Trung Quốc đối mặt với 5 thách thức lớn trong phát triển tàu sân bay

06/10/2012 06:30
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - 5 thách thức này gồm tích hợp hệ thống, chi phí bảo dưỡng, huấn luyện phi công, vốn ngân sách và ngoại giao tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Trang mạng tạp chí “Chính sách Ngoại giao” Mỹ vừa có bài viết nói về những thách thức lớn trong phát triển tàu sân bay của Trung Quốc.

Theo bài viết, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động và bàn giao cho Hải quân Trung Quốc. Việc Hải quân Trung Quốc sở hữu tàu sân bay đã tạo ra một “trợ lực giao tiếp” cho Quân đội Trung Quốc và cho thấy ngoại giao Trung Quốc sẽ có sự hậu thuẫn bởi khả năng răn đe lớn hơn trong phạm vi Đông Á, Đông Nam Á.

Nhưng, khả năng răn đe này không dễ có được, hơn nữa để trở thành một công cụ mạnh mẽ, hữu hiệu vẫn còn xa.

Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa chứng minh được khả năng cất/hạ cánh máy bay, một khả năng quan trọng nhất trong các hành động của tàu sân bay.

Tại sao phải bỏ ra ra nhiều thời gian như vậy để đạt đến bước này trong khi về quân sự hoàn toàn không có tính quyết định?

Tích hợp hệ thống không dễ dàng

Ở tàu sân bay này, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc phải bắt đầu từ đầu. Chế tạo thân tàu sân bay hoàn toàn không dễ dàng, nhưng công nghiệp đóng tàu hiện đại của Trung Quốc có thể chế tạo tàu chở dầu, tàu chở khí hóa lỏng khổng lồ và tàu chở hàng rời cỡ lớn – có khả năng tiến hành xử lý “cong” đối với vật liệu thép cần thiết.

Lần này, tàu sân bay Varyag đã có sẵn thân tàu do Liên Xô chế tạo. Nhưng, trên con tàu khổng lồ như vậy, thách thức thực sự nằm ở chi tiết:

Không chỉ phải chế tạo bộ kiện/bộ phận máy, hơn nữa, những bộ phận này phải kết hợp thành một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống đồng bộ có hiệu quả.

Một số hệ thống chuẩn bị cho nhiệm vụ trên biển, một số chuẩn bị cho hoạt động bay (máy bay), còn có một số đồng thời chuẩn bị cho hai nhiệm vụ trên, chúng đều có yêu cầu và đặc điểm khác nhau.

Về phần cứng, phải chế tạo và lắp rấp những hệ thống con đặc biệt. Các nhà máy đóng tàu quốc doanh của Trung Quốc đến nay vẫn chưa tiết lộ, họ làm thế nào để có được những thiết bị bên trong đó để lắp ráp đầy đủ cho thân tàu cơ bản rỗng mà họ có được.

Trực giác là, một số bộ phận máy đến từ Nga và Ukraina, còn có một số bộ phận tương đối đến từ những nhà cung ứng linh kiện tàu của Trung Quốc.

Tác chiến tàu sân bay là một triết lý tác chiến tổng thể, ít nhất là ở Mỹ đã cho là như vậy, trong khi đó Mỹ rất có thể sẽ bị cuốn vào một cuộc đối đầu trên biển tương đối lớn nào đó với tàu sân bay Trung Quốc.

Tác chiến tàu sân bay ít nhất gồm có các yếu tố sau: Tập kết cụm chiến đấu tàu sân bay: duy trì sự vận hành hiệp đồng của máy bay và hệ thống hải quân phức tạp của tàu sân bay, đồng thời duy trì độ tin cậy cao trong điều kiện thời tiết bất lợi; khi lực lượng tập bay trên biển, sẵn sàng chịu tổn thất phi công và máy bay; có lẽ đây là điểm khó khăn nhất – kết hợp có hiệu quả giữa chỉ huy, quyết sách quân sự và dân sự để triển khai và sử dụng tàu sân bay, làm cho nó tối đa hóa khả năng ảnh hưởng tới cục diện trong thời gian chớp mắt.

Chi phí bảo dưỡng không rẻ

Đẩy nhanh tiến độ huấn luyện hải quân sẽ được xem xét ưu tiên ở mức độ nào, đây là một vấn đề. Huấn luyện của cụm chiến đấu tàu sân bay hoàn toàn không rẻ: Một nghiên cứu của Cơ quan Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) năm 1993 (năm Hải quân Mỹ công bố số liệu lần cuối cùng) cho biết, quản lý một cụm chiến đấu tàu sân bay mỗi năm phải chi 1,5 tỷ USD. Hiện nay, trong thời đại giá dầu cao hơn, chi phí này có thể sẽ tăng gấp đôi, thậm chí cao hơn.

Những máy bay có thể trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Những máy bay có thể trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Khả năng của cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc sẽ yếu rất nhiều. Số liệu cũ này của Mỹ khiến cho người ta có cảm giác ban đầu về chi phí lớn của Trung Quốc trong quản lý tàu sân bay, đặc biệt là, so với Hải quân Mỹ, hạm đội của Trung Quốc phụ thuộc hơn vào nhiên liệu dầu mỏ.

Nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại gây hạn chế cho sự tăng trưởng ngân sách quốc phòng, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ từng bước buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa huấn luyện nhiều hơn các tàu hiện có với mua nhiều hơn tàu mới như mong muốn của các tướng lĩnh.

Rủi ro huấn luyện trên tàu sân bay cao

Nếu Trung Quốc muốn hải quân của họ thành thạo hơn trong tác chiến tàu sân bay, họ sẽ phải xác định sẵn sàng hy sinh phi công và máy bay.

Từ năm 1949, Hải quân Mỹ bắt đầu triển khai quy mô lớn máy bay, đến năm 1988 tỷ lệ sự cố máy bay của Hải quân/Lính thủy đánh bộ Mỹ đạt mức của Không quân Mỹ; Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ đã tổn thất 12.000 máy bay và hơn 8.500 phi công.

Cho dù Trung Quốc không tích cực mạnh dạn như thế, họ hầu như cũng phải đối mặt với tổn thất phi công và máy bay to lớn và bất ngờ trong quá trình xây dựng khả năng của tàu sân bay.

Trong một xã hội “con một” là chủ yếu ở Trung Quốc, người thân của phi công gặp nạn có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực và làm cho dư luận cảnh giác với việc huấn luyện này. Điều này cuối cùng sẽ làm cho sức chiến đấu trên không của Hải quân Trung Quốc suy yếu.

Cụm chiến đấu tàu sân bay tưởng tượng của dân mạng Trung Quốc
Cụm chiến đấu tàu sân bay tưởng tượng của dân mạng Trung Quốc

Nguồn vốn ngân sách

Trung Quốc còn phải quyết định việc mua sắm của hải quân trong những năm tới và tăng cường huấn luyện trong các lĩnh vực yếu kém nghiêm trọng như tác chiến chống tàu ngầm. Bắc Kinh đối mặt với tình cảnh “khó khăn đôi đường” về vốn mua sắm hải quân, trong khi đó, việc phát triển tàu sân bay càng làm trầm trọng hơn tình hình này.

Trước tiên, trong môi trường kinh tế ngày càng khó khăn do tăng trưởng chậm lại, ngân sách hải quân đối mặt với cuộc “cạnh tranh” gay gắt hơn với nguồn vốn của Chính phủ.

Thứ hai, chỉ một chiếc tàu sân bay không thể bảo đảm khả năng tác chiến liên tục. Trung Quốc rất có thể cần ít nhất 3 tàu sân bay mới có thể bảo đảm luôn có một chiếc hiện diện trên biển.

Tiếp tục chế tạo 2 chiếc tàu sân bay cỡ lớn cộng với lực lượng chiến đấu mặt nước (tàu nổi) và tàu ngầm bảo vệ cho chúng, có thể làm trầm trọng hơn cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á và kích động đồng minh an ninh chống Trung Quốc.

Tàu sân bay có lẽ có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy âm mưu chiến lược của họ trên biển Đông, Hoa Đông, nhưng cũng có thể làm cho Trung Quốc bị bao vây rộng lớn hơn.

Phải hiểu rõ ngoại giao tàu sân bay

Trung Quốc rất có thể phạm sai lầm trước khi hiểu rõ sự thành thạo về ngoại giao tàu sân bay – một trò chơi được Mỹ tiến hành gần 70 năm.

Tại khu vực này, nơi mà chứa đầy hoài nghi và cho rằng, cùng với việc tăng cường sức mạnh quân sự, mong muốn sử dụng sức mạnh mềm của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, thì những lời kêu gọi cứng rắn và việc triển khai tàu sân bay có thể sẽ làm trầm trọng hơn quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Trung Quốc tự chế cáp hãm đà cho tàu sân bay Liêu Ninh
Trung Quốc tự chế cáp hãm đà cho tàu sân bay Liêu Ninh
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)