Trung Quốc có tổ chức tin tặc APT-1 quy mô vài nghìn người

23/06/2013 06:30
Việt Dũng
(GDVN) - An ninh mạng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay, nhất là nước Mỹ sở hữu nhiều công nghệ cao, mũi nhọn.
Tấn công mạng (hình ảnh minh họa)
Tấn công mạng (hình ảnh minh họa)

Ngày 11 tháng 5, tại ngoại ô Washington, Mỹ, quan chức cấp cao Công ty an ninh mạng Mandiant nói: "Những quái vật này lại bắt đầu hành động".

Ngày 17 tháng 6, tờ "Nihon Keizai Shimbun" cho biết: "Những quái vật này" là chỉ tổ chức tin tặc "APT-1" của Trung Quốc. 4 tháng trước thời điểm 11/5, Công ty Mandiant đã công bố sự tồn tại của tổ chức này, báo cáo của công ty này đã tổng hợp tình hình theo dõi hoạt động của tổ chức này trong 5 năm qua. Lần này, thủ đoạn tấn công của tổ chức này tuy có khác, nhưng những tin tức tình báo muốn ăn cắp lại giống nhau.

Căn cứ vào báo cáo của Công ty Mandiant, tổ chức "APT-1" có quy mô vài nghìn người, dùng phương thức vượt qua 1.000 máy chủ trên thế giới, tiến hành tấn công có tổ chức đối với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.

Có người cho rằng, tổng số nhân viên tác chiến mạng của Trung Quốc có thể đạt 400.000 người, và đã lấy được những thông tin hệ thống vũ khí trang bị quan trọng như phòng thủ tên lửa.

Theo bài báo, thông qua tấn công mạng nhằm vào đối phương, đồng thời thu thập bí mật quốc gia và công nghệ mũi nhọn của đối phương - loại "chiến tranh mạng" này đã trở thành hiện thực. Loại hành động  này đã vượt cấp độ của phạm tội và trò đùa dai, trở thành cuộc chiến tranh giữa các nước.

Ngày 18 tháng 4, tại một trường không quân ở bang Colorado, có khoảng 30 quân nhân đang diễn tập tấn công mạng. Kẻ thù "quân xanh" trong cuộc diễn tập là chuyên gia của Cục an ninh quốc gia Mỹ. Một giáo sư chỉ huy huấn luyện cho biết: "Mặc dù phi công máy bay chiến đấu luôn là tiêu chí của không quân, nhưng gần đây có rất nhiều hạ sĩ quan bắt đầu lựa chọn tác chiến mạng làm con đường sự nghiệp".

Lực lượng tấn công mạng của Trung Quốc
Lực lượng tấn công mạng của Trung Quốc

Tháng 3, tại Quốc hội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ Keith Alexander cho hay, sắp thành lập 13 đơn vị tấn công mạng. Ông còn cho biết, đây không phải là lực lượng mang tính phòng thủ, mà là mang tính tấn công.

Trong lĩnh vực mạng, ngân sách năm tài khóa 2014 của Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu tăng 20% so với 1 năm trước, đạt 4,7 USD. Phần lớn ngân sách tăng thêm đều được dùng để tăng cường năng lực tấn công. Quân Mỹ muốn nghiên cứu phát triển năng lực làm cho radar đối phương không thể hoạt động bình thường và năng lực tấn công mạng nhằm vào đối phương.

Alexander cảnh cáo, nếu như các cuộc tấn công mạng làm nhiễu loạn và phá hoại các công trình hạ tầng cơ sở của Mỹ, thì không ngại tiến hành tấn công báo thù.

Bài báo chỉ ra, ngày 8 tháng 6 nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc đã hội đàm tại bang California và đã bàn về vấn đề an ninh mạng. Khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng: "Các doanh nghiệp Mỹ đã bị thiệt hại bởi các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc, an ninh của Mỹ cũng đã bị tổn hại". Phía Trung Quốc cho biết hiểu được sự lo ngại của Mỹ, mặt khác nhấn mạnh Trung Quốc cũng là người bị hại bởi các cuộc tấn công mạng.

Theo bài báo, trên thực tế, tình hình đối mặt của Trung Quốc hoàn toàn không được coi là cấp bách. Trước cuộc hội đàm, việc các cơ quan tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của người dân đô thị đã bị bộc lộ. Cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, từ năm 2009 trở đi, Mỹ đã tiến hành chiến tranh mạng đối với Trung Quốc và Hồng Kông.

Tòa nhà màu trắng 12 tầng ở ngoại ô Thượng Hải là Bộ Tư lệnh Lực lượng 61398 của Quân đội Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận lực lượng này phụ trách tấn công mạng.
Tòa nhà màu trắng 12 tầng ở ngoại ô Thượng Hải là Bộ Tư lệnh Lực lượng 61398 của Quân đội Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận lực lượng này phụ trách tấn công mạng.

Đối mặt với chiến tranh mạng hết sức căng thẳng, cộng đồng quốc tế cũng đã xuất hiện những động thái về việc xây dựng các quy tắc trong không gian mạng.

Tháng 3, một ủy ban của NATO đã đưa ra một tài liệu dài 282 trang, đã liệt kê ra 95 nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cần phải làm trong không gian mạng - "nếu quy mô và hiệu quả tương đồng thì có thể nhận định là hành vi sử dụng vũ lực", "nước bị hại có thể áp dụng các biện pháp đối kháng".

Một học giả Anh xây dựng tài liệu này cho biết: "Mục đích đưa ra tài liệu này là xác định luật pháp quốc tế cần làm thế nào để sử dụng thích hợp với không gian mạng, đồng thời giới hạn phục vụ chiến đấu".

Bài báo cho rằng, không gian mạng đã bước vào chiều hướng mới, giống như tên lửa hạt nhân và vũ khí thông thường. Điều này cũng cần răn đe và phản ứng khẩn cấp. Sự phát triển của chiến tranh mạng buộc mọi người phải xem xét lại vấn đề bảo đảm an ninh.

Việt Dũng