"Tôi thực sự băn khoăn và không dám ra đường vì xe chưa chính chủ"

12/11/2012 07:10
Độc giả Nguyễn Anh Tuấn
(GDVN) - "Tôi ủng hộ sự tích cực của Nghị định xử phạt xe không chính chủ nhưng nếu không có biện pháp phù hợp thì việc thực hiện sẽ gặp không ít những vướng mắc phát sinh. Với tôi, giờ đây thực sự là không dám đi xe máy ra đường", độc giả Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP bắt đầu được thực thi từ ngày 10/11, trong đó có quy định xử phạt không chính chủ với mức phạt phạt 6-10 triệu đồng với ôtô; 1 triệu đồng với xe máy đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân. Đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn, thậm chí là bức xúc.Một trong ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Anh Tuấn. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Câu chuyện xử phạt xe không chính chủ thực sự đã khiến cho dư luận xã hội không khỏi xôn xao, bàn tán. Trước hết, phải khẳng định, cá nhân tôi ủng hộ mặt tích cực trong việc xử phạt xe không chính chủ, tuy nhiên, nếu không có những biện pháp thù hợp thì việc thực hiện sẽ là bất khả thi.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)
Gia đình tôi cũng sở hữu nhiều xe máy, trong đó có những chiếc đã được sản xuất cách đây hàng chục năm, qua nhiều đời chủ nay mới về sở hữu của chúng tôi. Vì lẽ đó mà việc tìm ra được người chủ đầu tiên của chiếc xe này là chuyện không thực hiện được. Thêm vào đó, giá xe bán ra ngoài thị trường, cùng lắm một chiếc được 3 - 5 triệu. Như vậy, nếu ra đường, bị bắt phạt với mức phạt cao ngất ngưởng như vậy thì có lẽ chỉ sau một vài lần, chắc tôi sẽ "biếu" luôn xe đó cho các cơ quan chức năng. Đó là đối những xe không thể tìm được chính chủ còn với những xe trong gia đình thì sao đây? Tôi sẽ phải lúc nào cũng mang theo người cuốn sổ hộ khẩu để chứng minh chủ xe là bố, mẹ hoặc vợ mình và cầm một lúc tới nhiều tờ giấy khai sinh để chứng minh rằng, chiếc xe này là của họ hàng nhà mình. Với những trường hợp còn sống thì không sao nhưng đối với những trường hợp ông bà, bố mẹ đã mất, rồi chiếc xe đó chuyển sang cho con, cho cháu sử dụng. Việc sang tên, đổi chủ ở đây có thực sự cần thiết? Đó là chưa kể đến việc, luôn phải kè kè đủ loại sổ hổ khẩu, giấy khai sinh bên người, thật là phiền toái. Bình thường thì không sao nhưng sẽ phức tạp hơn nữa nếu chẳng may những giấy tờ đó khi mang đi theo người bị mất trộm. Lúc đó, không chỉ việc chứng minh xe chính chủ không thực hiện được mà còn gây phiền hà khi đi làm các thủ tục hành chính về sau. Và còn chưa nói đến, việc người dân mượn xe nhau đi lại là bình thường, có thể anh chị em cùng cơ quan mượn xe nhau ra ngoài, hàng xóm, láng giềng nhỡ việc mượn xe... Nên liệu có phải lúc nào cũng mượn được chứng minh thư hay các giấy tờ khác để mang theo nhằm chứng minh xe chính chủ. Bất cập về giấy tờ là vậy nhưng điều đó không quan trọng, mà cái quan trọng hơn, đó là từ đây sẽ lại phát sinh tiêu cực với lực lượng cảnh sát giao thông. Điều này không phải không thể xảy ra vì số tiền phạt quá cao khiến người dân mong muốn thỏa hiệp dẫn đến nạn mãi lộ có thể tăng cao. Mức xử phạt từ 6 - 10 triệu đối với xe ôtô và 1 triệu đối với xe máy, tôi cho rằng, đây dường như là mức lạm thu quá cao. Trong khi đó, kinh tế lại đang khó khăn, mức thu nhập của người dân bị giảm sút.  Việc đóng phạt cao như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đã khó nay lại khó hơn. Điều đó là không nên. Thêm vào đó, sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế về mặt bằng chung. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi mong muốn, trong lúc này việc phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật của người dân là hết sức cần thiết. Các mức xử phạt đối với hành vi sử dụng phương tiện không đúng chủ sở hữu nên được giảm bớt xuống. Và việc xử phạt đó, có thể trong những lần đầu thì nhắc nhở, yêu cầu người chủ xe chấp hành nghiêm quy định là nên đi sang tên đổi chủ nếu là sẽ mình mua lại và sử dụng. Còn những lần sau thì sẽ phạt và việc phạt này cần được lưu lại trong hồ sơ của các cơ quan chức năng để nếu lần sau nữa còn vi phạm sẽ bị phạt theo cấp số nhân gấp đôi. Người dân luôn ủng hộ sự tích cực của các quy định pháp luật. Nhưng cần phải có những biện pháp phù hợp để thực thi các quy định đó một cách hiệu quả, công bằng nhất.  Còn với gia đình tôi trong lúc này, thực sự là từ khi Nghị định có hiệu lực đến giờ, tôi thực sự đã phát hoảng và không dám đi xe máy ra khỏi nhà bởi những phiền phức nêu trên về xe không chính chủ có thể đến bất ngờ...* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả...
Độc giả chia sẻ về thủ tục chuyển đổi sang tên đổi chủ xe máy ở Hà Nội, xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Nguyễn Anh Tuấn