Trung Quốc - Ấn Độ chạy đua vũ trang, Nga sẽ hưởng lợi?

06/11/2011 10:34
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Về nguyên tắc, đối đầu Trung-Ấn sẽ không thay đổi do liên quan đến xung đột lãnh thổ, vì vậy Nga sẽ được lợi từ bán vũ khí.

Ngày 2/11, tờ “Quan điểm” Nga đưa tin, sự lo ngại đối với Trung Quốc buộc Ấn Độ tăng cường đầu tư nguồn vốn lớn để tiến hành hiện đại hóa quân đội của họ.

Được biết, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch hiện đại hóa quân đội có quy mô lớn nhất trong lịch sử, chuẩn bị bổ sung khoảng 13 tỷ USD để phát triển lực lượng quân sự, đồng thời tăng quân lớn ở khu vực biên giới Trung-Ấn.

Nhà cầm quyền Ấn Độ không hề che giấu, đây là một phản ứng bất đắc dĩ ứng phó với "mối đe dọa từ Trung Quốc".

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Ngày 2/11, hãng Itar-Tass dẫn lời tờ "Thời báo Ấn Độ" cho biết, Ấn Độ sẽ chi bổ sung khoảng 13 tỷ USD để tiến hành hiện đại hóa quân đội nước này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xây dựng kế hoạch liên quan, trong đó một nội dung chủ yếu là tăng cường rất lớn lực lượng chiến đấu ở khu vực biên giới Trung-Ấn.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn phương án ngân sách bổ sung hiện đại hóa quân đội 640 tỷ rupee (khoảng 13 tỷ USD), có kế hoạch tái tổ chức 4 sư đoàn, triển khai ở khu vực phụ cận biên giới Trung Quốc.

Vào tháng 7/2011, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã công khai thông tin có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự.

Khi đó ông nói: "Người Trung Quốc tiến xa hơn chúng ta. Họ muốn có được cửa biển thông ra các đại dương của thế giới. Trên thực tế đã xây dựng được tàu sân bay đầu tiên. Ấn Độ chắc chắn phải thực hiện các biện pháp ứng phó cần thiết để đáp trả. Mặc dù nguồn lực có hạn, nhưng Ấn Độ vẫn sẽ cố gắng tiến hành hiện đại hóa quân đội, bao gồm cả Hải quân và Không quân".

"Trong những năm qua, chúng ta lần đầu tiên đã có biện pháp, nỗ lực phát triển hạ tầng cơ sở ở biên giới các bang giáp ranh Trung Quốc. Nếu quân đội muốn nâng cao trần chi tiêu quốc phòng, nhà nước Ấn Độ sẽ giúp công khai".

Tên lửa hành trình Brahmos trang bị cho Lục quân Ấn Độ
Tên lửa hành trình Brahmos trang bị cho Lục quân Ấn Độ

Trung tuần tháng 10/2011 có tin cho biết, nhà cầm quyền Ấn Độ quyết định triển khai 4 tiểu đoàn tên lửa hành trình Brahmos đến Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là khu vực Nam Tây Tạng) do Ấn Độ kiểm soát thực tế.

Khi đó, báo chí Ấn Độ tiết lộ, mục đích triển khai 4 tiểu đoàn tên lửa Brahmos là củng cố sức mạnh quân sự, ứng phó với mối đe dọa tiềm tàng, đó là Trung Quốc có thể triển khai vũ khí tên lửa tương ứng ở khu vực biên giới. Sử dụng tên lửa hành trình Brahmos, quân đội Ấn Độ có thể tấn công các mục tiêu của Trung Quốc ở khu tự trị Tây Tạng.

Trong vài ngày trước có tin cho biết, quân đội Ấn Độ sẽ còn triển khai xe tăng T-72 ở dọc tuyến biên giới Trung-Ấn khu vực dãy Himalaya và biên giới Ấn Độ-Pakistan.

Xe tăng T-72 của quân đội Ấn Độ tham gia tập trận
Xe tăng T-72 của quân đội Ấn Độ tham gia tập trận

Đối với việc Ấn Độ có kế hoạch triển khai 4 sư đoàn mới, trong đó có 2 sư đoàn dự kiến sẽ biên chế lực lượng đặc nhiệm, dùng cho các hành động tác chiến mang tính tấn công ở khu vực miền núi. “Thời báo Ấn Độ” cho rằng, một khi các đề nghị có liên quan được phê chuẩn, quân đội Ấn Độ sẽ bắt đầu tiến hành xây dựng hiện đại hóa quy mô lớn, đồng thời sẽ tăng tối đa lực lượng Lục quân ở khu vực giáp ranh Trung Quốc.

Đây cũng sẽ là hoạt động xây dựng quân sự lớn nhất ở biên giới của Ấn Độ kể từ xung đột biên giới Trung-Ấn năm 1962 đến nay.

Trước đây, khi đánh giá quan hệ Trung-Ấn, các chuyên gia Nga chỉ rõ, chạy đua vũ trang Trung-Ấn trong tương lai sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn, sẽ không giảm đi. Nga chắc chắn sẽ được lợi từ nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất này. Nhưng, trong tương lai gần, hai nước Trung-Ấn sẽ không công khai xung đột.

Giám đốc Trung tâm Tình hình chính trị Nga Mixieyefu cho biết: "Sự đối đầu giữa Ấn-Trung đã kéo dài 50 năm, điều này có liên quan đến xung đột lãnh thổ. Về nguyên tắc, sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào. Vũ khí cũ sẽ được thay thế bằng vũ khí mới, nhưng điều này hoàn toàn không phải là một cái cớ làm bùng phát chiến tranh".
Đông Bình (Theo Mil)