Tranh cãi xoay quanh việc chi ngân sách cho cán bộ, công chức đi học tiến sĩ

26/05/2022 06:50
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nên đào tạo công chức, viên chức cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với công việc chứ không nên đầu tư đào tạo nền tảng.

Mới đây, theo Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" mà Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Câu chuyện chi ngân sách để đào tạo trình độ tiến sĩ cho công chức, viên chức không phải là mới, song nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc xem xét về tính hiệu quả của những phương thức đào tạo này.

Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học nhưng sau đó xảy ra lùm xùm vì có người đi học không trở về.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life). Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life). Ảnh: NVCC

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho rằng, đào tạo sau đại học đối với cán bộ công chức, viên chức là một tập quán đã diễn ra hơn một thập kỷ qua ở một số địa phương. Trước đây có cả những chương trình hợp tác đào tạo nguồn bằng cách gửi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi học nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt vấn đề, với mỗi đề án ở mỗi địa bàn đó, việc cử công chức, viên chức đi học phục vụ gì cho nguồn quản trị của mình?

Hiện nay đang xảy ra nhiều tranh luận xoay quanh giữa lợi ích và công bằng xã hội đối với những đề án này. Bởi lẽ, ở những vị trí việc làm khác nhau, mọi người đều đang đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, có những cá nhân đang tự mình nỗ lực học tập, làm việc, vậy tại sao một bên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại được ưu tiên hơn?

“Hơn nữa, với đội ngũ công chức, viên chức, có thể hôm nay họ làm ở vị trí này nhưng ngày mai họ lại làm ở vị trí khác, vậy liệu rằng việc thực hiện đề án có đạt được tính hiệu quả?

Chính vì vậy, cần xem xét lại, mô hình quản trị sắp tới chúng ta cần những gì, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần những kiến thức, kỹ năng gì để vận hành bộ máy trong giai đoạn tới, đảm bảo hoạt động quản lý, quản trị được hiệu quả.

Còn đào tạo tiến sĩ, đào tạo theo hướng nghiên cứu để trở thành nhà khoa học thì chúng ta nên ưu tiên cho khối đại học và các viện nghiên cứu”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc nêu quan điểm.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, không nên đầu tư để đào tạo nền tảng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì nền tảng thuộc về mỗi cá nhân.

Sự thay đổi của xã hội mang tính liên tục và chúng ta cần nguồn nhân lực phù hợp cho từng giai đoạn, từng bối cảnh. Chính vì vậy, thay vì đầu tư đào tạo sau đại học cho đội ngũ công chức, viên chức thì nên xây dựng quy trình tuyển dụng được người giỏi vào làm việc tại hệ thống quản lý Nhà nước. Cách làm này sẽ có lợi ích về mặt kinh tế cao hơn, và hiệu quả cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, nên dành ngân sách cho việc đào tạo kiến thức, kỹ năng mang tính chất quản trị cho đội ngũ nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao, giúp đội ngũ của mình thích ứng với sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

Còn nếu quá ưu tiên cho nhóm công chức, viên chức, đầu tư xong, chưa chắc người ta có sự gắn bó với công việc thì sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả.

“Có thể những đề án như thế này trong quá khứ đã đạt được một số giá trị nhất định, nhưng xu hướng ngày nay, nên mở cửa đón người giỏi – những người đã được đào tạo bài bản vào hệ thống làm việc.

Chúng ta nên học tập cách làm của một số quốc gia, như ở Singapore, họ tuyển dụng vào viên chức nhà nước là những người được đào tạo chuyên môn, bài bản ở những nền giáo dục tiên tiến. Khi được tuyển vào làm viên chức của Chính phủ, họ nhận được chế độ đãi ngộ rất cao. Với cơ chế đó, Singapore đã tuyển dụng được những người có năng lực, trình độ cao vào bộ máy quản lý của mình. Như vậy, khu vực tư nhân cũng khó cạnh tranh về nguồn nhân lực với cơ quan nhà nước.

Còn nếu chúng ta chi ngân sách cho công chức, viên chức đi học nhưng cuối cùng chế độ chính sách việc làm không đáp ứng được như kỳ vọng thì không thể thu hút hay giữ chân người tài. Cuối cùng, vừa đầu tư không hiệu quả, vừa gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc phân tích.

Singapore có Viện Giáo dục Quốc gia, sau khi tuyển dụng, đội ngũ công chức, viên chức vẫn được đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao, để phù hợp với sự thay đổi của xã hội, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp cho công việc trong từng giai đoạn. Theo thầy Lộc, đây là mô hình Việt Nam cần học tập nếu muốn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Đối với việc “mở cửa” đón nhân tài, thầy Lộc cho rằng, nếu có cơ chế mở, có thể thu hút được những người đang học tập ở nước ngoài trở về. Hiện nay có rất nhiều người du học bằng con đường tự túc và mong muốn trở về đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với giá trị mà họ mang lại.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, cần có tính toán, xem xét đối với việc tuyển dụng ở hai vị trí công chức và viên chức.

Vị trí công chức có thể thực hiện theo công tác quy hoạch nguồn nhân lực để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tương lai. Còn đối với viên chức, thuộc về chuyên môn nghiệp vụ, cần những người thạo việc, am hiểu chuyên môn, duy trì cho sự vận hành quản lý nên cần có cơ chế mở để thu hút những người phù hợp, người giỏi vào các vị trí này.

Phạm Minh