Trung - Nga chỉ là bạn bè "trách nhiệm hữu hạn"

20/02/2015 08:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Đằng sau những tuyên bố hoành tráng về tình đoàn kết, thực chất có rất ít sự tin cậy giữa 2 quốc gia này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Tập Cận Bình khi sang Trung Quốc dự hội nghị APEC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Tập Cận Bình khi sang Trung Quốc dự hội nghị APEC.

Tờ Eurasia Review ngày 19/2 đăng bài bình luận của June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị đại học Miami, Florida Hoa Kỳ cho rằng quan hệ Trung - Nga chỉ là đối tác, bạn bè kiểu "trách nhiệm hữu hạn". Các hành động trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow hậu khủng hoảng Ukraine đã buộc ông chủ Điện Kremlin phải tìm đến Trung Quốc.

Vào cuối tháng 2/2014, một nguồn tin đáng tin cậy từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với tạp chí quốc phòng Kanwa rằng Putin cần Trung Quốc về chính trị chứ không phải kinh tế hay quân sự.

Hai quốc gia này luôn tồn tại mối nghi ngại khi xích lại gần nhau. Kế hoạch Con đường Tơ lụa của Trung Quốc ở Trung Á đã chọc vào sân sau của Nga, bao gồm các quốc gia trước đây là một phần của Liên Xô. Địa bàn Bắc Kinh nhảy vào cạnh tranh với Moscow còn có Bắc Cực, mặc dù Trung Quốc không tiếp giáp với khu vực này như Nga.

Kinh tế thương mại là lĩnh vực được quan tâm, mặc dù thỏa thuận khí đốt có thể sẽ khắc phục phần nào tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước, nhưng ông Putin có vẻ giữ thế phòng thủ khi lập luận rằng hợp đồng này không mang lại lợi nhuận.

Nga cũng nhận thức được rằng họ không muốn phục vụ như trạm xăng của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn liên tục đa dạng hóa nguồn cung cấp, nhập khẩu năng lượng từ Ả Rập Saudi, Iran, Venezuela và một số quốc gia châu Phi.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây thường xuyên bàn tán chuyện Bắc Kinh có nên giúp cứu nền kinh tế Nga khi đồng rúp lao dốc hay không. Trong khi một số người cho rằng mối quan hệ chiến lược toàn diện Nga - Trung là sựa lựa chọn duy nhất của Nga thì Moscow không nghĩ như vậy.

Chính sách hướng Đông mới của Putin đã vượt xa ngoài phạm vi Trung Quốc và bao gồm một liên minh Á - Â với các thành viên thuộc Liên Xô cũ cùng các nước mà Trung Quốc có mâu thuẫn như Ấn Độ, Việt Nam. Nga không thể hạnh phúc khi bán cho Trung Quốc năng lượng giá thấp như vậy, còn Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều cho Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thời báo Hoàn Cầu đã có một bài xã luận cho rằng Bắc Kinh phải hiểu Moscow không muốn trở thành "chư hầu" của nền kinh tế Trung Quốc trong khi Trung Nam Hải thừa biết, ngoài việc bán vũ khí cho Trung Quốc, Nga còn bán lượng lớn vũ khí cho Việt Nam và Ấn Độ.

Hai quốc gia này đã "đụng độ" trong việc xây dựng một ngân hàng chung - ngân hàng Phát triển châu Á cho tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nga chống lại kế hoạch của Trung Quốc định thống trị ngân hàng này bằng cách góp vốn nhiều nhất. Trong khi 5 nước thành viên được "bổ đầu" 5 tỉ USD góp vốn, Trung Quốc đề xuất góp hẳn 10 tỉ USD.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn 4 nền kinh tế kia cộng lại, điều này sẽ dễ dàng khiến Bắc Kinh có thể thống trị ngân hàng mới này. Các nhà đàm phán Nga đã tố cáo rằng, Bắc Kinh đã chìa ra không chỉ các khoản tín dụng song phương mà còn cả cơ chế tài chính riêng biệt cho các quốc gia Trung Á khác mà không bàn gì với Nga.

Trung Quốc muốn đặt trụ sở chính của ngân hàng này ở Bắc Kinh, Nga thì muốn đưa về Almaty. Mặt khác, ngân hàng Phát triển châu Á dự kiến sẽ cung cấp vốn cho dự án Con đường Tơ lụa, một điều mà Nga hết sức cảnh giác.

Về công nghệ quân sự - không gian, mặc dù báo chí Nga tuyên bố Trung Quốc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Glonass của Nga ở 2 thành phố Tây Bắc Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh tự hào tuyên bố quân đội của họ đã thử nghiệm hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu. Rõ ràng Trung Quốc không có ý định phụ thuộc vào công nghệ của Nga.

Hiện nay Nga và Trung Quốc đều chung một mặt trận chống Hoa Kỳ và phương Tây, tuy nhiên hai nước vẫn luôn có những tranh cãi. Đằng sau những tuyên bố hoành tráng về tình đoàn kết, thực chất có rất ít sự tin cậy giữa 2 quốc gia này. Ngoại giao châu Âu và Mỹ nên tìm cách tận dụng lợi thế của các vết nứt, trong chừng mực có thể tránh các hành động đẩy 2 quốc gia này lại gần nhau, June Teufel Dreyer bình luận.
 

Hồng Thủy