Tranh chấp Senkaku: Trung-Nhật sẽ sử dụng tàu chiến cũ và thủy phi cơ

17/03/2013 19:26
Việt Dũng
(GDVN) - Cuộc đọ sức giữa Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku sẽ còn lâu dài, hai bên sẽ tiếp tục sử dụng những "nắm đấm" mới: tàu chiến cũ, thủy phi cơ.
Nhật Bản muốn cải tạo tàu khu trục lớp Hatsuyuki thành tàu tuần tra đối phó Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku
Nhật Bản muốn cải tạo tàu khu trục lớp Hatsuyuki thành tàu tuần tra đối phó Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku

Tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản gần đây cho biết, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang xem xét sử dụng tàu chiến nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Biển làm tàu tuần tra, ứng phó với tàu công vụ Trung Quốc hoạt động thường xuyên ở vùng biển đảo Senkaku.

Theo bài báo, nhân viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã kiểm tra vài chiếc tàu chiến, có khả năng tiếp nhận tàu khu trục lớp Hatsuyuki có lượng giãn nước 4.000 tấn.

Rõ ràng, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tính toán trang bị tàu chiến trọng tải lớn, đánh mạnh vào lực lượng chấp pháp trên biển đang ngày càng tăng cường của Trung Quốc.

Nhưng, báo Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản có thể không thực hiện được mục đích của họ. Bởi vì phía Trung Quốc cũng sử dụng những con tàu chiến cũ, cải tạo lại và trang bị cho lực lượng chấp pháp, từ đó đối phó với tàu tuần tra Nhật Bản.

So tài tàu chiến cũ giữa Trung-Nhật

Tháng 11/2012, trước khi thay đổi chính quyền Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ Shinzo Abe từng đề xuất phương án chuyển tàu chiến sang dùng làm tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Tháng 2/2013, Bộ trưởng Lãnh thổ-Giao thông Nhật Bản Akihiro Ota tiếp tục xác nhận, Nhật Bản đang bàn vấn đề sử dụng tàu chiến nghỉ hưu làm tàu tuần tra.

Tàu khu trục lớp Hatsuyuki Nhật Bản
Tàu khu trục lớp Hatsuyuki Nhật Bản

Cán bộ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tiết lộ, 4 tàu chiến nghỉ hưu vào năm 2014 đã trở thành những tàu được chọn, sơ bộ xác định là tàu khu trục lớp Hatsuyuki có lượng giãn nước 4.000 tấn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 4 tàu chiến dự định nghỉ hưu đã phục vụ gần 30 năm, thông thường sau khi nghỉ hưu sẽ không bị tháo dỡ, mà được sử dụng làm tàu “quân xanh” bị bắn chìm khi huấn luyện.

Được biết, chỉ cần tháo dỡ các vũ khí như ngư lôi và tên lửa trên tàu chiến, những con tàu chiến này có thể trực tiếp được sử dụng làm tàu tuần tra cỡ lớn. Để giữ được và tiếp nhận những chiếc tàu chiến sắp nghỉ hưu này, người phụ trách kỹ thuật của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã thị sát căn cứ Yokosuka của Lực lượng Phòng vệ Biển ở tỉnh Kanagawa, đồng thời đã thu thập các tin tức, đang xác nhận tính khả thi chuyển từ tàu chiến sang tàu tuần tra.

Tờ “Asahi Shimbun” cho rằng, do kết cấu động cơ tàu chiến khác nhau, cần xem xét điều động những nhân viên có khả năng điều khiển tàu chiến từ Lực lượng Phòng vệ chuyển sang Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, hoặc đưa các nhân viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sang Lực lượng Phòng vệ để huấn luyện điều khiển tàu.

Mặc dù điều khiển một tàu chiến lượng giãn nước 4.000 tấn cần 40 thuyền viên, nhưng cán bộ Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết: “Bộ Quốc phòng đã đề nghị với chúng tôi ‘không muốn để binh lính của chúng tôi cùng chuyển sang’ (gia nhập Lực lượng bảo vệ bờ biển)”.

Tàu khu trục Nam Ninh nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc được cho là đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc
Tàu khu trục Nam Ninh nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc được cho là đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc

Theo bài báo, nếu Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể giải quyết thuận lợi vấn đề tiếp nhận tàu chiến nghỉ hưu, thì nhanh chóng có thể làm thủ tục bàn giao. Nhưng, tờ “Asahi Shimbun” cũng nhắc nhở: “Cách làm tăng cường thế ứng phó này rất có thể sẽ gây ra sự phản đối của Trung Quốc”.

Một nguồn tin hiểu rõ trang bị của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chỉ ra, một khi tàu chiến lớp Hatsuyuki gia nhập Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tàu chấp pháp Trung Quốc hoạt động ở vùng biển đảo Senkaku sẽ buộc phải so tài với đối thủ trọng tải lớn này.

Tàu khu trục lớp Hatsuyuki dài 130 m, tốc độ tối đa đạt 30 hải lý/giờ, không chỉ có thể sử dụng thân tàu cứng để uy hiếp tàu chấp pháp trọng tải nhỏ, nó chạy tốc độ cao, những con sóng do nó rẽ, ngoặt cũng rất nguy hiểm đối với tàu đòi hỏi chủ quyền đảo Senkaku và tàu chấp pháp cỡ nhỏ của Trung Quốc.

Điều đáng chú ý hơn là, nếu tàu Hatsuyuki gia nhập Lực lượng bảo vệ bờ biển mà vẫn giữ lại radar và máy bay trực thăng thì nó sẽ trở thành “căn cứ chỉ huy di động” và “phương tiện cất/hạ cánh máy bay trực thăng” có thể chốt giữ vùng biển đảo Senkaku, sẽ thường xuyên liên tục tạo ra thách thức cho tàu công vụ Trung Quốc.

Theo bài báo, để đối phó với tàu Hatsuyuki có thể đến hoạt động tại vùng biển đảo Senkaku, Hải giám Trung Quốc có thể sử dụng một tốp tàu tuần tra mới được cải tạo từ tàu chiến cũ cách đây không lâu. Được biết, có 3 tàu chiến nghỉ hưu đã được Trung Quốc trang bị cho Tổng đội Đông Hải-Hải giám Trung Quốc, trong đó có tàu khu trục lớp “Lữ Đại” mang tên Nam Kinh vốn là tàu chiến biên chế của Hạm đội Đông Hải.

Tàu khu trục Nam Kinh đã nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc, được cho là đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc
Tàu khu trục Nam Kinh đã nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc, được cho là đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc

Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản cho rằng, tháng 1/2013, trong 4 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku đã có 1 tàu được cải tạo từ tàu chiến nghỉ hưu, lượng giãn nước đạt 3.000 tấn. Báo chí Nhật Bản cho biết, Hải giám Trung Quốc sở hữu tổng cộng 11 tàu tuần tra được cải tạo từ tàu chiến nghỉ hưu.

Trung Quốc thông qua hợp tác giữa Quân đội và cơ quan chấp pháp trên biển, đã nâng cao khả năng chạy liên tục ở biển xa cho tàu tuần tra, trong tương lai Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng phương thức này tiếp tục tăng cường “thế thị uy và tấn công ở biển Hoa Đông và biển Đông”.

So tài máy bay chấp pháp

Theo mạng Japan News Network, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét sử dụng thủy phi cơ để bảo vệ đảo Senkaku.

Bài báo cho biết, thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản tự phát triển hiện đã tiến hành bay thử ở vùng biển gần thành phố Kobe, đã thử nghiệm các loại tính năng. Xét thấy hành trình của loại thủy phi cơ này có thể đạt 4.700 km, đồng thời có thể tiến hành cất/hạ cánh trên biển trong tình hình sóng cao tới 3 m, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét triển khai nó ở đảo Senkaku để phòng thủ.

Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản tự sản xuất.
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản tự sản xuất.

Nguồn tin từ công ty ShinMaywa Nhật Bản cho biết, thủy phi cơ US-2 thực sự là phiên bản cải tiến của thủy phi cơ săn ngầm do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cấp kinh phí phát triển vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20. Nhưng, do khi đó điều kiện công nghệ hạn chế, thủy phi cơ của công ty ShinMaywa chỉ có đáp xuống mặt nước mới có thể sử dụng sonar, nên sức chiến đấu hạn chế rõ rệt.

Sau đó, công ty ShinMaywa thông qua nâng cấp tính năng điều khiển cất/hạ cánh trên mặt nước, cải thiện khả năng cấp cứu những nhân viên bị thương, bị ốm, tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn trên biển, phát triển nó thành thủy phi cơ tìm kiếm cứu nạn Type US-2. Sau khi được Bộ Quốc phòng Nhật Bản chính thức phê duyệt, Lực lượng Phòng vệ Biển bắt đầu thành lập phi đội thủy phi cơ US-2 vào tháng 3/2007.

Trung Quốc cũng sẽ mua thêm máy bay chấp pháp mới. Theo tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh, tại Triển lãm quốc phòng Abu Dubai lần thứ 11 vừa bế mạc, một người phụ trách của Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc đã xác nhận, máy bay tuần tra trên biển MA60 dự kiến sẽ bàn giao cho Tổng đội Hải giám Trung Quốc.

MA60 Tân Châu là máy bay chở khách đường ngắn do Trung Quốc tự sản xuất. Máy bay chở khách này được cải tiến trên nền tảng máy bay vận tải hạng trung Y-7 của Trung Quốc, sử dụng 2 động cơ phản lực cánh quạt, hành khách 60 người. Máy bay này có tính năng sử dụng tốt, tiêu hao nhiên liệu ít, dễ sửa chữa, đơn giản, thực dụng, từ khi định hình đến nay đã xuất khẩu tới nhiều nước, đã khẳng định được giá trị sử dụng thực tế.

Thủy phi cơ Nhật Bản
Thủy phi cơ Nhật Bản

Bài báo cho rằng, cải tạo máy bay chở khách đường ngắn thành máy bay tuần tra trên biển là cách làm thông dụng của các nước trên thế giới. Vì vậy, Trung Quốc cải tạo MA60 thành máy bay tuần tra trên biển là một quan điểm hoàn toàn không gây bất ngờ. Ngày 13/11/2011, Triển lãm hàng không Dubai lần thứ 12 khai mạc. Tại triển lãm này, Trung Quốc lần đầu tiên đã trưng bày mô hình máy bay tuần tra trên biển M60. Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012, Trung Quốc tiếp tục trưng bày mô hình này.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” dẫn thông số về máy bay MA60 từ Triển lãm quốc phòng quốc tế Abu Dubai như sau: Máy bay này có trọng lượng cất cánh là 2,18 tấn, tốc độ tối đa là 278 hải lý/giờ, hành trình tối đa là 2.450 km. Còn căn cứ vào thông số công bố tại Triển lãm hàng không Chu Hải, máy bay tuần tra trên biển MA60 có hành trình khoảng 3.000 km, có thể tuần tra ở vùng biển đảo Senkaku.

Người phụ trách Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc còn xác nhận, máy bay tuần tra trên biển MA60 sẽ lắp một bộ cảm biến điện quang và radar góc mở tổng hợp, có thể cung cấp số liệu cho ít nhất 3 trạm giám sát.

Bộ cảm biến điện quang giúp cho máy bay tuần tra trên biển MA60 có khả năng theo dõi, tuần tra các vùng biển trong điều kiện ban đêm và thời tiết phức tạp, còn radar góc mở tổng hợp giúp cho máy bay này có thể bắt được mục tiêu nhỏ di động trên biển một cách chính xác và nhanh chóng hơn.

Mô hình máy bay tuần tra trên biển MA60 của Trung Quốc
Mô hình máy bay tuần tra trên biển MA60 của Trung Quốc

Máy bay mới thời gian tới của Hải giám Trung Quốc cũng không chỉ có máy bay tuần tra trên biển MA60. Người phụ trách Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc thừa nhận, thủy phi cơ Giao Long-600 đang được nghiên cứu chế tạo, cũng sẽ trang bị cho Tổng đội Hải giám Trung Quốc.

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012, Công ty TNHH máy bay thông dụng-Hàng không Trung Quốc cho biết, thủy phi cơ Giao Long-600 lớn hơn cả Boeing-737, là thủy phi cơ đang nghiên cứu lớn nhất thế giới hiện nay, dự kiến sẽ bay thử lần đầu tiên vào năm 2014.

Trung Quốc có khả năng đối phó Nhật Bản?

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản muốn sử dụng tàu tuần tra được cải tạo từ tàu chiến nghỉ hưu có trọng tải lớn để phá vỡ trận địa do lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc lập ra. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có ý định điều động thủy phi cơ kiểu mới để theo dõi, giám sát đảo Senkaku.

Nhưng, báo Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đã sớm chuẩn bị để đối phó với ý đồ này của Nhật Bản. Hải giám Trung Quốc đã sớm trang bị các tàu tuần tra cỡ lớn, được cải tạo từ tàu chiến nghỉ hưu, biên chế máy bay tuần tra kiểu mới.

Như vậy, cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã sớm bắt đầu tăng cường đồng bộ lực lượng trên biển-trên không sử dụng cho việc đòi hỏi chủ quyền. Trong tương lai, cho dù Nhật Bản có điều tàu tuần tra có trọng tải lớn hơn và thủy phi cơ kiểu mới thì “Trung Quốc cũng có khả năng và thủ đoạn đối phó, đáp trả”.

Máy bay hải giám Y-12 hiện có của Trung Quốc
Máy bay hải giám Y-12 hiện có của Trung Quốc
Việt Dũng