Trung Quốc chưa thể tạo ra thách thức đối với khả năng quân sự của Mỹ

03/03/2013 08:58
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc phải cần 30 năm mới xây dựng được cụm chiến đấu tàu sân bay, trong khi Mỹ đã sở hữu 11 cụm chiến đầu tàu sân bay...
Ngày 25/9/2012, Hải quân Trung quốc tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh
Ngày 25/9/2012, Hải quân Trung quốc tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn bài viết từ tờ “Daily Maverick” của Nam Phi cho rằng, lực lượng quân sự Trung Quốc trong thời gian tới không đủ để tạo ra thách thức cho khả năng quân sự của Mỹ, hơn nữa chi tiêu quân sự của họ cũng thấp xa so với Mỹ, họ xây dựng một cụm chiến đấu tàu sân bay cần 30 năm, trong khi đó hiện nay Hải quân Mỹ đã sở hữu 11 cụm chiến đấu tàu sân bay như vậy.

Trong khi đó Hoàn Cầu báo đưa ra luận điệu tuyên truyền rằng: “Dư luận quốc tế không cần phải lo lắng quá mức về hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc, việc xây dựng quân sự của Trung Quốc rõ ràng chỉ có vai trò ảnh hưởng khu vực, mà vai trò ảnh hưởng này cũng chỉ là để duy trì hiện trạng”.

Trong mấy tháng qua, để cải thiện sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã trang bị tàu sân bay, phóng vệ tinh và gần đây đã trang bị tàu hộ vệ tàng hình Type 056. Bài viết nhận định, một loạt động thái của Hải quân Trung Quốc đang làm thay đổi chính sách quân sự lâu dài “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đưa ra.

Tuy nhiên, trong 30 năm qua, Trung Quốc luôn thực hiện chính sách quân sự “giấu mình chờ thời”, ý nói Quân đội Trung Quốc luôn giữ “kiềm chế”, không khoe sức mạnh, thận trọng triển khai xây dựng khả năng quân sự.

Cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ (ảnh minh hoạ)
Cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ (ảnh minh hoạ)


Chính sách này từng đóng vai trò quan trọng ở Trung Quốc: Từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, cấp cao Trung Quốc bắt đầu từng bước cắt giảm lực lượng dư thừa, thúc đẩy đổi mới quân bị. Đồng thời, họ cũng đã thành lập cơ cấu tổ chức mới và áp dụng các biện pháp huấn luyện tốt hơn, đã tinh giản bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thấp.

Nhưng, cuối năm 2011, báo chí Quân đội Trung Quốc đã có những bài viết ám chỉ tình hình đã thay đổi. Những bài viết này đã nhắc đến chính sách “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, song lại có một bước ngoặt: Quân đội Trung Quốc muốn “tích cực đóng góp”, tức là họ muốn tích cực can dự hơn vào các vấn đề quốc tế. Điều này hầu như là một chi tiết nhỏ, nhưng đến năm 2012 và 2013, tình hình đã rất rõ ràng: Quân đội Trung Quốc đã “lên giọng” rất mạnh, tỏ ra ngày càng tự tin, mạnh bạo hơn.

Điều gây chú ý nhất là Hải quân Trung Quốc đã trang bị tàu sân bay Liêu Ninh. Sự kiện này cũng làm nổi lên “mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc” được dư luận quốc tế phản ánh rõ nét. Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh, tàu hộ vệ tàng hình, hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu và các trang bị quân sự mới khác chưa đủ để Trung Quốc tạo ra thách thức đối với khả năng quân sự của Mỹ trong ngắn hạn.

Theo bài viết, tàu sân bay Liêu Ninh có lượng giãn nước chỉ bằng một nửa tàu sân bay Nimitz của Mỹ. Ngay cả quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận, họ phải bỏ ra thời gian 30 năm mới có thể xây dựng được một cụm chiến đấu tàu sân bay, trong khi đó Hải quân Mỹ đã có 11 cụm chiến đấu tàu sân bay. Hơn nữa, chi tiêu quốc phòng của Mỹ còn gấp 5 lần so với chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc.

Như vậy, Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự có ý nghĩa gì? Trong vấn đề này, người ta có thể tìm ra manh mối từ phản ứng của hai nước láng giềng lớn của Trung Quốc. Tháng 12/2012, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi tuyên bố, Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân gây ấn tượng sâu sắc. Đối với Ấn Độ, điều này thực sự đáng chú ý, Ấn Độ sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá về vấn đề này và đưa ra chiến lược tương ứng.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 do Trung Quốc chế tạo, dùng cho tác chiển ở các vùng biển xung quanh nước này.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 do Trung Quốc chế tạo, dùng cho tác chiển ở các vùng biển xung quanh nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe càng nói thẳng thắn hơn, ông trả lời phỏng vấn tờ “Bưu điện Washington” cho rằng, do vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc có nhu cầu “thâm căn cố đế” gây xung đột với Nhật Bản và các nước láng giềng châu Á khác. Theo ông Abe, việc xây dựng quân sự của Trung Quốc và leo thang tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật là do Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc hòng tìm kiếm sự ủng hộ của người dân.

Nhưng, đối với Trung Quốc, thì họ lại nghĩ khác. Họ cho rằng, Hải quân Mỹ đã tạo dựng một vòng vây hoàn chỉnh gồm các căn cứ ở xung quanh biển Đông. Mỹ đều có các căn cứ quân sự ở Indonesia, Philippines, Đài Loan và Nhật Bản, theo đó, lãnh đạo Trung Quốc coi đây là mối đe dọa đối với “sân sau” của họ.

Vì vậy, báo Trung Quốc coi việc nước này tăng cường sức mạnh quân sự là hoạt động không phải mang “tính tấn công”, mà mang “tính phòng thủ”, nhằm đảm bảo an ninh cho các cảng biển và tuyến đường hàng hải của họ. Bài báo yêu cầu dư luận các nước không được giải thích theo nghĩa khác về hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc. Bài báo nhấn mạnh, Trung Quốc xây dựng quân sự “chỉ có tác động mang tính khu vực, không mang tính toàn cầu” và “chỉ để duy trì hiện trạng”.

Trước sự tuyên truyền của dư luận Trung Quốc hiện nay, khi xuất phát từ lợi ích và an ninh của Trung Quốc, xuất phát từ chủ trương áp đặt chủ quyền trên đất liền và trên biển, nhất là hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò” phi pháp thì sẽ dư luận có cách nhìn nhận đúng đắn hơn. Những quan điểm do Trung Quốc tuyên truyền thì cứ nhìn vào thực tế cũng như diễn biến các hành động của Trung Quốc sẽ nhận ra được chân tướng vấn đề.

Hải quân Trung Quốc chưa thể tạo ra thách thức cho Hải quân Mỹ trong ngắn hạn
Hải quân Trung Quốc chưa thể tạo ra thách thức cho Hải quân Mỹ trong ngắn hạn
Đông Bình