Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

TP.HCM: Đi xe trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 400.000 - 800.000 đồng

15/11/2012 15:13
Theo Tuổi trẻ
Với cơ sở hạ tầng hiện tại ở TP.HCM, leo lề, lấn tuyến là những lỗi “không thể không vi phạm” mặc dù mức xử phạt mới theo nghị định 71 rất cao.
Nhiều người thở dài cho biết với những lỗi này thì chỉ biết “trời kêu ai nấy dạ”.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã được áp dụng để xử lý các vi phạm Luật giao thông tại Tp.HCM. Nhiều người đồng tình với việc tăng mức xử phạt đối với một số lỗi vi phạm để tăng tính răn đe, nhưng cũng cho rằng có những lỗi “không thể không vi phạm” mà mức tăng quá cao khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng.

Phạt nặng xe sai làn, leo lề

Tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận), rất nhiều xe máy chạy lên vỉa hè.
Không nên chăm chăm vào xử phạt

Một cán bộ Ban an toàn giao thông Tp.HCM thừa nhận mình đã nhiều lần điều khiển xe máy lấn tuyến khi đi làm.

Theo cán bộ này, nếu không lấn tuyến khó có thể đến cơ quan đúng giờ. Cán bộ này cũng cho rằng CSGT phải tùy tình huống để kiểm tra, trường hợp nào nhắc nhở được thì nhắc nhở chứ không nên chăm chăm vào việc xử phạt.
Chỉ trong một đợt đèn đỏ 30 giây, chúng tôi đếm có hàng chục lượt phương tiện leo lên vỉa hè để lưu thông. Tương tự, vỉa hè đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) cứ mỗi chiều lại đặc nghẹt xe cộ. Thậm chí vào giờ cao điểm, nếu nhìn từ xa rất khó có thể phân biệt được đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường vì đâu đâu cũng thấy xe cộ ken đặc.

“Đối với những đoạn đường như vậy, chúng tôi không thể chờ cho xe hai bên đường di chuyển rồi mới đi vì mất thời gian. Nếu xui bị CSGT thổi thì chúng tôi trình bày cho họ hiểu. Nếu không được thì chấp nhận bị phạt thôi” - một tài xế nói.Trưa 14/11, tại đường Trần Phú (đoạn qua nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5), hai bên đường xe tang và một số xe khách thường xuyên đậu khiến diện tích đường còn lại cho phương tiện lưu thông khá hẹp. Quan sát tại đây khoảng 30 phút, chúng tôi thấy có gần 40 ô tô, xe tải chạy lấn tuyến.

Đường Lương Hữu Khánh (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) bề ngang chỉ rộng hơn 4m, tuy nhiên ô tô nối đuôi nhau đậu chiếm gần hết một làn đường (hướng từ đườngLương Hữu Khánh ra đường Bùi Thị Xuân). Vì vậy ôtô, xe máy muốn lưu thông phải đi hẳn qua làn bên kia từ đầu đường đến cuối đường. Anh Quang, tài xế taxi thường xuyên lưu thông qua đường này, cho biết đã vài lần chạy lấn đường bị CSGT phổi phạt.

Vào giờ cao điểm, xe máy trên đường Phan Đình Phùng hướng về Nguyễn Kiệm (ngã tư Phú Nhuận) tràn sang làn đường ngược lại - lỗi thường thấy tại các giao lộ vào giờ cao điểm. Lỗi này có mức phạt lên đến 600.000 đồng - Ảnh: Q.KHẢI
Vào giờ cao điểm, xe máy trên đường Phan Đình Phùng hướng về Nguyễn Kiệm (ngã tư Phú Nhuận) tràn sang làn đường ngược lại - lỗi thường thấy tại các giao lộ vào giờ cao điểm. Lỗi này có mức phạt lên đến 600.000 đồng - (Ảnh: Q.Khải)
“Đường này không có biển cấm đậu ô tô, đường kẻ vạch đứt đoạn phân chia hai làn đường. Nhiều ô tô vào đây đậu nên mới xảy ra tình trạng xe chạy không đúng làn đường. Không chỉ riêng đường này, một số tuyến đường khác ở Q.1 đã nhỏ mà ôtô đậu nhiều quá, tôi cũng phải liều chạy lấn tuyến mới đi được”.

CSGT phải... “ngó lơ”

Nhiều chiến sĩ CSGT trực tại các chốt giao thông nhìn nhận hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng việc lưu thông, nhiều giao lộ bị thắt cổ chai, tình trạng phân luồng chưa hợp lý nên rất khó để mọi người dân nghiêm chỉnh tuân thủ Luật giao thông. Một chiến sĩ đội CSGT Bến Thành thừa nhận đã “ngó lơ” nhiều trường hợp lấn tuyến, leo lề tại nút giao thông Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ.
Một chiến sĩ đội CSGT Tân Sơn Nhất, đóng chốt tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa -Huỳnh Văn Bánh, phân tích: “Dân số và phương tiện tăng theo cấp số nhân, còn đường sá không tăng, thậm chí có nơi phân luồng chưa hợp lý. Hạ tầng còn nhiều bất cập như vậy nên chúng tôi cũng phải cân nhắc trước khi thổi phạt người vi phạm một số lỗi nhất định”.
Cũng theo CSGT này, với các lỗi như: sai làn đường (lấn tuyến), đi trên hè phố (lề đường) không chỉ người vi phạm phàn nàn mức phạt quá cao mà chính bản thân anh thấy cũng chưa hợp lý nhưng đã là quy định nên phải chấp hành và chỉ xử phạt những lỗi trên trong điều kiện xe thông thoáng, còn giờ cao điểm thì... “ngó lơ”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó Ban an toàn giao thông TP, thừa nhận hạ tầng giao thông hiện nay còn nhiều bất cập và đang từng bước điều chỉnh. Về mức xử phạt theo nghị định 71, ông Tường cho rằng các mức phạt đã được nhiều đơn vị góp ý, đề nghị. Nhưng mức phạt một số lỗi quá cao trong khi hạ tầng chưa hoàn chỉnh liệu có hợp lý? “Nếu sau thời gian áp dụng thấy có những bất cập thì ban sẽ xem xét kiến nghị điều chỉnh” - ông Tường cho biết.
Lấn tuyến ở khu vực nội thành: xe máy phạt tối đa 800.000 đồng, ô tô 2 triệu đồng 

Nghị định 71 quy định mức xử phạt đối với người điều khiển xe mà không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố từ 200.000-400.000 đồng (tăng nhiều so với mức phạt cũ chỉ từ 80.000-100.000 đồng). Đối với việc vi phạm xảy ra tại khu vực nội thành của TP, mức xử phạt sẽ tăng lên 400.000-800.000 đồng.
Đối với ô tô, người lái xe không đi bên phải theo chiều của mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định sẽ bị phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ từ 600.000-800.000 đồng). Nghị định cũng quy định mức xử phạt riêng đối với ôtô vi phạm trong khu vực nội thành TP cao hơn, là 1,4-2 triệu đồng. 
Theo Tuổi trẻ