Trung Quốc sẽ vẫn phải mua động cơ nước ngoài trong 10 -15 năm nữa

02/11/2012 06:20
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Mặc dù TQ đã và đang tập trung đầu tư phát triển động cơ, thậm chí tìm cách sở hữu công nghệ động cơ từ liên doanh… nhưng còn đầy gian nan.
Động cơ máy bay WS-10A do Trung Quốc tự sản xuất, nhưng tính năng hạn chế.
Động cơ máy bay WS-10A do Trung Quốc tự sản xuất, nhưng tính năng hạn chế.

Hãng Reuters Anh gần đây cho rằng, Trung Quốc đã đưa thành công tên lửa hạt nhân và các nhà du hành vào vũ trụ, nhưng vẫn không thành công trong một lĩnh vực công nghệ quan trọng – mặc dù đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu phát triển, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể chế tạo thành công động cơ phản lực có tính năng cao và tin cậy.

Tình hình này có thể sẽ thay đổi, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm sự đột phá quan trọng có thể kết thúc sự phụ thuộc của họ vào máy bay quân sự và động cơ máy bay quân sự của Nga và các nước phương Tây: Hiện nay Bắc Kinh đang đánh giá một chương trình nghiên cứu có trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD), nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu phát triển động cơ nội địa.

Một số chuyên gia Trung Quốc dự đoán, trong 20 năm tới, Bắc Kinh có thể sẽ đầu tư 30 tỷ nhân dân tệ (4,9 tỷ USD) cho lĩnh vực phát triển động cơ.

Nhưng, có chuyên gia chỉ ra, mặc dù Trung Quốc đã gia tăng mức độ nghiên cứu phát triển động cơ, hơn nữa còn có thể thông qua công ty liên doanh để được chuyển nhượng công nghệ, nhưng động cơ của nước ngoài vẫn sẽ thống trị bầu trời Trung Quốc, tình hình này “sẽ không thay đổi trong 10-15 năm nữa”.

Động cơ WS-10 chủ yếu trang bị cho máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Động cơ WS-10 chủ yếu trang bị cho máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Trung Quốc tăng cường đầu tư phát triển động cơ máy bay

Theo nguồn tin từ ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, hiện nay Bắc Kinh đang đánh giá một chương trình nghiên cứu phát triển trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD), thúc đẩy những nỗ lực nghiên cứu phát triển động cơ nội địa.

Một nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc – nhà thầu hàng không quân-dân dụng hàng đầu Trung Quốc luôn cố gắng để có được nhiều vốn hơn.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc là một doanh nghiệp quốc doanh sở hữu hơn 400.000 nhân viên và 200 công ty con (trong đó có 20 công ty đã lên sàn chứng khoán). Hiện nay, tập đoàn này đã chuyển khoản khoảng 100 tỷ nhân dân tệ để sử dụng cho nghiên cứu động cơ trong 3 năm tới.

Triệu Ngọc Tân, quan chức Văn phòng chứng khoán của Công ty TNHH Động cơ Hàng không Tây An (một công ty con chế tạo động cơ quân dụng chủ yếu trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc) cho biết, Bắc Kinh đang tiến hành thảo luận cấp cao về kế hoạch chi tiêu tài chính cho nghiên cứu phát triển động cơ.

Ông trả lời phỏng vấn cho biết, Công ty Tây An đã là một phần của chương trình chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ cho công nghiệp động cơ.

Động cơ WS-10 Trung Quốc
Động cơ WS-10 Trung Quốc

Công nghiệp quân sự Trung Quốc chịu ảnh hưởng toàn diện từ lệnh cấm quân sự của Mỹ và châu Âu. Hơn nữa, các nhà chế tạo động cơ nước ngoài không sẵn lòng chuyển nhượng công nghệ.

Những nhân tố này đã ngăn cản Trung Quốc sử dụng công nghệ truyền thống “sao chép” để thu nhỏ khoảng cách công nghệ.

Một số chuyên gia công nghiệp hàng không Trung Quốc dự báo, trong 20 năm tới, Bắc Kinh có thể sẽ đầu tư 30 tỷ nhân dân tệ (4,9 tỷ USD) cho lĩnh vực phát triển động cơ.

Vương Thiên Nhất, nhà phân tích chứng khoán Phương Đông-Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc rõ ràng không đầu tư đầy đủ cho lĩnh vực động cơ, 100 tỷ nhân dân tệ dành cho lĩnh vực động cơ hoàn toàn không phải là một con số lớn.

Dựa vào liên doanh để sở hữu công nghệ động cơ

Mặc dù hạng mục ưu tiên lâu dài của Tập đoàn Hàng không Trung Quốc là phát triển động cơ quân dụng có tính năng cao, nhưng họ cũng đang thử nghiên cứu chế tạo ra động cơ máy bay chở khách.

Theo dự đoán của các nhà chế tạo máy bay phương Tây, trong 20 năm tới, số tiền dùng để mua sắm động cơ máy bay chở khách của Trung Quốc sẽ vượt 100 tỷ USD.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Tiến sĩ Carlo Kopp, nhà quan sát quân sự-quốc phòng Australia, thuộc Trung tâm phân tích Air Power Australia (APA) cho rằng, về lịch sử, tất cả những người tham gia chính của lĩnh vực hàng không đều có cả khả năng thiết kế thân máy bay và động cơ.

Trước khi Trung Quốc có khả năng thiết kế và chế tạo được động cơ có sức cạnh tranh, tính năng và khả năng thiết kế máy bay của Trung Quốc đều sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Đối với các kỹ sư hàng không Trung Quốc, liên doanh với đối tác hợp tác nước ngoài để được chuyển nhượng động cơ hoặc sao chép đơn giản công nghệ nước ngoài sẽ có hiệu quả rất ít.

Các nhà chế tạo động cơ nước ngoài – trong đó có General Electric, nhà chế tạo động cơ hàng không Pháp – Snecma, Công ty TNHH Cổ phần Rolls Royce Anh – đều giữ kín bí mật công nghiệp của họ, hạn chế chuyển nhượng bản quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ có thể thông qua triển khai rộng rãi hơn các chương trình liên doanh hàng không thương mại với những công ty này, có được kênh nắm chắc công nghệ có liên quan.

Có chuyên gia cho rằng, khả năng nghiên cứu phát triển động cơ máy bay chở khách của Trung Quốc tương đối có tiềm năng chuyển hóa thành công nghệ động cơ quân dụng.

Trung Quốc đẩy mạnh liên doanh, mua lại hãng hàng không của Mỹ. Đây là lễ ký kết hợp đồng giữa hãng General Electric Mỹ (nhà cung cấp lớn nhất về động cơ máy bay và công nghệ hàng không) và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)
Trung Quốc đẩy mạnh liên doanh, mua lại hãng hàng không của Mỹ. Đây là lễ ký kết hợp đồng giữa hãng General Electric Mỹ (nhà cung cấp lớn nhất về động cơ máy bay và công nghệ hàng không) và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)

Tích tụ vốn để phát triển động cơ hàng không

Theo kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, họ sẽ kết hợp các chương trình nghiên cứu phát triển động cơ, để giảm sự tranh giành và công việc chồng chéo, trùng lặp.

Các cơ sở sản xuất hàng không Trung Quốc đã phân tán ở các thành phố như Tây An, Thượng Hải, Thành Đô và An Thuận.

Trong báo cáo thường niên năm 2011, Tập đoàn Hàng không Trung Quốc chỉ ra, tập đoàn này có kế hoạch đưa Công ty TNHH Động cơ Hàng không Tây An gia nhập vào kế hoạch hợp nhất này.

Báo cáo cho rằng, động cơ hàng không đã trở thành “trở ngại” của sự phát triển công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Chỉ có một vài công ty của Mỹ, châu Âu và Nga đã nắm chắc công nghệ nghiên cứu phát triển động cơ.

Biên tập tạp chí “Kanwa Asian Defense”, nhà phân tích quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông, Andrei Chang cho rằng, công nghệ động cơ phản lực hiện đại chính là cách mạng công nghiệp của lĩnh vực hàng không, châu Âu, Mỹ và Nga có hàng trăm năm kinh nghiệm, nhưng Trung Quốc chỉ có vài chục năm kinh nghiệm.

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, các nhà chế tạo Trung Quốc bắt đầu cố gắng nghiên cứu chế tạo động cơ tin cậy hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Những nỗ lực này đã liên quan đến các lĩnh vực như công nghệ tiên tiến nhất, thiết kế, gia công máy móc, đúc, vật liệu composite, hợp kim, giám sát và điều khiển tính năng điện tử, kiểm soát chất lượng.

Từ đó, những người tham gia chính đã thu thập rất nhiều các dữ liệu có liên quan đến tính năng và vận hành trên nền tảng động cơ hiện có, khởi đầu cho việc thiết kế được động cơ tin cậy cần thiết hiện nay.

Trung Quốc phụ thuộc nghiêm trọng vào động cơ tiên tiến của nước ngoài. Trong hình là động cơ AL-31F do Nga sản xuất, đã bán rất nhiều cho Trung Quốc
Trung Quốc phụ thuộc nghiêm trọng vào động cơ tiên tiến của nước ngoài. Trong hình là động cơ AL-31F do Nga sản xuất, đã bán rất nhiều cho Trung Quốc

Nhưng, Richard Margolis, tổng giám đốc khu vực Đông Bắc Á của Công ty TNHH Quốc tế Rawls Lohith cho rằng, sở dĩ rất ít công ty nghiên cứu chế tạo thành công động cơ tin cậy là do “điều này thực sự là quá khó”.

Động cơ phản lực tính năng cao có vai trò rất quan trọng đối với kế hoạch lâu dài tăng cường máy bay chiến đấu và máy bay tấn công trên tuyến đầu của không quân và hải quân Trung Quốc.

Những máy bay này là thành phần chính trong xây dựng quân sự lâu dài của Trung Quốc nhằm tăng cường ưu thế của họ đối với Đài Loan và vùng biển duyên hải phía đông và phía nam.

Do bị ảnh hưởng bởi cấm vận quân sự, Trung Quốc buộc phải dựa vào máy bay chiến đấu nhập khẩu của Nga, nghiên cứu đảo ngược và sao chép máy bay chiến đấu do Nga chế tạo cùng với một bộ phận máy bay thiết kế trong nước. Chiến lược này nhanh chóng có hiệu quả nhưng gặp phải chỉ trích gay gắt.

Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã trang bị hơn 500 máy bay chiến đấu và máy bay tấn công tiên tiến cùng cấp với các máy bay chiến đấu khác, trừ máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Mỹ.

Đồng thời, chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào loại máy bay thời đại Liên Xô.

Máy bay chiến đấu hải quân Su Trung Quốc nhập của Nga
Máy bay chiến đấu hải quân Su Trung Quốc nhập của Nga

Động cơ nước ngoài vẫn sẽ thống trị bầu trời Trung Quốc 10-15 năm tới

Gần đây, các hình ảnh trên mạng cho thấy, máy bay chiến đấu hải quân J-15 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo đã tiến hành hạ cánh thử “chạm tàu rồi bay lên” trên tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, điều này ám chỉ rằng phi công máy bay chiến đấu J-15 sẽ rất nhanh có khả năng cất/hạ cánh trên tàu sân bay – sự xuất hiện của loại máy bay chiến đấu này chính là một ví dụ cho thấy Trung Quốc giành được tiến bộ trong lĩnh vực động cơ.

Các chuyên gia quân sự nước ngoài và Trung Quốc cho rằng, máy bay chiến đấu J-15 (một trong những máy bay quân sự mới nhất của Trung Quốc) do 2 động cơ tua-bin AL-31 của Nga cung cấp động lực – phần lớn máy bay tuyến đầu của Trung Quốc đều được lắp động cơ AL-31.

Truyền thông Nga cho rằng, Moscow đã xuất khẩu hàng nghìn động cơ dòng AL-31 cho Trung Quốc, trong tương lai sẽ còn rất nhiều đơn đặt hàng.

Mặc dù các kỹ sư Trung Quốc có thể sao chép đảo ngược máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, nhưng không hiểu được quá trình chế tạo phức tạp, rất khó sao chép được động cơ.

Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc và phương Tây, Tập đoàn Hàng không Trung Quốc và Công ty TNHH Tập đoàn Động cơ Hàng không Lê Minh-Thẩm Dương (nhà chế tạo động cơ máy bay quân sự dẫn đầu Trung Quốc) đã nghiên cứu chế tạo được động cơ WS-10 nội địa, nhưng sau khi tiến hành thử nghiệm trên máy bay chiến đấu hải quân J-15 và các máy bay chiến đấu khác, loại động cơ này không thể đáp ứng được yêu cầu tính năng có liên quan.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc

Các nhà phân tích trong lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc cho rằng, dự kiến Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập hàng nghìn máy bay chiến đấu tiên tiến trong 20 năm tới.

Nhưng, do tức giận về kỹ thuật đảo ngược và sự cảnh giác với việc Trung Quốc không ngừng nâng cao sức mạnh quân sự, Moscow không sẵn lòng cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ tiên tiến hơn động cơ AL-31.

Chuyên gia cho rằng, nếu không thể nhập khẩu hoặc tự chế tạo được những động cơ này, Trung Quốc sẽ không thể chế tạo được máy bay chiến đấu sánh vai với máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của Mỹ hoặc Nga.

Mặc dù máy bay quân sự có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhưng thị trường thương mại có tiềm năng hơn. Công ty Boeing dự đoán, đến năm 2031, Trung Quốc sẽ cần thêm 5.260 máy bay chở khách cỡ lớn.

Trong cùng thời gian, lượng nhu cầu đối với máy bay thương mại của Công ty Bombardier sẽ lên tới 2.400 chiếc. Mỗi máy bay ít nhất cần 2 động cơ, tổng lượng nhu cầu đối với động cơ sẽ đạt 16.000 chiếc – theo dự đoán, giá bình quân mỗi chiếc động cơ hiện nay là 10 triệu USD.

Trung Quốc có kế hoạch sử dụng 90 máy bay chở khách phản lực ARJ21 và 150 máy bay chở khách C919 nội địa để đáp ứng một phần nhu cầu máy bay. Công ty General Electric Mỹ sẽ cung cấp động cơ cho máy bay ARJ21.

Công ty liên doanh của hãng Snecma Pháp và Nhà máy chế tạo động cơ phản lực cho máy bay chở khách của General Electric – CFM quốc tế, đã giành được hợp đồng nghiên cứu phát triển động cơ mới cho máy bay C919. Trong đó, công việc lắp ráp một số động cơ này sẽ do doanh nghiệp liên doanh ở Trung Quốc phụ trách.

Một số chuyên gia cho rằng, cho dù Trung Quốc đã gia tăng mức độ nghiên cứu phát triển động cơ, hơn nữa còn có thể thông qua công ty liên doanh để có được chuyển nhượng công nghệ, nhưng động cơ nước ngoài vẫn sẽ thống trị bầu trời Trung Quốc. Andrei Chang chỉ ra rằng, tình hình này “sẽ không thay đổi trong 10 hoặc 15 năm tới”.

Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển máy bay vận tải chiến lược Y-20
Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển máy bay vận tải chiến lược Y-20
Máy bay chở khách phản lực ARJ21 Trung Quốc
Máy bay chở khách phản lực ARJ21 Trung Quốc
Trung Quốc đang phát triển máy bay chở khách cỡ lớn C919
Trung Quốc đang phát triển máy bay chở khách cỡ lớn C919
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)