Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ lại cách tiếp cận vấn đề Biển Đông

22/11/2015 07:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Hình ảnh của Trung Quốc đã sa sút nặng nề trong những năm gần đây bởi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) chói tai và cơ bắp của họ ở Biển Đông.

The Straits Times ngày 21/10 dẫn lời nhà ngoại giao cấp cao Singapore Ong Keng Yong nhận xét, hình ảnh của Trung Quốc đã sa sút nặng nề trong những năm gần đây bởi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) chói tai và cơ bắp của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận của mình.

Tổng thống Philippines Aquino tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ảnh: AP.
Tổng thống Philippines Aquino tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ảnh: AP.

Mỹ gia tăng áp lực chống bành trướng trên Biển Đông

Theo tờ Sputnik News ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua Thứ Bảy đã tiếp tục kêu gọi khu vực ngăn chặn các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên Biển Đông. Phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Malaysia, ông Obama nhấn mạnh:

"Vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực, các bên tranh chấp nên dừng hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa khu vực tranh chấp". Sputnik News nói rằng, Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo rằng Washington không thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Ông Obama cũng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động gây căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nước này không đứng về bên nào trong các bên yêu sách ở Biển Đông, Washington chỉ bảo vệ tự do, an toàn hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ không nhằm chống "yêu sách chủ quyền" của Trung Quốc, mà chống lại yêu sách đòi 12 hải lý "lãnh hải" cho các đảo nhân tạo vốn không được hưởng quy chế này - PV.

Channel News Asia ngày 21/11 cho biết, hải quân Hoa Kỳ sẽ tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Biển Đông lần nữa trước khi kết thúc năm 2015. Các quan chức hải quân Mỹ tiết lộ, hoạt động tuần tra này có thể ẽ diễn ra trong tháng 12.

Trước khi ông Obama sang Philippines dự hội nghị thượng đỉnh APEC, Mỹ đã điều 2 chiếc B-52 tuần tra không phận quốc tế ở Trường Sa, một chiếc tuần tra bên trong 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, một chiếc tuần tra ở bãi Cỏ Mây.
ASEAN không thể để bất cứ nước nào đòi "chủ quyền" gần như toàn bộ Biển Đông.

B-52 Hoa Kỳ, hình minh họa.
B-52 Hoa Kỳ, hình minh họa.

South China Morning Post ngày 22/11 đưa tin, bất chấp mọi nỗ lực của Trung Quốc ngăn cản ASEAN đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh khu vực và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur ngày hôm qua, Biển Đông một lần nữa đã dấy lên mối lo ngại của các nước tham dự hội nghị.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak kêu gọi "tất cả các bên" kiềm chế, tránh các hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Ông tránh nêu tên Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi tránh quân sự hóa Biển Đông và dừng lại các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo.

The Jakarta Post ngày 21/11 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN kêu gọi, ASEAN không nên để bất kỳ nước nào đòi hỏi "chủ quyền" đối với toàn bộ Biển Đông, đặc biệt là khi quốc gia đó định sử dụng sức mạnh để theo đuổi yêu sách.

"Chúng tôi tin rằng là một cộng đồng dựa theo luật lệ, ASEAN không nên cho phép bất kỳ quốc gia nào, dù mạnh đến đâu dược đòi yêu sách toàn bộ Biển Đông như của riêng mình và sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vữ lực trong việc theo đuổi yêu sách như vậy", Tổng thống Aquino nói.

Nhật Bản muốn tham gia sâu hơn vào Biển Đông, nhưng lựa chọn hạn chế

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản là đối tác tốt nhất đối với châu Á và là tác nhân thúc đẩy tăng tốc một giai đoạn phát triển mới theo hướng bền vững, lâu dài.

Ông nói rằng Nhật Bản cam kết tăng cường hỗ trợ phát triển, cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á cung cấp 110 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực trong 5 năm tiếp theo. "Chúng tôi không áp đặt văn hóa của chúng tôi cho nước khác. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ và thực hiện cùng với người dân sở tại", AP dẫn lời ông Abe cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: EPA.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: EPA.

Về vấn đề Biển Đông, hôm Thứ Năm Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ông sẽ xem xét phương án điều tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản xuống Biển Đông tuần tra cùng Hoa Kỳ và những ảnh hưởng của Biển Đông đối với an ninh quốc gia Nhật Bản. Tuy nhiên các quan chức Nhật khẳng định, hiện Tokyo chưa có kế hoạch đưa tàu chiến xuống Biển Đông.

The Diplomat ngày 21/11 dẫn lời giáo sư Yuichi Hosoya từ đại học Keio rằng, công chúng Nhật Bản sẽ chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự ở nước ngoài nếu nó có tác động trực tiếp đối với sự sống còn của Nhật Bản. 

Theo ông người dân Nhật hiện nay "không nghĩ rằng vấn đề Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ đến sự sống còn, an ninh quốc gia của Nhật. "Tôi không nghĩ rằng chính phủ Nhật và người dân Nhật Bản đang lo ngại nghiêm túc về những gì đang xảy ra trên Biển Đông", ông Hosoya nói.

Trung Quốc sẽ vẫn không từ bỏ tham vọng lưỡi bò

Quan chức ngoại giao Singapore Ong Heng Yong được The Straits Times dẫn lời cho rằng, ông nghi ngờ Trung Quốc sẽ từ bỏ yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông. "Tôi không nghĩ rằng họ sẽ bỏ quốc. Lập trường của Trung Quốc luôn luôn giữ và bảo vệ yêu sách chủ quyền của họ", ông nói.

Giáo sư Hoang Jing từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore nhận xét, sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đi song song với sự phát triển của Trung Quốc. Chỉ trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tăng đáng kể sức mạnh trong khu vực và còn tiếp tục gia tăng.

"Trung Quốc sẽ không và không thể che giấu khả năng ngày càng tăng để kiểm soát tình hình khu vực. Đó là lý do tại sao tranh chấp nhiều năm trên Biển Đông đã đột nhiên trở thành trung tâm va chạm quốc tế trong 3 - 4 năm qua", ông Hoang Jing bình luận.

Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt khi tàu chiến Mỹ tiến sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp tháng trước, tình hình có vẻ đang ít ảm đam hơn. "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải cố gắng tìm ra cách nào để xác định lại cách tiếp cận của họ".

Ong Heng Yong cho rằng, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đều kiểm soát chặt chẽ tình hình Biển Đông, không để xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Về hoạt động tuần tra của Mỹ, Ong Heng Yong cho rằng không giống như những gì dư luận nhìn thấy, trước khi tuần tra Mỹ đã nói với Trung Quốc về việc này.

Hồng Thủy