Một cuộc tấn công của tàu ngầm hạt nhân TQ có thể khiến 5-12 triệu người Mỹ thiệt mạng?

Trung Quốc sẽ biên chế tên lửa xuyên lục địa DF-41 vào năm 2015?

16/10/2014 11:00
Việt Dũng (nguồn Free Beacon, CRNTT)
(GDVN) - Trung Quốc hiện đại hóa quân sự dồn dập đang làm thay đổi cân bằng sức mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể gây ra chạy đua vũ trang.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc

Trang mạng "Washington Free Beacon" Mỹ ngày 13 tháng 10 đưa tin, một bản báo cáo sắp được Ủy ban Trung Quốc của Quốc hội Mỹ công bố chỉ ra, sức mạnh quân sự chiến lược và xuyên lục địa của Trung Quốc gần 10 năm qua đang làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh của châu Á và làm cho nó phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Báo cáo thường niên của Ủy ban giám sát kinh tế và an ninh Trung-Mỹ này cho rằng, Quân đội Trung Quốc đang tiến hành bành trướng rất lớn về lực lượng trên biển và trên không, đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng tên lửa để chống lại Mỹ và các đồng minh châu Á. Báo cáo cho rằng "khả năng tiềm tàng xuất hiện phán đoán nhầm chiến lược của khu vực này đang tăng lên".

Báo cáo này sẽ chính thức công bố vào tháng 11, trong đó cho rằng Trung Quốc đang phát triển hai loại máy bay chiến đấu tàng hình, triển khai lực lượng đổ bộ viễn chinh hải quân ở Ấn Độ Dương và tiến hành huấn luyện ném bom (oanh tạc) đường không ở Kazakhstan. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ coi Mỹ là đối thủ chủ yếu - mặc dù hai nước có quan hệ rất chặt chẽ về kinh tế thương mại.

Tờ "Washington Free Beacon" đã nhận được một bản dự thảo báo cáo và đã công bố một phần nội dung.

Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Báo cáo cho biết: "Trung Quốc hiện đại hóa quân sự dồn dập đang làm thay đổi cân bằng sức mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể gây ra chạy đua vũ trang với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, làm xấu đi tình hình an ninh của khu vực eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và Biển Đông". Cùng với việc Mỹ cắt giảm chi quốc phòng, cân bằng sức mạnh của châu Á sẽ "nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc".

Báo cáo cảnh báo, Trung Quốc đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh căng thẳng lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng bất ổn xã hội. "Thúc đẩy tinh thần bất bình trong nhân dân Trung Quốc và tạo ra tình trạng căng thẳng nghi binh trong khu vực sẽ làm leo thang khủng hoảng thực sự và khiến Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực" - báo cáo viết.

Các loại vũ khí công nghệ cao và khả năng khác của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với khả năng ngăn chặn các cuộc xung đột, bảo vệ đồng minh, duy trì tự do và an toàn hàng hải trong khu vực của Mỹ.

Báo cáo cho rằng, với việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân và Hải quân Mỹ đang yếu đi, khả năng đánh bại Trung Quốc trong một cuộc xung đột sẽ rất khó bảo đảm.

Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ triển khai 342 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, trong đó rất nhiều đã trang bị vũ khí tiên tiến, đồng thời, Hải quân Mỹ sẽ chỉ có 243 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm (tàu chiến chủ lực của Mỹ bất kể về trọng tải hay trình độ công nghệ đều trội hơn Hải quân Trung Quốc, có nhiều biên đội tấn công tàu sân bay cỡ lớn mà Hải quân Trung Quốc chưa có).

Trung Quốc ngày càng chủ động xông thẳng vào tàu chiến Mỹ ở các vùng biển trong khu vực - nơi mà Trung Quốc cho là "lãnh hải" của họ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mạnh dạn cho máy bay chiến đấu áp sát nguy hiểm với máy bay trinh sát của Mỹ-Nhật
Trung Quốc ngày càng chủ động xông thẳng vào tàu chiến Mỹ ở các vùng biển trong khu vực - nơi mà Trung Quốc cho là "lãnh hải" của họ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mạnh dạn cho máy bay chiến đấu áp sát nguy hiểm với máy bay trinh sát của Mỹ-Nhật

Các hành động khiêu khích trên biển và va chạm trên không gần đây của Trung Quốc có báo hiệu hai nước có thể bị kéo vào một cuộc xung đột. Theo báo cáo, "Trung Quốc đã phát động nhiều cuộc đụng độ nguy hiểm trên biển", đồng thời xác nhận gần đây Trung Quốc đã dùng máy bay chiến đấu đánh chặn cự ly gần đối với máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Hải quân Mỹ.

Báo cáo cho rằng "Trung Quốc đã có khả năng tạo ra mối đe dọa ban đầu ở trên biển".

Chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc Fisher cho rằng, báo cáo của Quốc hội là sự bổ sung cho báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc có không ít thiếu sót của Lầu Năm Góc.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc đã sở hữu 1.895 quả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đối đất, bao gồm 1.200 quả tên lửa tầm ngắn, khoảng 100 quả tên lửa tầm trung, 20 quả tên lửa tầm xa, 75 quả tên lửa xuyên lục địa và 500 quả tên lửa hành trình tấn công đối đất triển khai trên mặt đất.

Về tên lửa tầm ngắn, Trung Quốc hiện đang nghiên cứu phát triển 5 loại hệ thống tên lửa tầm ngắn có tầm bắn từ 94 - 174 dặm Anh (150 - 280 km), các hệ thống tên lửa mới có độ chính xác cao hơn, uy lực lớn hơn.

Để tấn công Quân đội Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong-21C tầm bắn khoảng 1.240 dặm Anh (2.000 km), đồng thời đang triển khai một loại vũ khí mới - tên lửa Đông Phong-16.

Tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung Đông Phong-21D Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung Đông Phong-21D Trung Quốc

Tên lửa tầm trung và xa kiểu mới của Trung Quốc sẽ triển khai trong 5 năm, những tên lửa này sẽ có thể tấn công các mục tiêu của Quân độ Mỹ ở Guam Mỹ, miền bắc Australia, Alaska, Ấn Độ Dương và khu vực Trung Đông.

Trung Quốc đã triển khai 2 lữ đoàn tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong -21D ở khu vực đông nam và đông bắc.

Lực lượng tấn công hạt nhân của Trung Quốc vẫn nằm ở trạng thái giữ bí mật, báo cáo cho rằng "Tuyên bố chính thức của Trung Quốc về lực lượng vũ khí hạt nhân của họ rất ít, nhằm giữ trạng thái mơ hồ chiến lược".

Trung Quốc hiện nay đã triển khai tên lửa tầm xa cơ động mặt đất và tên lửa đạn đạo chiến lược bắn từ tàu ngầm JL-2, tên lửa JL-3 có kế hoạch đưa vào hoạt động vào năm 2020.

Báo cáo cho rằng, hệ thống tên lửa xuyên lục địa DF-41 mới nhất của Trung Quốc có triển vọng đưa vào hoạt động trong năm 2015, tên lửa này có thể mang theo nhiều nhất 10 đầu đạn, tầm bắn có thể đạt 7.456 dặm anh (12.000 km), có thể tấn công toàn bộ đại lục Mỹ.

Một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Trung Quốc vào Mỹ có thể khiến cho 5 - 12 triệu người thiệt mạng.

Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 có thể lắp 10 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 có thể lắp 10 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc

Chương trình tác chiến không gian của Trung Quốc cũng mở rộng đáng kể. Báo cáo cho rằng: "Quân đội Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình đáp trả không gian rộng lớn nhằm thách thức ưu thế thông tin của Mỹ trong một cuộc xung đột và phá hoại hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ khi cần thiết".

Các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc có thể tiêu diệt vệ tinh cả ở quỹ đạo thấp và xa, bao gồm vệ tinh liên lạc chiến lược, hệ thống định vị toàn cầu và tàu vũ trụ thông minh. "Trung Quốc có thể đe dọa vệ tinh an ninh quốc gia Mỹ trên mọi quỹ đạo trong 5 - 10 năm tới".

Để chống lại sự tích tụ quân sự của Trung Quốc, Ủy ban đề nghị Quốc hội Mỹ tăng kinh phí triển khai hải quân ở châu Á; tiếp tục sản xuất tàu ngầm lớp Virginia, phát triển máy bay tấn công không người lái cho tàu sân bay, hỗ trợ cho tên lửa tầm xa chống hạm mới, phát triển vũ khí năng lượng định hướng cho tàu chiến.

Ủy ban này đề nghị Quốc hội chỉ đạo Lầu Năm Góc cung cấp thêm chi tiết về tên lửa, đầu đạn thông thường và hạt nhân của Trung Quốc.

Về các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, báo cáo cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc tấn công quy mô lớn đối với hệ thống mạng của Mỹ, bao gồm hệ thống quốc phòng và các công ty tư nhân.

Máy bay trực thăng tấn công Z-10 Trung Quốc
Máy bay trực thăng tấn công Z-10 Trung Quốc

Trung Quốc đã ăn cắp các tài liệu về tên lửa phòng không Patriot, máy bay chiến đấu F-35 và F-18, máy bay trinh sát P-8, máy bay không người lái Global Hawk, máy bay trực thăng Black Hawk, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và tàu Littoral Combat.

Quân đội Trung Quốc cũng thu thập các bí mật về công nghệ quốc phòng như các bí quyết liên quan đến vũ khí năng lượng định hướng, hệ thống video bay không người lái, các tài liệu kỹ thuật, thông tin liên lạc vệ tinh, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phóng máy bay điện từ.

Theo báo cáo, ngoài ăn cắp thiết kế các hệ thống vũ khí và công nghệ, Trung Quốc còn nhắm tới các mục tiêu liên lạc nội bộ, chương trình, biên bản cuộc họp, hồ sơ nhân sự và các tài liệu khác…

Việt Dũng (nguồn Free Beacon, CRNTT)