Trung Quốc đã xây căn cứ tàu sân bay ở đảo Hải Nam, hướng Biển Đông?

19/09/2013 09:20
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, Trung Quốc có thể chế tạo 6 tàu sân bay và cảng chính tàu sân bay cần học hỏi Mỹ, xây dựng nhiều công trình chuyên dụng.
Quân cảng Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Quân cảng Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc)

“Quân cảng tàu sân bay Trung Quốc hơn nhiều Yokosuka, Nhật Bản”

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 9 có bài viết cho rằng, ngoài cảng chính tàu sân bay ở Thanh Đảo phía bắc, gần đây báo chí quốc tế cũng xôn xao về "căn cứ tàu sân bay thứ hai ở Hải Nam" của Trung Quốc.

Có người phỏng đoán, thời gian bắt đầu xây dựng quân cảng tàu sân bay này vào khoảng cuối tháng 1 năm 2009. Có người cho là một quan chức Quân đội Trung Quốc đã có những lời phát biểu liên quan đến công trình 048 của hải quân nước này, chủ yếu là xây dựng 2 cảng và 3 sân bay.

Tờ "Nhân Dân nhật báo" ngày 21 tháng 4 năm 2013 cũng cho biết: "Một ngày vào tháng 8 năm 2004, ngày đáng ghi nhớ của những người liên quan đến tàu sân bay Trung Quốc. Trong ngày này, Trung ương Đảng, Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương đưa ra quyết sách quan trọng: Tiếp tục chế tạo tàu sân bay Varyag, khởi động công trình tàu sân bay của Trung Quốc!".

Theo bài báo, hệ thống bảo đảm hậu cần tàu sân bay hoàn thiện là đặc điểm lớn nhất của cảng tàu sân bay so với cảng biển và quân cảng thông thường. Khi đi làm nhiệm vụ, tàu sân bay Mỹ cũng thường đến Hồng Kông, Trung Quốc bỏ neo, thăm viếng.

Nhưng, hoạt động bỏ neo này không có bến chuyên dụng, chỉ có thể thích ứng với điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời chỉ có thể tiến hành tiếp tế thực phẩn, nước uống đơn giản, chứ không thể tiếp dầu, điện và đạn dược. Nhân viên trên tàu chỉ có thể tiến hành lên bờ nghỉ ngơi thời gian ngắn, khó đóng vai trò thúc đẩy kinh tế lâu dài đối với địa phương.

Vì vậy, ở góc độ này, ý nghĩa của cảng chính tàu sân bay Trung Quốc rất nổi bật. Trước đây, toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương chỉ có Yokosuka của Nhật Bản là cảng chính của tàu sân bay.

Theo tuyên truyền của TQ, sự xuất hiện của cảng chính tàu sân bay mới của Trung Quốc đã làm thay đổi triệt để cục diện này. Hơn nữa, quân cảng tàu sân bay mới của Trung Quốc được xây dựng mới, bất kể về thiết kế quy hoạch hay kỹ thuật xây dựng, đều phải "mạnh hơn" quân cảng Yokosuka.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tại quân cảng
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tại quân cảng

Chẳng hạn, hiện nay, quân cảng Yokosuka cơ bản không thể đáp ứng dung lượng cho hai tàu sân bay. Yokosuka khó mà đạt tiêu chuẩn cả về số lượng bến và thiết bị kỹ thuật. Trong chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Obama, mặc dù quân Mỹ muốn từng bước chuyển nhiều lực lượng hải quân hơn tới Tây Thái Bình Dương, nhưng hạ tầng cơ sở các cảng biển hạn chế có thể sẽ trở thành một điểm yếu cản trở hoạt động của quân Mỹ.

Mặc dù năng lực tác chiến biển xa của tàu chiến Mỹ mạnh, nhưng nếu bảo đảm quy mô lớn vẫn cần có quân cảng ở bờ biển phía tây nước Mỹ và khó mà sử dụng cơ sở ở bản địa, điều này cũng sẽ hạn chế rất nhiều sức mạnh của quân Mỹ.

Về khoảng cách, ở hướng Biển Hoa Đông, trong tương lai, biên đội tàu sân bay Trung Quốc có thể được chi viện bảo đảm hậu cần tiện lợi hơn, có lợi rất lớn cho thực hiện nhiệm vụ và huấn luyện của tàu sân bay. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, trong tương lai, Trung Quốc không thể chỉ có một tàu sân bay.

Như vậy, sử dụng những quân cảng ở trên các hướng khác nhau có thể luân phiên đi xa thực hiện nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm có một tàu sân bay triển khai ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất hoặc ở vùng biển quan trọng như Biển Đông, bảo đảm an toàn cho tuyến đường hàng hải của Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh tại cảng Đại Liên
Tàu sân bay Liêu Ninh tại cảng Đại Liên

Quân cảng tàu sân bay ngoài yêu cầu về bến, còn cần có một loạt công trình phụ trợ. Trước hết là cơ sở sửa chữa, bảo trì cho tàu sân bay. Cơ sở sửa chữa, bảo trì của quân cảng tàu sân bay Mỹ chủ yếu chia làm hai bộ phận: một bộ phận là trung tâm xử lý phóng xạ và trung tâm chi viện bảo trì.

Trong đó, trung tâm xử lý phóng xạ tiến hành kiểm tra, sửa chữa đối với các linh kiện và thiết bị điều khiển phóng xạ của lò phản ứng hạt nhân tàu sân bay, đồng thời tiến hành xử lý, thu hồi và đóng gói đối với những linh kiện thể rắn và thể lỏng của các thiết bị có liên quan ảnh hưởng tới lò phản ứng. Còn trung tâm chi viện bảo trì chủ yếu tiếp nhận, dự trữ và vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng và vật chất phế liệu hạt nhân sinh ra.

Một bộ phận khác là Trung tâm bảo trì tàu chiến, tiến hành sửa chữa, bảo vệ thông thường đối với tàu chiến.

Do Trung Quốc hiện còn chưa có tàu sân bay động cơ hạt nhân, vì vậy những cơ sở sửa chữa động cơ hạt nhân và xử lý phê liệu hạt nhân tạm thời còn chưa cần đến, mà chủ yếu là sửa chữa và bảo trì đối với tàu chiến, hay nhà máy sửa chữa tàu cỡ tương đối lớn. Nếu cần tiến hành đại tu đối với tàu chiến thì phải có bến tàu cỡ lớn hoặc ụ tàu di động.

Tàu khu trục số hiệu 169 của Hạm đội Nam Hải tại quân cảng Tam Á
Tàu khu trục số hiệu 169 của Hạm đội Nam Hải tại quân cảng Tam Á

Khi cảng chính tàu sân bay đang thi công, phải tính toán đến vấn đề giao thông. Bởi vì nhân viên tàu sân bay và biên đội của nó rất nhiều, lượng tiêu dùng vật tư quân sự và sinh hoạt như thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược rất lớn, vì vậy phải có mạng lưới giao thông trên biển, trên không hoàn thiện.

Chẳng hạn, mở rộng và hoàn thiện đường xung quanh cảng chính tàu sân bay, lượng vận chuyển của hệ thống đường sắt. Ngoài ra, cảng chính tàu sân bay còn phải xây dựng trạm sân bay, vừa có thể đảm đương vận chuyển đường không nhanh chóng, vừa có thể đảm đương chức năng sửa chữa và "quay vòng" của một bộ phận máy bay chiến đấu hải quân.

Cảng chính tàu sân bay của Hải quân Mỹ còn có một đặc điểm nổi bật là xây dựng điểm dừng xe quy mô lớn, thậm chí có lúc tàu sân bay Mỹ đóng vai trò vận chuyển xe cá nhân của binh sĩ trên tàu. Mặc dù tỷ lệ xe cá nhân của quân nhân Trung Quốc còn lâu mới bằng quân Mỹ, nhưng xét đến mức tăng mạnh về thu nhập của quân nhân trong tương lai, cảng chính tàu sân bay của Trung Quốc cũng cần xây dựng nơi dừng xe có quy mô nhất định.

Nhìn vào kinh nghiệm của quân Mỹ, trạm sân bay của cảng chính tàu sân bay hoàn toàn không phải để phục vụ cho máy bay hải quân của tàu sân bay. Chẳng hạn, liên đội máy bay chiến đấu F/A-18 của tàu sân bay Hạm đội Đại Tây Dương quân Mỹ đều đóng ở trạm hàng không hải quân NAS Oceana ở bờ biển phía đông nước Mỹ.

Theo bình luận trêm Tân Hoa xã, nhìn từ góc độ an ninh, cũng thực sự không cần xây dựng trạm sân bay hải quân và cảng chính tàu sân bay cùng với nhau, dù sao cũng không thể đem tất cả trứng cho vào một rổ.

Tàu sân bay Liêu Ninh tại một quân cảng ở Thanh Đảo, Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh tại một quân cảng ở Thanh Đảo, Trung Quốc.

Ngoài bến tàu, nhiên liệu, nhà máy sửa chữa và các công trình hạ tầng có liên quan trực tiếp đến tàu sân bay, cảng chính tàu sân bay phần nhiều còn phải xây dựng các công trình sinh hoạt và vui chơi cho binh sĩ tàu sân bay.

Trước hết chính là nhà tập thể cho hàng nghìn binh sĩ. Tàu sân bay chủ yếu dùng để thực hiện nhiệm vụ ở biển xa, chu kỳ nhiệm vụ tương đối dài, cung cấp một nơi cho người nhà binh sĩ đã kết hôn là một vấn đề cần cân nhắc.

Thứ hai là các công trình sinh hoạt, vui chơi. Lấy cảng chính tàu sân bay Norfolk của Hải quân Mỹ làm ví dụ, bên trong có xây dựng ngân hàng, bưu điện, rạp chiếu phim, bệnh viện, sân gôn, trung tâm mua sắm, trung tâm nghỉ ngơi, hồ bơi, cung thể thao, cửa hàng thức ăn nhanh McDonald...

Trung Quốc sẽ chế tạo 6 tàu sân bay để sánh ngang với Mỹ ở Thái Bình Dương?

Liên quan đến tàu sân bay Trung Quốc, ngày 18 tháng 9, mạng sina Trung Quốc đã dẫn nguồn tin tuần báo "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga gần đây cho biết, Trung Quốc có thể "lấy Mỹ làm thầy", sở hữu 6 tàu sân bay như Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó mỗi hạm đội sẽ trang bị 2 tàu sân bay, 2-4 tàu khu trục Type 052C/D và tàu hộ vệ Type 054A (số lượng tương đương) và 2-3 tàu hỗ trợ.

Về máy bay hải quân, theo bài báo, trang bị hàng không lựa chọn của tàu sân bay nội địa Trung Quốc không chỉ là máy bay chiến đấu J-15, mà còn có máy bay chiến đấu J-10 phiên bản hải quân và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-31. Ngoài ra, chắc chắn sẽ nghiên cứu phát triển máy bay cảnh báo sớm, nhưng nhiệm vụ này rất gian nan, hiện trên thế giới chỉ có Mỹ thực hiện thành công.

Máy bay chiến đấu hải quân mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay
Máy bay chiến đấu hải quân mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay

Bài báo dự đoán, Trung Quốc có thể chế  tạo trước 2-3 tàu sân bay động cơ thông thường, sau đó tiếp tục chế tạo 3-4 tàu sân bay động cơ hạt nhân; nhưng cũng có thể chế tạo 6 tàu sân bay toàn sử dụng động cơ thông thường, hoặc 6 tàu sân bay đều sử dụng động cơ hạt nhân.

Đông Bình