Tình yêu nở hoa giữa tận cùng đau đớn tại Quả Cảm

21/10/2012 09:22
Đoàn Hường
(GDVN) - Ở làng phong Quả Cảm (Bắc Ninh), nhiều người đã không còn lành lặn, những bàn tay bị ăn mòn, không còn ngón và quắt queo lại, chân đã “rụng” mất một bên. Nhưng ở tận cùng nỗi đau, tình yêu đã đâm chồi, giúp họ vơi đi biết bao đau đớn trong lòng…

Được nghe người dân kể nhiều về cuộc sống ở làng phong Quả Cảm, mang trong lòng nhiều cảm xúc, chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện phong Da liễu – Quả Cảm Bắc Ninh (Quả Cảm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), nơi hàng trăm con người đang vượt lên mặc cảm, đau khổ, giằng xé tâm hồn... để xây dựng cuộc sống bình thường như bao gia đình khác. Trong họ luôn ấp ủ khao khát tìm cho mình một bến đỗ hạnh phúc để chia sẻ nỗi buồn cứ dằn vặt trong lòng.

Khi chúng tôi đến,  vợ chồng anh Lê Văn Vị (Sóc Sơn – Hà Nội) và chị Vàng Thị Và (Đồng Văn – Hà Giang) đang chăm sóc rau ở ngoài vườn. Đôi bàn tay chị Và đã bị căn bệnh phong nghiệt ác ăn mòn, không còn ngón, quắt queo lại. Chị gắng sức dùng tay bới đất và cắm cây su hào. Thấy chúng tôi đến gặp, chị e thẹn bảo: “Chú đợi một lát, tôi trồng thêm mấy cây nữa cho xong rồi về nhà ngồi uống nước”.

Chị Và chỉ tay bảo, chồng tôi (anh Vị - PV) đang tưới rau ở ngoài đằng kia. Anh Vị đang múc nước ở dưới giếng đất lên để tưới luống rau cải tốt um, lá to xanh rờn. Dáng anh khập khiễng. Chị Và nhỏ nhẹ cho biết: Một bên chân anh Vị đã bị căn bệnh phong “gặm nhấm” đến đầu gối và phải đi chân giả.

Anh Vị đang chăm sóc luống cải để chuẩn bị cắt đi bán.
Anh Vị đang chăm sóc luống cải để chuẩn bị cắt đi bán.


Dẫn chúng tôi về nhà, ngôi nhà khá khang trang nằm ở lưng chừng đồi. Ngồi tạm trên chiếc ghế ở ngoài hiên, chị Và hít một hơi dài, bình tĩnh kể cho tôi nghe: Lần đầu lên gặp, anh Vị cũng không biết nói khéo, chỉ hỏi “em có thương anh không?” rồi cũng chẳng nói được câu nào nữa. Tôi chỉ biết nói cứ biết thế đã. Nhưng thấy anh Vị hiền lành, tôi cũng thương anh lắm, anh cũng chẳng biết nói gì nhiều. Sau 2 tháng, có vẻ thương nhau, tôi đã nhận lời đồng ý “kết bạn” với anh Vị.

“Nhờ có cô y tá Nguyễn Thị Xuân (bệnh viện phong Da Liễu – Quả Cảm) làm mai mối cho vợ chồng tôi, rồi đứng ra làm chủ hôn, đưa tôi sang xã xin giấy đăng kí kết hôn. Khi làm thủ tục, tôi không biết chữ phải nhờ cô Xuân cầm tay để viết. Rồi cô Xuân cũng tổ chức đám cưới cho chúng tôi, làm chục mâm, cũng có hộp cau, hộp bánh, mời anh em trong nhà xuống đại diện, và mọi người ở làng phong đến chứng kiến. Khi vào đây, tôi đã từng nghĩ mình không thể lấy được chồng. Nhờ có cô Xuân, tôi mới có gia đình, mới có nhà, và cô Xuân như mẹ của mình rồi”, chị Và nghẹn ngào nói.

Khi chúng tôi chưa lấy nhau, nghe mọi người ở làng bảo anh Vị suốt ngày rượu chè nhưng sau khi lấy nhau về anh ấy tu chí bản thân, mỗi bữa chỉ uống một hai chén, không có thì thôi. Thấy tôi làm vất vả, anh Vị cũng nhường nhịn làm mọi việc trong nhà.

Anh Vị - chị Và: "Nếu không có cô Xuân thì vợ chồng tôi không được như ngày hôm nay".
Anh Vị - chị Và: "Nếu không có cô Xuân thì vợ chồng tôi không được như ngày hôm nay".


“Hằng ngày, hai vợ chồng tôi trồng rau để bán, bây giờ hai vợ chồng tôi cũng nuôi được chục con vịt, mấy con gà, và có con chó vừa đẻ được mấy con. Như thế, gia đình tôi cũng tạm đủ ăn rồi, nhưng tôi chỉ mong ước có một con bò để nuôi thôi”, đôi mắt chị Và ánh lên niềm khao khát.

Cũng giống như cặp vợ chồng anh Vị chị Và, đôi vợ chồng anh Trần Đình Chất – chị Dương Thị Đoàn cũng là một gia đình ở nơi tột cùng của bất hạnh rồi đến với nhau. Anh Chất là bệnh nhân của trại phong Quả Cảm, trong những buổi diễn văn nghệ giao lưu giữa hai trại, đã gặp chị Đoàn là bệnh nhân của trại phong Sóc Sơn.

“Hồi yêu nhau, dù đã mất một chân nhưng tôi vẫn đạp xe mấy chục cây số lên thăm cô ấy”, anh Chất kể về ngày tháng mới yêu nhau. Khi chúng tôi đang trò chuyện, cháu Trần Đình Quang (học lớp 5, con của anh Chất) vừa đi chăn bò về, khuôn mặt khá sáng sủa, khỏe khoắn như một người bình thường.

Bà Nguyễn Thị Xuân, y tá bệnh viện phong Da liễu – Quả Cảm cho biết: Gia đình anh Vị - chị Và, tôi đứng ra làm mai mối cho hai người, từ khi lấy vợ về, tôi thấy anh Vị thay đổi hẳn, không còn uống rượu như trước nữa. Hai vợ chồng chịu khó làm ăn, chăn nuôi, trồng rau, tằn tiện mua sắm đồ dùng trong nhà.
Đoàn Hường