Trung Quốc đang run sợ khi Nhật quyết sửa Hiến pháp, xây quân đội?

31/01/2013 07:40
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật làm như vậy là để thích ứng với môi trường an ninh khu vực đang thay đổi và đối phó với sự "trỗi dậy về quân sự" từ Trung Quốc.
Trung Quốc tham vọng vươn ra đại dương "mở rộng không gian sinh tồn, phát triển"
Trung Quốc tham vọng vươn ra đại dương "mở rộng không gian sinh tồn, phát triển"

Tờ “Hoàn Cầu” vừa có bài viết dẫn nguồn tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản ngày 30/1 cho biết, trong tháng 1/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và nói rõ ý định xây dựng “quân đội chính quy”.

Theo bài báo, xuất phát từ sự cân nhắc về thay đổi của môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự gia tăng sức mạnh quân sự từ Trung Quốc, nhà lãnh đạo Indonesia đã bày tỏ tán thành với mong muốn của ông Shinzo Abe.

Theo tờ “Sankei Shimbun”, khi thăm Indonesia và hội đàm với Tổng thống nước này là Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo với Indonesia về nội dung cụ thể có liên quan đến thực hiện quyền tự vệ tập thể và ý định xây dựng “quân đội chính quy”.

Ông Shinzo Abe nhấn mạnh, Nhật Bản làm như vậy nhằm thích ứng với sự thay đổi của môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ứng phó với hiện trạng tăng cường quân sự của Trung Quốc. Ông Susilo đã bày tỏ mong muốn “chờ đợi” đối với vấn đề này.

Trung Quốc liên tục đóng các loại tàu chiến dùng cho tác chiến ở vùng biển xung quanh. Trong đó, Trung Quốc đang tập trung đóng tàu vận tải đổ bộ và tàu tấn công đổ bộ. Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực tập trận đổ bộ đoạt đảo, đá... Trong hình là tàu tấn công đổ bộ Type 081 (tưởng tượng) đang được Trung Quốc tập trung chế tạo.
Trung Quốc liên tục đóng các loại tàu chiến dùng cho tác chiến ở vùng biển xung quanh. Trong đó, Trung Quốc đang tập trung đóng tàu vận tải đổ bộ và tàu tấn công đổ bộ. Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực tập trận đổ bộ đoạt đảo, đá... Trong hình là tàu tấn công đổ bộ Type 081 (tưởng tượng) đang được Trung Quốc tập trung chế tạo.

Theo tiết lộ từ nguồn tin trong Chính phủ Nhật Bản, ngày 18/1, ông Shinzo Abe đã nói với ông Susilo Bambang rằng “sửa đổi Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và duy trì quân chính quy có số lượng nhất định sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á”.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang hoàn toàn không phản đối vấn đề này, thậm chí còn bày tỏ tán thành, cho rằng “đây là quan điểm hoàn toàn hợp lý. Nhật Bản có khả năng phòng thủ nhất định sẽ đóng vai trò tích cực đối với an ninh của khu vực”.

Tờ “Sankei Shimbun” cho rằng, nếu Shinzo Abe muốn thực hiện ý định xây dựng “quân đội chính quy”, thì phải sửa đổi điều khoản có liên quan “không duy trì sức mạnh chiến đấu” trong Hiến pháp hiện hành. Hiện nay, đảng cầm quyền đã chiếm 2/3 số ghế tại Hạ viện, nhưng đảng đối lập vẫn chiếm đa số ghế tại Thượng viện. Vì vậy, trước khi kết thúc cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm 2013, ông Shinzo Abe có thể sẽ không có hành động cụ thể.

Theo báo Trung Quốc, ông Shinzo Abe sở dĩ tìm sự đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ của các nước Đông Nam Á đối với chủ trương xây dựng quân đội chính quy của Nhật Bản là do trong tương lai Mỹ có thể sẽ giảm sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi cắt giảm chi tiêu quân sự, trong khi đó Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động mở rộng, bành trướng trên hướng biển, tạo sức ép to lớn về an ninh chủ quyền đối với các nước láng giềng.

Trung Quốc vừa cho bay thử thành công máy bay vận tải hạng nặng Y-20 không chỉ để phục vụ các nhu cầu nội tại của Trung Quốc, mà dư luận còn cho là để răn đe láng giềng trong tranh chấp biển đảo.
Trung Quốc vừa cho bay thử thành công máy bay vận tải hạng nặng Y-20 không chỉ để phục vụ các nhu cầu nội tại của Trung Quốc, mà dư luận còn cho là để răn đe láng giềng trong tranh chấp biển đảo.

Bài báo cho biết, khi lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản tham gia cuộc bầu cử Hạ viện, ông Shinzo Abe đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp, đồng thời mở rộng Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính quy.

Đối với vấn đề này, Trung Quốc cũng thường xuyên nói ra nói vào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc rất quan tâm đến đường hướng của Nhật Bản, muốn Nhật Bản “đi theo con đường phát triển hòa bình”, “phát huy vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định của khu vực”.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc tỏ ra vô cùng nhạy cảm, đặc biệt quan tâm đến các động thái mới sau khi ông Shinzo Abe quay trở lại chính trường. Bởi vì, xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong nội bộ Nhật Bản ngày càng rõ ràng, sẽ tạo ra thách thức to lớn cho những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, trong đó có đảo Senkaku.

Hơn nữa, đứng trước một nước Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra tự tin, mạnh bạo khi áp đặt chủ trương chủ quyền bất hợp pháp ở biển Đông, biển Hoa Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển là vô giá trị… thì các nước cũng đã hiểu được phần nào về con đường “phát triển hòa bình”, đồng thời đã và đang tìm mọi biện pháp để đáp trả cho phù hợp với thực lực, vị thế của họ.

Rõ ràng, bàn cờ khu vực tiếp tục sôi động với nhiều “kỳ thủ” tham gia. Đồng thời, người ta cũng sẽ sinh ra nghi ngờ, vì tại sao có nước lại cứ phải luôn miệng rêu rao “phát triển hòa bình” đến vậy?

Ngày 26/5/2011, 3 tàu hải giám số hiệu 12, 17 và 84 của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và tổ chức cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Ngày 26/5/2011, 3 tàu hải giám số hiệu 12, 17 và 84 của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và tổ chức cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng