TQ dùng tên lửa Nga chứ không phải HQ-9 để bảo vệ các đô thị lớn

15/10/2013 07:47
Đông Bình
(GDVN) - Bắc Kinh tuy ra sức chào bán HQ-9, nhưng lại chỉ sử dụng tên lửa S-300PMU2 để phòng thủ các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải...
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc

Trang mạng "Tuần báo người đưa tin quân sự" Nga ngày 9 tháng 10 cho biết, tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc đã "thắng thầu" ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đấu thầu này bắt đầu từ năm 2009, những đối thủ tham gia cạnh tranh khác còn có hệ thống tên lửa phòng không S-300VM của Nga, hệ thống Patriot-3 của Mỹ, hệ thống Aster-3 của châu Âu.

Nhưng, điều gây ngạc nhiên đặc biệt cho các nhà lãnh đạo NATO và các ông trùm vũ khí là, giành được sự coi trọng của Thổ Nhĩ Kỳ là tên lửa HQ-9, phiên bản sao chép của tên lửa S-300P do Nga chế tạo. Ưu thế của phiên bản sao chép này được báo chí Trung Quốc cho là phù hợp với yêu cầu kỹ chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, giá bán lại rẻ hơn nhiều so với các đối thủ khác.

Theo bài viết, tuy hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu tương đối mật thiết, nhưng NATO vẫn cảm thấy lo ngại đối với việc các doanh nghiệp của Trung Quốc và Nga tham gia tranh thầu, và sự lo ngại này cũng hoàn toàn không phải không có căn cứ.

Tháng 8 năm 2011, NATO yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua hệ thống tên lửa phòng không S-300VM của Nga hoặc HQ-9 của Trung Quốc, lý do là vũ khí của hai nước trên không thể tích hợp với hệ thống điều khiển không vực thống nhất của NATO.

Ban lãnh đạo trực tiếp can thiệp đấu thầu vũ khí của nước thành viên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử NATO. Đồng thời, sau đó, Thổ Nhĩ Kỹ lại tiếp tục nhận được một số cảnh báo, trong đó có lời cảnh báo từ Nhà Trắng – Mỹ.

Hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa S-300PMU2 của Nga
Hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa S-300PMU2 của Nga

Bài viết cho rằng, điều đáng lưu ý trong quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là ở chỗ, họ đã lựa chọn phiên bản sao chép Trung Quốc của tên lửa S-300P, chứ không phải phiên bản gốc.

Trái lại, Bắc Kinh tuy ra sức chào bán HQ-9 của họ, nhưng khi xây dựng hệ thống phòng không ở các đô thị lớn trong nước, họ lại sử dụng phiên bản nguyên gốc của Nga, chứ không phải phiên bản sao chép.

Năm 2010, Moscow đã hoàn thành hợp đồng xuất khẩu 15 tiểu đoàn S-300PMU2 cho Bắc Kinh, chúng được dùng để bảo vệ Bắc Kinh và Thượng Hải.

Bài viết cho rằng, kết quả đấu thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và Mỹ có dấu hiệu khủng hoảng sâu sắc, mà còn dạy cho Nga một bài học về xuất khẩu vũ khí. Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Theo bài viết, Trung Quốc luôn giỏi sao chép vũ khí trang bị của nước khác và tiến hành cải tiến, hoàn thiện, từ đó chiếm lấy thị trường truyền thống của các cường quốc công nghiệp quân sự khác.

Ưu thế của Bắc Kinh là ở chỗ giá cả rất thấp, tuy chất lượng có kém hơn, Trung Quốc đã sử dụng phương thức tiêu thụ học được của các ông trùm bán vũ khí khác, sẵn sàng cung cấp công nghệ cho khách hàng.

Trung Quốc có thể trúng thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ lần này cho thấy, việc chào giá của Trung Quốc thấp hơn các đối thủ khác tới trên 1 tỷ USD, đồng thời đồng ý chia sẻ một phần công nghệ của tên lửa HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành sản xuất có giấy phép ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tên lửa phòng không S-300PMU2 của Việt Nam, do Nga chế tạo (ảnh minh họa)
Tên lửa phòng không S-300PMU2 của Việt Nam, do Nga chế tạo (ảnh minh họa)

Năm 2011, xe tăng T-90C của Nga đã thất bại trước xe tăng VT1A của Trung Quốc ở Morocco, cho dù xe tăng VT1A thực ra chỉ là phiên bản sao chép của xe tăng T-72.

Đối mặt với sự "hùng hổ" của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài, Nga hầu như khó chống lại một cách có hiệu quả. Những năm gần đây, mặc dù xuất khẩu vũ khí của Nga tăng lên nhanh chóng, năm 2013 đã đột phá 13 tỷ USD, hơn 80 quốc gia tới tấp mua vũ khí trang bị của Nga. Nhưng, sức ép cạnh tranh đến từ Trung Quốc rất lớn và sẽ ngày càng tăng.

Bài viết phân tích cho rằng, hiện nay, nhân tố duy nhất ngăn chặn sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc trên thị trường vũ khí quốc tế là kế hoạch tái trang bị vũ khí có quy mô khổng lồ của bản thân họ, năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự Trung Quốc chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhưng, cùng với sự thay đổi của thời gian, Nga nếu không thay đổi hệ thống bán vũ khí ở nước ngoài sẽ chỉ có thể thất bại trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Theo báo Nga, Trung Quốc không sử dụng tên lửa phòng không HQ-9 để phòng thủ các đô thị lớn của họ
Theo báo Nga, Trung Quốc không sử dụng tên lửa phòng không HQ-9 để phòng thủ các đô thị lớn của họ
Đông Bình