Trung Quốc sẽ có máy bay vận tải hạng nặng Y-20 vào cuối năm nay?

30/11/2012 07:05
Việt Dũng
(GDVN) - Đây là dự đoán của chuyên gia Mỹ về việc Trung Quốc phát triển máy bay vận tải chiến lược/hạng nặng kiểu mới, lộ rõ tham vọng của họ.
Ngày 25/11, trang mạng Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Mỹ đã đăng báo cáo của nhà nghiên cứu cấp cao Richard Fisher cho rằng, hiện nay Trung Quốc không chỉ tăng cường vai trò ảnh hưởng quân sự ở Trung Đông và Mỹ Latinh, mà còn không ngừng nâng cao khả năng điều động lực lượng quân sự.

Báo cáo cho biết, vào năm 2011, những tài liệu của Lybia do quân Mỹ thu được cho thấy, Trung Quốc đã vận chuyển rất nhiều hệ thống vũ khí từ Algeria (có nguồn gốc từ Trung Quốc) tới Libya để hỗ trợ cho Gaddafi.

Ngay cả Trung Quốc cũng công nhận rằng, vào năm 2011 đã cho phép đại diện của Gaddafi đến thăm nhà máy quân khí của Trung Quốc, tiến hành đàm phán về một giao dịch vũ khí.

Nếu hệ thống vũ khí của Trung Quốc giúp cho chính quyền Gaddafi sống sót thì sao? Trong trường hợp này, khi đối mặt với tình trạng bất ổn ở Libya và Syria trong năm 2012, các nước phương Tây có thể sẽ bình tĩnh hơn.

Đối với Trung Quốc, một trọng tâm khác có thể là Mỹ Latinh. Trung Quốc không chỉ mở rộng vai trò ảnh hưởng kinh tế và chính trị, mà còn đang đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng quân sự ở châu Mỹ Latinh.

Mẫu máy bay vận tải cỡ lớn Y-20
Mẫu máy bay vận tải cỡ lớn Y-20

Trong thời gian tổ chức triển lãm công nghệ quốc phòng quốc tế Peru năm 2011, Công ty xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đã trưng bày một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay chiến đấu không người lái.

Nếu những vũ khí trang bị này xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ Latinh, thì có khả năng sẽ gây ra một cuộc chạy đua tên lửa ở khu vực này.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Argentina thăm Trung Quốc vào tháng 7/2012, truyền thông Trung Quốc cho biết, Argentina có thể sẽ mua máy bay chiến đấu J-10. Trước đó cũng có tin cho rằng, Argentina rất quan tâm tới máy bay chiến đấu giá rẻ Kiêu Long FC-1 (còn gọi là JF-17 Thunder).

Hai loại máy bay chiến đấu này đều sẽ đe dọa sự kiểm soát của Anh đối với quần đảo Falkland (Malvinas) và lợi ích của Mỹ.

Tháng 10/2011, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu đã thăm Cuba; cùng lúc, ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng đang thăm Cuba. Trên đất Cuba, ông này đã tới thị sát con tàu bệnh viện này và thăm hỏi các binh sĩ.

Điều này đã phản ánh “mối quan hệ mật thiết” giữa Trung Quốc và Cuba. Như vậy, trong thập kỷ này, tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay, phải chăng có thể sẽ đến thăm Cuba?

Máy bay vận tải chiến lược Y-20 Trung Quốc (tưởng tượng)
Máy bay vận tải chiến lược Y-20 Trung Quốc (tưởng tượng)

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng, đến cuối thập niên 20 của thế kỷ này, Quân đội Trung Quốc sẽ chế tạo được tàu sân bay động cơ hạt nhân của họ, đến năm 2020 và năm 2022, Trung Quốc sẽ chế tạo được 2 tàu sân bay phi hạt nhân.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ trang bị máy bay chiến đấu J-15. Máy bay J-15 là phiên bản sao chép của máy bay chiến đấu Su-33, có tin còn nói nó có phần còn “tiên tiến hơn” máy bay chiến đấu F/A-18 của hãng Boeing. J-15 sẽ được trang bị vũ khí tấn công không đối không, không đối đất.

Công ty máy bay Thẩm Dương còn có khả năng nghiên cứu chế tạo thành công máy bay tàng hình thế hệ thứ năm 2 động cơ J-31, loại máy bay này có kích cỡ và tính năng tương tự máy bay chiến đấu F-35.

Đến thập niên 20 của thế kỷ này, liên đội máy bay hải quân của Hải quân Trung Quốc cũng có thể sẽ nhận được máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm chuyên dụng, cùng với máy bay chiến đấu không người lái đầu tiên.

Đến thập niên 20, kế hoạch đóng 6 tàu vận tải đổ bộ và 6 tàu tấn công đổ bộ có thể cơ bản hoàn thành, đến cuối thập niên 20, những tàu đổ bộ này có thể sẽ trang bị máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng, cự ly ngắn tương tự như F-35B.

Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc (mô phỏng)
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc (mô phỏng)

Đến thập niên 20, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 10 tàu khu trục (trở lên) trang bị hệ thống tương tự Aegis, 8 tàu khu trục lớp Hiện đại của Trung Quốc hoặc Nga chế tạo, cùng với 6-8 tàu chi viện hậu cần hiện đại (giúp cho các hoạt động thường xuyên của hạm đội tầm xa trở thành hiện thực).

Dự kiến, vào năm 2012 hoặc năm 2013, Quân đội Trung Quốc sẽ còn nhận được máy bay vận tải cỡ lớn mới của Công ty Máy bay Tây An, đó là máy bay vận tải chiến lược 4 động cơ Y-20 có trọng tải 50-60 tấn, cùng cấp với máy bay vận tải C-17 của hãng Boeing.

Hiện nay còn chưa rõ Quân đội Trung Quốc sẽ nhận được bao nhiêu máy bay vận tải loại này, nhưng những máy bay vận tải này sẽ được hỗ trợ bởi máy bay tiếp dầu cỡ lớn mới (cũng do Công ty Máy bay Tây An đang nghiên cứu chế tạo) – máy bay tiếp dầu này được nghiên cứu phát triển trên cơ sở máy bay chở khách thể tích rộng 4 động cơ này, có thể nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ quan trọng của Nga – Nga muốn cung cấp máy bay vận tải IL-76 cho Trung Quốc, làm cơ sở nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải thể tích rộng kiểu mới được Trung-Nga hợp tác phát triển.

Máy bay Y-20 (tưởng tượng)
Máy bay Y-20 (tưởng tượng)

Máy bay vận tải Y-20 được cho sẽ là trang bị lý tưởng của lực lượng thiết giáp hạng nặng Lục quân Trung Quốc, mà lực lượng thiết giáp hạng nặng Lục quân Trung Quốc chủ yếu trang bị xe chiến đấu-chi viện dòng ZBD-09/ZSL09 lớp 20-25 tấn.

Những lực lượng thiết giáp hạng nặng này hoặc lực lượng nhảy dù hạng nhẹ (chủ yếu trang bị xe chiến đấu bộ binh ZBD-03 lớp 8-12 tấn), có thể giúp Trung Quốc có khả năng triển khai lực lượng để thực hiện nhiệm vụ cưỡng ép hay chiến đấu.

Trong một cuộc diễn tập tháng 4/2012, xe chiến đấu lính dù ZBD-03 của Quân đội Trung Quốc do máy bay vận tải cỡ lớn Boeing 747-400F của Công ty Hàng không Phương Nam Trung Quốc vận chuyển. Máy bay vận tải cỡ lớn 747-400F có thể vận chuyển 6-8 loại xe chiến đấu bộ binh này. Điều này cho thấy, Quân đội Trung Quốc đã dần hình thành khả năng điều động lực lượng cơ giới nhảy dù tới khu vực vượt qua Đài Loan.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (tưởng tượng)
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (tưởng tượng)
Việt Dũng