Trung Quốc nên theo hầu tòa vụ Philippine kiện đường lưỡi bò

15/04/2014 07:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Trung Quốc tự tin yêu sách của mình có căn cứ trong luật pháp quốc tế, thì sự tự tin ấy sẽ được bảo vệ trước 1 tòa án trung lập.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Bác Ngao, Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ cái họ gọi là các hành vi khiêu khích ở Biển Đông.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Bác Ngao, Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ cái họ gọi là các hành vi khiêu khích ở Biển Đông.

Ziad Haider, một chuyên gia về chính sách đối ngoại từ Washington ngày 15/4 nói với tờ The Nation, Thái Lan nhận xét, các hoạt động đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã bị các tàu Trung Quốc và Philippines chạy đua "vượt mặt".

Sau khi xảy ra sự kiện đối đầu nguy hiểm và bất đối xứng ngoài bãi cạn Scarborough từ tháng 4/2012, Manila đã tìm ra con đường đúng đắn, giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế. Vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực và lợi ích riêng của chính mình, Bắc Kinh nên tham gia phiên tòa này.

Đầu tháng 1/2013 Philippines thông báo với Trung Quốc về việc khởi kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNLCOS) mà cả Manila và Bắc Kinh là thành viên.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện ngay từ đầu. Bắc Kinh bây giờ cần phải có một cái nhìn rõ ràng và thấu đáo hơn phải trái, giá trị của sự né tránh trong khi họ vẫn tuyên bố yêu sách của mình là "căn cứ trên UNCLOS". Nếu Trung Quốc tự tin yêu sách của mình có căn cứ trong luật pháp quốc tế, thì sự tự tin ấy sẽ được bảo vệ trước 1 tòa án trung lập.

Bắc Kinh sẽ có cơ hội nếu họ lựa chọn tham gia vụ kiện. Bất chấp phản đối của Trung Quốc, một Hội đồng Trọng tài 5 thành viên đã được Tòa án Quốc tế về Luật Biển thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines. Hôm 30/3, Manila đã nộp bản thuyết trình lập luận của mình để bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc.

Sức mạnh quân sự liên tục gia tăng của Trung Quốc khiến các bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông càng thêm lo ngại.
Sức mạnh quân sự liên tục gia tăng của Trung Quốc khiến các bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông càng thêm lo ngại.

Điều thú vị là, Bắc Kinh có thể đã yêu cầu Manila trì hoãn nộp bản thuyết trình lập luận này để đổi lấy việc Trung Quốc rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough.

Sự sẵn sàng của Trung Quốc tuân theo các chuẩn mực quốc tế không chỉ xác quyết sự tự tin của họ mà còn giúp giảm đáng kể mối lo ngại ngày càng tăng bởi tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và nguy cơ Trung Quốc chạy theo 1 chính sách thực dụng.

Về phía Mỹ, Washington đã ủng hộ mạnh mẽ giải pháp pháp lý của Philippines ở Biển Đông, chuyến thăm của Obama đến Manila cuối tháng này sẽ tái khẳng định điều đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) bùng lên ở Bắc Kinh có thể đã đẩy Trung Quốc vào 1 góc. 

Sau khi Ngoại trưởng Philippines công bố sẽ nộp bản thuyết trình lập luận cho tòa hôm 30/3, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận "đòi hỏi vô lý từ các nước nhỏ" ven Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì khẳng định họ sẽ "không thỏa hiệp, không nhân nhượng" trong khi Thủ tướng nước này nói rằng họ sẽ đáp trả mạnh mẽ những gì họ cho là "khiêu khích" ở Biển Đông.

Nhưng việc chấp thuận một phiên tòa quốc tế không có nghĩa là điều gì đó khiến Bắc Kinh mất mặt. Trung Quốc đã từng thường xuyên tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và có một hồ sơ tuân thủ tương đối mạnh khi đối mặt với phán quyết bất lợi, chủ yếu là vì cái giá phải trả về uy tín của một thành viên không tuân thủ luật chơi.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông chắc chắn phức tạp hơn tranh chấp thương mại và sẽ động vào sợ dây thần kinh của người Trung Quốc, chủ quyền lãnh thổ. Bây giờ các luật sư của Manila đã khởi kiện đường lưỡi bò, thách thức cơ sở pháp lý yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh nên xem xét gặp họ ở tòa.
Hồng Thủy