Tổng bí thư: "Nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc"

21/07/2011 04:03
(GDVN) - "Yêu cầu xây dựng và bảo vệ TQ trong giai đoạn mới đang đặt ra trước QH và các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII những nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả"...

(GDVN) - Phát biểu với tư cách là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, quyết tâm phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với những mục tiêu cao cả và nhiệm vụ nặng nề nêu trên, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, coi đây là một nhân tố quyết định đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục đạo đức xã hội; kết hợp với biện pháp hành chính với giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí. Nhà nước quản lý xã hội không chỉ bằng uy quyền pháp luật, mà còn bằng tấm gương đạo đức của cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước, làm cho dân phục, dân tin và nghe theo, làm theo. Đây là một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một chủ trương đúng đắn của Đảng ta về quản lý xã hội, về nhà nước và pháp luật.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Đặc biệt, Quốc hội khóa này cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội quán triệt các nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận để đạt được sự thống nhất cao về mục đích, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp.

Cùng với xây dựng pháp luật, cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiệu lực thi hành và bảo vệ pháo luật, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội và kỷ luật trong bộ máy nhà nước.

Đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với í chí, nguyện vọng của nhân dân. Xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra các dụ án, công trình, đề án. Chú trọng cung cấp đầy đủ thông tin và các điều kiện bảo đảm để Quốc hội xem xét, quyết định một cách chuẩn xác nhất.Tại kỳ họp này, Quốc hội có trách nhiệm to lớn là xem xét, lựa chọn bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Đại hội đồng Liên Nghị viện và các quốc gia Đông Nam Á, Diến đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương, Liên minh nghị viện thế giới…

"Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra trước Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII những nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả. Cử tri cả nước đang kỳ vọng Quốc hội khóa mới sẽ kế thừa, phát huy những thành quả của Quốc hội các khóa trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam, với chức năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, theo trách nhiệm và quyền hạn được Hiến pháp quy định, đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì nhân dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Với những thành tựu mà các khóa Quốc hội trước đã đạt được và từ kết quả bầu cử Quốc hội khóa mới, chúng ta hoàn toàng tin tưởng Quốc hội khóa XIII sẽ đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

{iarelatednews articleid='7468,4633,1718,8136,8051,7820,7506,5638,2894,1719'}

Tư Khương

alt