Trung Quốc khởi công xây trái phép trạm lọc nước biển ở Hoàng Sa

11/11/2012 07:34
Bảo Thành (Nguồn: China Daily)
(GDVN) - Cư dân được Trung Quốc đưa ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam - PV) vẫn phải dựa vào nguồn nước ngọt được vận chuyển ra từ đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Tờ China Daily ngày 10/11 đưa tin, hôm thứ Bảy Trung Quốc đã khởi công xây dựng một trạm lọc nước biển trong khuôn khổ một dự án lớn bao gồm cả một hệ thống lọc nước mưa tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" (Trung Quốc thành lập trái phép, phi lý bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Trụ sở cái gọi là thành phố Tam Sa do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Trụ sở cái gọi là thành phố Tam Sa do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Theo người phát ngôn của cơ quan quy hoạch kinh tế của “thành phố Tam Sa” này, sau khi hoàn thành dự án này sẽ có khả năng xử lý 1000 mét khối nước biển một ngày và sẽ cung cấp nước ngọt cho cư dân trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, đồng thời là nơi họ đặt trụ sở chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa.

Người phát ngôn địa phương cho hay, trạm lọc nước biển này sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2013 và sẽ cung cấp nước sạch cho các hòn đảo kế cận cũng như tàu thuyền qua lại.

Dân Trung Quốc bị đưa ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Dân Trung Quốc bị đưa ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Chi phí xây dựng trạm lọc nước biển này vào khoảng 70 triệu tệ (11,2 triệu USD), còn tổng chi phi cho dự án cung cấp nước ngọt cho quần đảo này ước tính lên tới 210 triệu tệ.

Trung Quốc đã lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa (phi lý, trái phép – PV) và đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa  hồi tháng 7 nhằm phục vụ cho mục đích độc chiếm Biển Đông của nước này.

Hiện nay, những cư dân được Trung Quốc đưa ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam - PV) vẫn phải dựa vào nguồn nước ngọt được vận chuyển ra từ đảo Hải Nam, Trung Quốc. 
Bảo Thành (Nguồn: China Daily)