Tin thế giới đọc nhanh sáng 9/10/2011

09/10/2011 08:36
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Anh biểu tình chống cuộc chiến Afghanistan; Nga triển khai hệ thống Glonass; Hội nghị LHQ về chống biến đổi khí hậu...
1. Lực lượng của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) hiện đã chiếm được 80% thành phố Sirte, địa điểm được coi là trận địa cuối cùng của Nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi. Tuy nhiên, tình hình mới nhất tại Libya cho thấy, những trận chiến ác liệt vẫn còn phía trước và dân thường là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất. Hai bên vẫn đang giao chiến ác liệt với nhau bằng súng đạn, xe tăng và pháo cối. Những tay súng ủng hộ ông Gaddafi vẫn đang giành ưu thế do được ẩn náu trong những ngôi nhà phía trong thành phố. (AP)
2. Được Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO cầm đầu yểm trợ, cảnh sát Afghanistan đã tấn công một ngôi nhà ở thủ phủ của tỉnh Kunduz, cách thủ đô Kabul khoảng 250km về phía Bắc, tiêu diệt bốn phần tử Taliban. Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Afghanistan Syed Sarwar Hussaini cho biết theo thông tin tình báo, cảnh sát đã tấn công một ngôi nhà ở Kunduz và tiêu diệt bốn phần tử Taliban, trong đó có tên cầm đầu là Qari Shafiq. Những đối tượng trên có kế hoạch tổ chức các hoạt động lật đổ chính quyền. (Xinhua)
3. Một đoàn người biểu tình khoảng 5.000 người bao gồm các nhạc sĩ, diễn viên, các nhà làm phim và các nhà lập pháp đã tập trung tại Quảng trường Trafalgar để đánh dấu cuộc chiến tranh 10 năm tại Afghanistan và kêu gọi chính phủ Anh rút quân khỏi đất nước này ngay lập tức. Họ cũng tổ chức một cuộc tưởng niệm đọc tên 120 binh lính Anh và người dân Afghanistan đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Cho đến nay, tổng số binh lính Anh thiệt mạng ở Afghanistan là 382. (Xinhua)
4. Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, Nga đã hoàn tất việc triển khai Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Glonass. Glonass có chức năng tương tự Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, được thiết kế cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Hệ thống bao gồm 23 vệ tinh đang hoạt động (dự kiến nâng lên 30 vệ tinh vào năm 2015), 2 vệ tinh chuẩn bị đưa vào hoạt động và 3 vệ tinh dự phòng nhằm bảo đảm phủ sóng toàn cầu. Hiện Nga chỉ nắm giữ 3% trong lĩnh vực dịch vụ không gian của thị trường toàn cầu. Giá trị mà thị trường kinh doanh này mang lại lên đến 260 tỷ USD mỗi năm. (RIA)
5. Bộ trưởng Quốc phòng Syria Dawoud Rajha nói rằng Syria xác định tiếp tục thực hiện quá trình cải cách và phát triển để Syria có thể trở thành đất nước đứng đầu của các quốc gia dân chủ trong khu vực, và cảnh báo rằng Syria sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ hành vi bạo lực nhằm làm mất ổn định đất nước. Ông Rajha cũng buộc tội quân nổi dậy đã sử dụng các nhóm vũ trang khủng bố để thực hiện kế hoạch giết chết cán bộ quân sự, các nhà khoa học và trí thức, phá hoại và hủy diệt đất nước này. (Xinhua)
6. Cảnh sát Ba Lan cho biết, 2 người đàn ông nước này, với tên gọi tắt là Mikolaj G. và Adam K. (đều 39 tuổi, sống tại TP Gdynia), đã bị bắt do liên quan đến hàng loạt vụ cài bom tống tiền ở nhiều nước châu Âu. Hai người này đã cài bom tự tạo tại các cửa hiệu của tập đoàn bán lẻ Thụy Điển IKEA tại các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức và Cộng hòa Czech từ tháng 5 tới tháng 9. Một vụ nổ tại Đức làm 2 người bị thương. Một trong 2 người từng có tiền án buôn lậu thuốc phiện. Người còn lại từng là giám đốc của nhiều công ty, có thể nói 4 thứ tiếng. Nếu bị buộc tội, họ có thể bị ít nhất 10 năm tù. (AP)
7. Bộ Nội vụ Yemen đã xác định danh tính của một kẻ đánh bom tự sát của al-Qaeda, người cho phát nổ chiếc xe chứa bom của mình lao vào đoàn xe của Bộ trưởng Quốc phòng Yemen Thiếu Tướng Mohammed Nasser Ahmed, người sống sót sau cuộc tấn công cuối tháng Chín tại thành phố cảng phía nam của Aden. Kẻ đánh bom tự sát, 17 tuổi có tên là Abdul Rahman Abdu Aziz al-Doarde, một người Aden và là thành viên của al-Qaeda ở bán đảo Ả-rập (AQAP). Bộ Nội vụ cũng cho biết, 5 thành viên al-Qaeda bị nghi ngờ tham gia ám sát ông Ahmed đã bị bắt giữ. (Xinhua)
8. Đại diện của cộng đồng người nói tiếng Hà Lan (Flander) và cộng đồng nói tiếng Pháp (Wallonia) ở Bỉ đã đạt được thỏa thuận lịch sử về cải cách thể chế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đẩy nước này vào tình trạng vô chính phủ trong suốt 18 tháng qua. Thỏa thuận mới về phân quyền tư pháp này được coi là đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhất từ trước đến nay ở Bỉ. Nước Bỉ rơi vào tình trạng không có chính phủ kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 13/6/2010, chủ yếu do bất đồng giữa các chính đảng của cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Hà Lan ở nước này. (Reuters)
9. Các nhà đàm phán về khí hậu dự hội nghị trù bị tại Panama chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao LHQ về chống biến đổi khí hậu cho biết, họ đã đạt được một số bước tiến nhằm giúp các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên một số vấn đề cốt lõi để có thể đi đến bước đột phá tại hội nghị cấp cao sắp tới tại Nam Phi thì vẫn còn cách biệt sâu sắc. Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) bà Christiana Figueres cho biết, để đi đến một thỏa thuận rộng mở về việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì vẫn còn nhiều việc phải làm, đồng thời đòi hỏi sự ủng hộ của các nước phát triển theo một cách thức minh bạch. (AFP)
10. Sudan và Nam Sudan đã nhắc lại cam kết giải quyết các vấn đề nổi bật của hai bên và không tiếp tục chiến tranh bất kể vì lý do gì. Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit đã tổ chức các cuộc đàm phán chung ở Khartoum để thỏa thuận giải pháp cho các vấn đề nổi bật giữa hai nước.

Tổng thống Sudan cũng kêu gọi các chuyên gia của hai nước tìm ra một công thức chung cho sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực dầu khí theo tiêu chuẩn quốc tế và đạt được lợi ích của nhân dân hai nước. (Xinhua)
M.Phương (Tổng hợp)