Trung Quốc chỉ đóng "vai phụ" trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải?

16/09/2013 08:59
Việt Dũng
(GDVN) - Bài viết đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tổ chức SCO cũng như vai trò của Trung Quốc, Nga trong giai đoạn hiện nay.
Binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự "Sứ mệnh Hòa bình-2012" (ảnh tư liệu)
Binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự "Sứ mệnh Hòa bình-2012" (ảnh tư liệu)

Vấn đề Syria hiện nay được cả thế giới quan tâm, được phương tiện truyền thông thế giới tập trung đưa tin. Trong khi đó, các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 13 tháng 9 cũng đã ra tuyên bố phản đối bên ngoài can thiệp vũ lực đối với Syria, điều này cũng gây chú ý cho phương Tây.

Theo bài báo, có phương tiện truyền thông phương Tây gọi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là một NATO của phương Đông. Chuyên gia Nga cho rằng, điều này chỉ cho thấy, thế giới vẫnđang ở trạng thái đa cực.

Trung Quốc và Nga là hai "lực lượng quan trọng lớn" của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vai trò của hai nước lớn thỉnh thoảng được một số phương tiện truyền thông so sánh, SCO thậm chí còn được cho là "nơi đấu đá chính trị tranh giành vai trò ảnh hưởng ở Trung Á giữa Trung-Nga". Điều này có thể thấy được trong hai bài viết của tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản.

Bài viết ngày 12 tháng 9 của tạp chí này cho rằng, Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể do Nga lãnh đạo phần lớn vẫn được đa số các nước Trung Á coi là lực lượng an ninh khu vực chủ yếu, nó do Nga đảm bảo và ủng hộ. Trước những nỗ lực của Nga, Trung Quốc vẫn là một "vai phụ" ở Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Ngày 13 tháng 9 năm 2013, Hội nghị lần thứ 13 của Hội đồng nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại Thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.
Ngày 13 tháng 9 năm 2013, Hội nghị lần thứ 13 của Hội đồng nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại Thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

Một bài viết khác của tạp chí này cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ có rất nhiều vấn đề để bàn tới, từ đường ống dẫn dầu đến an ninh Afghanistan, nhưng có một việc rất dễ nhìn thấy, đó chính là Trung Quốc có “quyền chi phối”.

Theo bài viết, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải không chỉ là nơi tập hợp các nước có xu hướng "hợp nhau", mà còn tạo một cơ hội để Trung Quốc thể hiện sức hút của họ. Hiện nay, việc tăng cường sức hấp dẫn này đang được Trung Quốc tiến hành, điều này có thể đem lại sự phát triển nhiều hơn cho khu vực này, cũng có nghĩa là một số chính sách của Trung Quốc có được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Đối với hai quan điểm này, chuyên gia “nhất thể hóa Âu-Á” Nga là Monirov đã nói với tờ "Nezavisimaya Gazeta" rằng, Trung Quốc thông qua hợp tác kinh tế và đầu tư để tăng cường vai trò ảnh hưởng, nhưng về lịch sử, những quốc gia này của SCO đều có quan hệ chặt chẽ với Nga, cạnh tranh của hai nước ở khu vực Trung Á hoàn toàn sẽ không ảnh hưởng tới hợp tác song phương. Trong tương lai, chỉ có Nga-Trung tăng cường hợp tác mới có thể đảm bảo an ninh của khu vực Trung Á, bảo đảm sự thông suốt của "con đường tơ lụa".

Mạng "Tin tức Nga-Ấn" của Nga bình luận, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có ý nghĩa quan trọng, không chỉ do Nga và Trung Quốc là thành viên, mà còn ở chỗ đây là một trong những khu vực nóng nhất thế giới. Đặc biệt, vài năm tới, tình hình Afghanistan và Trung Á có thể bất ổn, SCO được coi là lực lượng chính bảo đảm an ninh và ổn định cho khu vực.

Vấn đề tấn công "Ba thế lực" (chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai) không thể được phân thành vấn đề của một quốc gia riêng biệt nào đó, đặc biệt là mạng lưới tổ chức cấp tiến thâm nhập ở biên giới Trung Á đã vượt qua ranh giới quốc gia.

Quân đội Trung Quốc tham gia diễn tập thực binh "Sứ mệnh hòa bình-2012".
Quân đội Trung Quốc tham gia diễn tập thực binh "Sứ mệnh hòa bình-2012".

Nhưng, sự hợp tác này bị truyền thông phương Tây nghi ngờ là "NATO phương Đông". Ngày 12 tháng 9, đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bình luận, sự coi trọng rất cao của Trung Quốc đối với tổ chức này làm cho một số người cho rằng, SCO là "NATO phương Đông".

Phóng viên Azakova của đài "châu Âu tự do" tại Kyrgyzstan chính là một trong những người như vậy. Cô cho biết, Trung Quốc và Nga coi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là tổ chức thay thế của NATO, là một tổ chức chống phương Tây, Trung Quốc và Nga rất coi trọng đối với tiềm năng quân sự của SCO.

Tuy nhiên, Dean Cheng, nhà nghiên cứu của Quỹ Heritage Foundation - cơ quan nghiên cứu tại Washington cho rằng, quan điểm như vậy là "thổi phồng quá mức". Ông cho rằng, nhìn vào cơ cấu, cấu trúc chỉ huy, xây dựng tiêu chuẩn và hợp tác quân sự giữa các nước thành viên, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải không thể so sánh với NATO.

Hình Quảng Trình, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu sử địa biên cương Trung Quốc, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, một số người phương Tây luôn có thành kiến hoặc tư duy Chiến tranh Lạnh, những quan điểm này có thể vĩnh viễn gắn liền với sự tồn tại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản cho rằng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vẫn là một tổ chức thiếu nhận thức rõ ràng về địa vị toàn cầu của nó, vấn đề này về cơ bản do giữa các nước thành viên có quan điểm bất đồng gây ra. Vai trò ảnh hưởng của một số nước trong tiến trình quyết sách tổ chức là khác nhau, trong khi đó Bắc Kinh hy vọng, trong tình hình chiếm vị thế chủ đạo, Trung Quốc thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để tích cực điều chỉnh chiến lược Trung Á, nhưng điều này gây lo ngại cho nước khác.

Lực lượng, vũ khí trang bị của Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự liên hợp "Sứ mệnh hòa bình-2013" giữa Trung-Nga
Lực lượng, vũ khí trang bị của Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự liên hợp "Sứ mệnh hòa bình-2013" giữa Trung-Nga

Chuyên gia Hình Quảng Trình phản bác quan điểm này, cho rằng, phương Tây xây dựng một số tổ chức thường đều có chiến lược toàn cầu, trong khi đó SCO được xác định là một tổ chức khu vực, hoàn toàn không mưu cầu bất cứ chiến lược toàn cầu nào. Sự tồn tại của nó chính là để phục vụ cho an ninh, hòa bình và phát triển của khu vực này. Do đó, chỉ trong mười mấy năm, SCO đã giành được thành công rõ rệt. Đặc điểm lớn nhất của SCO là nhiều người đều được lợi, hơn nữa mọi người đều bình đẳng, không tồn tại "đại ca" và "tiểu đệ".

"Tiếng nói nước Đức" ngày 13 tháng 9 cho rằng: "Cõ lẽ mỗi năm đến lúc này, mọi người mới quan tâm một chút đến tổ chức khu vực này, nhưng trên thực tế, ý nghĩa của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải không thể đánh giá thấp". Diễn tập quân sự "Sứ mệnh hòa bình" được tổ chức hàng năm của SCO đã tăng cường lòng tin giữa các nước thành viên và sự tương tác giữa quân đội của họ.

Về kinh tế, SCO đóng vai trò là một diễn đàn và người phối hợp. Tuy SCO cũng đối mặt với rất nhiều thách thức, hơn nữa nếu muốn tổ chức này trở thành một lực lượng độc lập trong nền chính trị mang tính toàn cầu và khu vực, thì hiện nay vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, song không thể phủ nhận, ý nghĩa của nó không thể đánh giá thấp.

Máy bay trực thăng Trung Quốc trong cuộc diễn tập "Sứ mệnh hòa bình-2013" giữa Trung-Nga.
Máy bay trực thăng Trung Quốc trong cuộc diễn tập "Sứ mệnh hòa bình-2013" giữa Trung-Nga.
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng