Tin mới vụ 20 ngư dân bị giữ tại Indonesia

27/05/2011 00:07
(GDVN) - Do số tiền phát sinh ngoài ý muốn phải nộp lên đến cả tỉ đồng, khiến 20 ngư dân rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan"...
(GDVN) - Do số tiền phát sinh ngoài ý muốn phải nộp lên đến cả tỉ đồng, không những làm giấc mơ xuất ngoại để đổi đời “tan theo mây khói”, mà còn khiến 20 ngư dân lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".. 
{iarelatednews articleid='3116,3042,2788,2704'}
Chi tiền tỉ xuất ngoại…
Sau hơn 3 tháng ngược xuôi để làm các thủ tục, ngày 3.1.2011, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96279 Ts, gồm 11 thuyền viên, do ông Bùi Triết (sinh 1954), làm thuyền trưởng và tàu cá QNg 96259 Ts, gồm 9 lao động, do ông Lê Văn Hạnh (sinh 1970), cùng ở xã An Hải, huyện Lí Sơn, rời cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, thẳng tiến sang vùng biển Pacific-Indonesia khai thác hải sản, bằng hình thức là câu cá ngừ đại dương, trong thời hạn là 1 năm.
Theo hợp đồng đã kí kết, ngoài khoản tiền chi phí phải nộp là 300 triệu đồng/phương tiện, thì khi đến Indonesia, 2 tàu cá phải nộp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương (C.ty Đại Dương)-tỉnh Bình Định, đơn vị môi giới để doanh nghiệp này nộp cho nước sở tại tiền đặt cọc là 20.000 USD/tàu/năm. 
Và nếu trong quá trình hoạt động, các chủ tàu không vi phạm luật pháp của Indonesia, hay tự ý phá vỡ hợp đồng bỏ về…thì sẽ được C.ty Đại Dương hoàn trả lại sau khi trở về Việt Nam. 
…để nằm bờ
Khi vừa mới đến nơi và chưa ra khơi ngày nào, thì đại diện doanh nghiệp này cho biết: Do trước đó, 2 tàu cá khác ở tỉnh Bình Thuận được C.ty hợp đồng và sang đánh bắt tại Indonesia đã vi phạm và bị phạt 3000 USD, nên cấp thẩm quyền nước sở tại yêu cầu số tiền đặt cọc là 27.500 USD/tàu. Vì vậy mỗi chủ phương tiện phải nộp thêm 7.500 USD/ tàu. Đồng thời C.ty Đại Dương còn thông báo vào ngày 22/12/2010, phía Indonexia đã ban hành qui định mới.
Theo đó tuy trên thực tế chỉ là hợp đồng đánh bắt có thời hạn rồi trở về, thế nhưng 2 chủ tàu phải nộp thêm tiền thuế nhập khẩu phương tiện là 22.000 USD/chiếc. Thấy số tiền phát sinh ngoài dự tính phải nộp 29.500 USD/tàu là quá lớn, vì vậy các chủ tàu không đồng ý và yêu cầu C.ty Đại Dương đưa họ và phương tiện trở về lại Việt Nam.
Đâu là giải pháp?
Mặc dù đã nhiều lần đại diện C.ty Đại Dương trực tiếp có mặt tại Indonesia để gặp và thương thảo với 2 chủ tàu về số tiền nộp. Riêng tiền đặt cọc được hạ xuống là 15.000 USD/tàu, tuy nhiên   do thấy thời hạn hoạt động khai thác theo giấy phép trong hợp đồng chỉ còn 4 tháng. Cho nên ngư dân vẫn không đồng ý và làm đơn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia yêu cầu can thiệp C.ty Đại Dương đưa họ về nước. 
Đồng thời tại Quảng Ngãi, thân nhân gia đình của ngư dân cũng có đơn gửi các cấp ngành chức năng. Qua điều tra, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kết luận: Hợp đồng sang Indonesia khai thác hải sản giữa 2 tàu cá và C.ty Đại Dương là hợp pháp và đúng theo qui định của pháp luật. 
Ngày 25/5, UBND Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng để tìm giải pháp sớm đưa về 20 ngư dân đang bị nhà chức trách Indonesia tạm giữ tại cảng Pamako Timixa Papua. Ông Trương Ngọc Nhi, PCT UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các cấp ngành liên quan, theo đó ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND huyện Lí Sơn chủ trì phối hợp với C.A, Biên phòng, Sở NN&PTNT tỉnh…bàn tìm giải pháp để đưa 20 ngư dân, cùng phương tiện trở về quê trong thời gian sớm nhất. 
Tuy nhiên vấn đề theo ông Phùng Đình Toàn, Phó CT Hội nghề cá Quảng Ngãi, là ở chỗ: Dù ở lại đánh bắt hay trở về nước, thì theo qui định vừa mới ban hành của Indonesia, 2 tàu cá trên cũng phải nộp số tiền cho nước sở tại là 44.000 USD (khoảng 900 triệu đồng Việt Nam). 
Tại cuộc họp này, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã chỉ đạo huyện Lý Sơn phối hợp với công ty cổ phần Đại Dương (Bình Định) có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng nước bạn tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa ngư dân trở về Việt Nam.
Ông Đỗ Anh Dũng, giám đốc công ty Đại Dương cho biết: “Trong khi chờ đợi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia kiểm tra tình hình, công ty dự kiến sẽ tạm ứng trước 22.000 USD (50% khoản thuế nhập khẩu tàu) để đưa trước một tàu cá cùng 20 ngư dân huyện Lý Sơn(Quảng Ngãi) về nước đoàn tụ cùng gia đình”.
Qua sự việc này ngư dân cần phải tìm hiểu kỉ ngư trường, Luật pháp của nước bạn…trước khi kí hợp đồng sang đánh bắt, ông Phùng Đình Toàn khuyến cáo.
C.T