Trung Quốc hung hăng là chất xúc tác cho “mối tình” Ấn Độ - Nhật Bản

02/06/2013 06:47
Đông Bình
(GDVN) - Mặc dù Ấn-Nhật chưa ký kết hiệp ước chính thức, nhưng hai nước đã tiến sát đến một liên minh với các nội dung hợp tác phong phú, kể cả quốc phòng.
Báo Mỹ gọi Ấn-Nhật là một đôi "tình nhân"
Báo Mỹ gọi Ấn-Nhật là một đôi "tình nhân"

Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng ngày 29 tháng 5 trang mạng tạp chí “Forbes” Mỹ có bài viết cho biết, xung đột Trung-Ấn đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ Ấn-Nhật.

Bài viết cho rằng, nếu kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta, thì Ấn Độ và Nhật Bản chính là một đối tác hợp tác đang “yêu nhau”. “Kẻ thù” chung của họ là Trung Quốc. Ở các phương hướng khác nhau của châu Á, hai quốc gia dân chủ hoàn toàn khác nhau này có mục tiêu chung trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành bành trướng từ Đông Á, đến Đông Nam Á, rồi đến Nam Á, tuần qua Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đến thăm Nhật Bản.

Thông qua chuyến thăm này, Thủ tướng Singh và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị mở rộng các kế hoạch an ninh và thương mại giữa hai nước. Nếu nói họ chưa kết thành đồng minh, thì hai nước ngoài việc không ký kết hiệp ước chính thức, thực ra đã tiến sát đến một liên minh.

Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước hoàn toàn khác nhau về văn hóa và kinh tế, sở dĩ hữu nghị như vậy, bối cảnh trực tiếp là các cuộc xung đột với Trung Quốc đã động chạm đến những vấn đề nhạy cảm nhất và lợi ích của hai nước.

Những cuộc tranh chấp này có lẽ sẽ không bùng phát thành chiến tranh quy mô lớn, nhưng điều này thực sự có nghĩa là Ấn Độ và Nhật Bản đã phát hiện ra rất nhiều lợi ích chung.

Thiên hoàng Nhật Bản tiếp Thủ tướng Ấn Độ Singh
Thiên hoàng Nhật Bản tiếp Thủ tướng Ấn Độ Singh

Ngày 30 tháng 5, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, các nhà lãnh đạo hai nước Nhật Bản (nước luôn tìm cách lôi kéo láng giềng cân bằng với Trung Quốc) và Ấn Độ (nước tìm cách mở rộng vai trò ảnh hưởng trên biển)  đã cùng ngồi bàn với nhau.

Thủ tướng Singh và Thủ tướng Shinzo Abe đã bàn về các vấn đề hợp tác như bảo vệ an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác năng lượng hạt nhân. Hai bên đã đạt được đồng thuận về xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu mang tính chiến lược giữa hai nước.

Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Nhật-Ấn nhấn mạnh, sẽ tăng cường giao lưu quốc phòng, đưa hợp tác hàng hải đi vào chiều sâu, tăng cường hợp tác vận tải đường sắt, tái khởi động đàm phán thỏa thuận năng lượng hạt nhân…

Tuyên bố chung cho biết, hai bên sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm tổ chức diễn tập liên hợp định kỳ và liên tiếp giữa Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ; tổ chức diễn tập hợp tác giữa Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Cảnh sát biển Ấn Độ; bàn thảo hợp tác về thủy phi cơ US-2; tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong vấn đề biển. Hai bên quyết định thành lập tổ công tác chung nhằm xuất khẩu thủy phi cơ US-2. Để không vi phạm “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, hai bên cân nhắc làm cho thủy phi cơ US-2 chuyển thành “dân dụng” rồi xuất khẩu.

Nhật Bản sẽ xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ theo phương thức "dân dụng"
Nhật Bản sẽ xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ theo phương thức "dân dụng"

Tuyên bố còn khẳng định, cấp cao hai nước tái khẳng định các nguyên tắc bảo vệ tự do hàng hải và sự thông suốt thương mại trong khuôn khổ Công ước Luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS).

Thủ tướng Singh cho rằng, trong tình hình toàn cầu đối mặt với sự thay đổi đổi, thách thức và rất nhiều yếu tố không xác định, Ấn Độ và Nhật với tính chất là quan hệ đối tác “tự nhiên, không thể thiếu”, “đóng vai trò quan trọng trên phương diện thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác chính trị, bảo đảm an ninh với Ấn Độ. Còn Thủ tướng Singh nói, Ấn-Nhật cho rằng, tăng cường đối thoại chính trị, đàm phán chiến lược và thông qua diễn tập liên hợp trên biển, từng bước tăng cường quan hệ quốc phòng là rất quan trọng.

Ngoài ra, Ấn-Nhật còn tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khai thác đất hiếm, xây dựng khu dân cư “thông minh”, làm ngọt nước biển, năng lượng Mặt trời, công nghệ cao, công nghệ không gian, an ninh năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, cùng hợp tác với “G4” gồm Brazil, Đức thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đạt mục đích trở thành thành viên thường trực.

Ấn Độ-Nhật Bản sẽ tiến hành diễn tập quân sự định kỳ. Trong hình là Mỹ-Nhật-Ấn tổ chức diễn tập quân sự chung trên biển lần đầu tiên vào tháng 4/2007.
Ấn Độ-Nhật Bản sẽ tiến hành diễn tập quân sự định kỳ. Trong hình là Mỹ-Nhật-Ấn tổ chức diễn tập quân sự chung trên biển lần đầu tiên vào tháng 4/2007.

Trong bữa tiệc mừng Thủ tướng Singh, ông Shinzo Abe cho rằng: “Tôi đang tập trung cho tái thiết Nhật Bản. Chỉ có một Nhật Bản mạnh mẽ mới có lợi cho sự phát triển của thế giới, tôi nhiều lần cho biết, một nước Nhật Bản mạnh phù hợp với lợi ích tốt nhất của Ấn Độ”.

“Ấn Độ của phương Tây, Nhật Bản của Đông Á, sự hội nhập của hai quốc gia dân chủ nhất này là một bộ phận quan trọng của các nguyên tắc quốc tế trong thế kỷ 21. Tôi tin rằng, Nhật Bản và Ấn Độ cần gánh vác nhiệm vụ nặng nề bảo đảm cho châu Á tiếp tục hòa bình và thịnh vượng”.

Ông Abe gọi Thủ tướng Singh là “người bạn thân thiết” và hình dung Thủ tướng Singh là nhân vật lãnh đạo từng trải, bậc thầy. Ông nói, tình hữu nghị với ông Singh đã đem lại sự cảm động sâu sắc nhất với ông.

Để thể hiện sự coi trọng đối với phía Ấn Độ, Thiên Hoàng Nhật Bản và phu nhân – những người ít tham gia các hoạt động đối ngoại, cũng đã hội kiến của Thủ tướng Singh. Ông Singh đã mời họ đến thăm Ấn Độ, dự kiến là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay.

Ấn Độ tích cực thúc đẩy chính sách hướng Đông. Được biết, 4 tàu chiến Hải quân Ấn Độ chuẩn bị thăm Việt Nam. Trong hình là tàu khu trục tên lửa Hải quân Ấn Độ thăm nước ngoài.
Ấn Độ tích cực thúc đẩy chính sách hướng Đông. Được biết, 4 tàu chiến Hải quân Ấn Độ chuẩn bị thăm Việt Nam. Trong hình là tàu khu trục tên lửa Hải quân Ấn Độ thăm nước ngoài.
Đông Bình