người thân hay bạn bè đều phải ít nhất sử dụng từ xin lỗi. Trong video ông Dương hồn nhiên nói và chửi. Điều đó chứng tỏ ông đấy không thấy đó là một điều đáng trách. Nếu chúng ta làm lỗi và chúng ta còn biết lỗi thì còn một chút gì đó hy vọng. Còn ở đây việc chửi là chuyện bình thường?.
Thầy giáo, thầy thuốc là những người được xã hội coi trọng. Người thầy giáo được cả xã hội coi như là một chuẩn mực trong việc hành xử và nói năng. Khi còn nhỏ, chắc các bạn cũng đã được bố mẹ dạy dỗ “hãy cư xử đàng hoàng như anh Tuấn Giáo Viên cạnh nhà...”. Như vậy người thầy giáo thầy thuốc cần phải luôn luôn tâm niệm rằng mình là một khuôn mẫu cho xã hội đạo đức. 
Mỗi hành động của mình cần phải được chú trọng vì nó ảnh hưởng tới nhiều người trong xã  hội. Nếu điều gì xảy ra khi người TGĐ học viên của Ông Dương học tập ông thầy kính trọng của mình và văng tục trong hội nghị các cổ đông cuối năm để cho nó có ấn tượng và hoành tráng. Câu trả lời thế nào chắc các bạn cũng rõ. 

Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT cho rằng sự đùa cợt của TS Dương sẽ tạo nên sự hấp dẫn của buổi giảng
Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT cho rằng sự đùa cợt của TS Dương sẽ tạo nên sự hấp dẫn của buổi giảng


Bà Phương Lan có nói: “cách nói chuyện như vậy để tạo ấn tượng và người đọc hiểu và thích thú”. Xin thưa với bà trong tất cả các giáo trình dạy về sư phạm học hoặc các phương pháp dạy học hiệu quả... của cả phương Tây và phương Đông chưa bao giờ có một tài liệu nào nói rằng người giảng viên cần phải sử dụng những từ tục tĩu để truyền tải kiến thức tới người học viên.  
Tôi đã từng học hàng trăm người thầy Việt Nam và nước ngoài với hàng ngàn giờ học trên lớp. Tôi chưa bao giờ nghe một lời tục tĩu từ hàng trăm thầy giáo và giảng viên đó. Chắc họ không có kiến thức và khả năng truyền tải hiệu quả như thầy Dương?. 
Viết bài này xong tôi không dám nghĩ tới một ngày phương pháp giảng dạy hiệu quả của ông Tiến sĩ Dương cùng với sự ủng hộ của bà Phương Lan FPT được nhân rộng trong toàn bộ các trường đại học tại Việt Nam. Nếu như vậy thì giảng đường của chúng ta sẽ giống như một nơi các cụ gọi “đầu đường xó chợ"?.


Độc giả Tuấn Anh (Tp. Hồ Chí Minh)