Toàn cảnh Sài Gòn ngày 7/11: Dòng người, dòng xe 'vật lộn' với nước

07/11/2013 16:14
Ngọc Luân
(GDVN) -  Nếu như hàng triệu người dân Sài Gòn đêm qua đã thở phào nhẹ nhõm vì không có cơn bão số 13 như dự báo, thì sáng nay (7/11), khi mở mắt dậy đi làm như thường nhật, người Sài Gòn lại phải tiếp tục vật lộn với một “cơn bão” khác - cơn bão nước dâng! Sài Gòn sáng nay, dòng người, dòng xe và dòng nước hòa vào nhau làm một…

"Vật lộn với nước"

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, một đợt mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng tại TP. HCM, kéo dài suốt từ khoảng 2h sáng đến tận trưa hôm nay. Thêm vào đó, đợt triều cường mới cũng xuất hiện theo chu kỳ, biến Sài Gòn hôm nay thành biển nước.

Người Sài Gòn đang phải vật lộn trong dòng nước lụt
Người Sài Gòn đang phải vật lộn trong dòng nước lụt

Có thể nói, người Sài Gòn đang phải sống chung với một trận ngập trên diện rộng nhất và ngập sâu nhất từ trước đến nay. Ngập từ những đại lộ đến từng con hẻm nhỏ. Ngập từ ngoài phố vào đến tận trong nhà…

Đời sống sinh hoạt người dân bị xáo trộn vì nước ngập
Đời sống sinh hoạt người dân bị xáo trộn vì nước ngập

Trong đó, hình ảnh dễ cảm thương nhất vào sáng nay chính là dòng người, dòng xe và dòng nước hòa vào nhau làm một… Hàng triệu người vật lộn với dòng nước lụt để đưa con đến trường, và cũng hàng triệu con người ấy méo mặt dẫn xe trong dòng nước để đến công sở làm việc…

Nước đen từ các miệng cống trào ngược trở lên
Nước đen từ các miệng cống trào ngược trở lên

Suốt cả buổi sáng hôm nay, toàn thành phố hỗn loạn vì cảnh kẹt xe do nước ngập làm nhiều xe chết máy. Trên tuyến các tuyến đường của quận Bình Thạnh, địa bàn thấp nhất của thành phố, như: Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh… rất nhiều phụ huynh chở con em đi học nhưng đều không đến trường được, mưa lớn làm nhiều học sinh lội mưa ướt cả tập vở...  Cho đến hơn 9h sáng, nhiều em học sinh vẫn còn kẹt trong dòng nước lụt.

"Cơn lũ" trên đường Kha Vạn Cân - quận Thủ Đức
"Cơn lũ" trên đường Kha Vạn Cân - quận Thủ Đức

Nhưng có lẽ, ngập nặng nhất là ở các tuyến đường xung quanh khu vực dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Mà điển hình nhất là đường Hòa Bình - quận 11, có nơi ngập sâu đến hơn 1m, các phương tiện qua đây đều chết máy, dẫn bộ hoặc… chỉ biết đứng “chịu trận” tại chỗ chờ nước rút.

Và, đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân Sài Gòn cũng bị đảo lộn, đình trệ  từ trong dòng nước mênh mông này...

Sài Gòn sẽ còn ngập nặng

Theo ông Nguyễn Minh Giám - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ,  cơn mưa xảy ra rạng sáng hôm nay, ngày 7/11, tại TP. HCM là do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, có vũ lượng từ 80 - 100mm. Bên cạnh đó, mực nước đỉnh triều trong buổi sáng nay thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức 1,64m (vượt mức báo động 3: 0,14m, cao hơn mức dự báo đến 0,09m). “Mực nước đỉnh triều lên cao như vậy là do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và mưa lớn trên thượng nguồn nên mức đỉnh triều sẽ còn lên cao hơn và kéo dài lâu hơn so với dự báo.” – ông Giám cho biết.

Theo dự báo, Sài Gòn sẽ còn ngập nặng trong mấy ngày tới do triều cường
Theo dự báo, Sài Gòn sẽ còn ngập nặng trong mấy ngày tới do triều cường

Liên quan đến công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP. HCM cho biết, kể từ 5h sáng nay, khi không có bão như dự kiến, cơ quan này đã ra thông báo cho phép các phương tiện thủy nội địa và hàng hải trở lại hoạt động bình thường.

Người dân xã đảo Thạnh An vẫn chưa được phép về nhà do thời tiết trên biển còn xấu
Người dân xã đảo Thạnh An vẫn chưa được phép về nhà do thời tiết trên biển còn xấu

Cũng trong sáng nay, ông Lê Văn Thơm – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, thời tiết ở vùng biển Cần Giờ hiện đang có mưa và gió to, vì vậy huyện mới chỉ cho phép những người dân tại các vùng ven biển trở về lại nhà sinh hoạt như bình thường. Còn gần 2.000 người dân sống tại xã đảo Thạnh An thì huyện vẫn tiếp tục bố trí ở lại các điểm tránh bão, cho đến khi thật sự trời yên biển lặng thì mới tổ chức thuyền đưa bà con về lại đảo.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, đợt áp thấp nhiệt đới di chuyển quá nhanh là nguyên nhân khiến nó không mạnh lên thành bão số 13 như dự báo.

Theo thạc sĩ  Lan: “Do áp thấp này di chuyển với tốc độ quá nhanh trên biển nên không kịp nhận thêm năng lượng (hơi nước, nhiệt độ nóng) để mạnh lên thành bão. Một nguyên do khác cũng có thể là đợt không khí lạnh phía Bắc khuếch tán xuống vùng biển phía Nam gần đây khiến không khí trên biển Đông mát, không đủ nhiệt độ làm áp thấp mạnh lên thành bão”.

“Một khi đã vào khu vực đất liền và không trổ hướng lại ra biển thì áp thấp không thể mạnh lên thành bão nữa mà sẽ tạo thành mưa do ma sát với nhiệt độ và giảm năng lượng dần” – vị chuyên gia khí tượng này nhận định.

Ngọc Luân